ClockThứ Hai, 17/02/2020 08:15

Chìm thuyền trên sông La Ma là tai nạn đường thủy

TTH - Theo các cơ quan chức năng, vụ chìm thuyền ở sông La Ma - thượng nguồn sông Tả Trạch là vụ tai nạn đường thủy, các nạn nhân tử vong do đuối nước.

Chìm thuyền, 3 người mất tíchVụ chìm thuyền trên sông La Ma là tai nạn đường thủy

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương (ngoài cùng bên phải) thăm hỏi các gia đình nạn nhân trong vụ chìm thuyền

Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, nguyên nhân vụ chìm thuyền ở Hương Phú (Nam Đông) được cơ quan công an xác định, là vụ tai nạn giao thông đường thủy, các nạn nhân tử vong vì đuối nước.

Trước đó, vụ tai nạn trên xảy ra vào khoảng 7 giờ ngày 15/2. Vào thời điểm trên, 12 người chủ yếu trú tại xã Hương Phú và thị trấn Khe Tre (Nam Đông) cùng lên chiếc thuyền vượt sông La Ma - thượng nguồn sông Tả Trạch để vào rừng khai thác keo tràm thuê.

Khi chiếc thuyền vừa di chuyển ra giữa dòng thì bất ngờ gặp gió lớn, thuyền bị quay đầu nên bị chìm. Đoạn sông này nước sâu, vắng người nên khi chìm thuyền các nạn nhân đã tự cứu nhau, nhưng vẫn có ba người tử vong, gồm: vợ chồng bà Nguyễn Thị Lý (48 tuổi), ông Lê Hói (52 tuổi, cùng trú thôn Phú Mậu, xã Hương Phú) và Trần Đình Minh (32 tuổi, trú thôn Phú Hòa, xã Hương Phú). 9 người sống sót và được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Nam Đông cấp cứu. Hiện, tinh thần và sức khoẻ của họ đã ổn định.

Ngay sau khi nhận được thông tin, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đã đến hiện trường để triển khai các phương án cứu hộ, cứu nạn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cùng lãnh đạo Công an tỉnh, Ban ATGT tỉnh cũng đã đến thăm hỏi, động viên, chia sẻ đau thương mất mát với gia đình các nạn nhân.

Tại mỗi điểm đến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã gửi lời chia buồn sâu sắc, động viên gia đình, đồng thời trao số tiền hỗ trợ hơn 12 triệu đồng/nạn nhân cho mỗi gia đình và mong các hộ gia đình sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, lãnh đạo huyện Nam Đông tiếp tục quan tâm giúp đỡ gia đình các nạn nhân trong quá trình tổ chức tang lễ.

Từ vụ tai nạn trên, đang đặt ra nhiều vấn đề về công tác đảm bảo an toàn giao thông đường thủy trên lòng hồ Tả Trạch ở Nam Đông. Nhiều năm qua, việc đi lại của người dân vào rừng sản xuất ở khu vực lòng hồ Tả Trạch rất khó khăn do nhiều diện tích bị ngập nước, chia cắt. Các lâm dân phải di chuyển bằng thuyền. Nếu không có phương án xây cầu hoặc trang bị phương tiện di chuyển an toàn, phục vụ nhu cầu đi lại của các hộ dân vào rừng sản xuất thì tình trạng người dân dùng thuyền “vượt sông” tiềm ẩn nguy cơ tai nạn vẫn diễn ra.

Dự án hồ Tả Trạch ảnh hưởng đến người dân 4 xã, thị trấn gồm Hương Sơn, Hương Hòa, Hương Phú và Khe Tre của huyện Nam Đông, được đền bù cho những hộ dân có diện tích đất bị ảnh hưởng chia làm 2 giai đoạn năm 2003 và đền bù bổ sung năm 2016.

Từ khi lòng hồ Tả Trạch tích nước từ cao trình +53 đã làm nhiều diện tích đất rừng sản xuất của người dân bị ngập, chia cắt. Đặc biệt, tại xã Hương Phú toàn xã có khoảng hơn 38 ha đất nông nghiệp và đất ở của 124 hộ dân bị ảnh hưởng bởi lòng hồ Tả Trạch. Còn diện tích đất sản xuất lâm nghiệp địa phương chưa thống kê đầy đủ.

Ông Hồ Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã Hương Phú cho biết, hiện nay, các hộ dân đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, một số diện tích nằm trong khu vực bán ngập, người dân vẫn sản xuất bình thường nhưng lại khó khăn trong việc chuyển nhượng, tách thửa, cho tặng. Ngoài ra, một số diện tích bán ngập, bị chia cắt phát sinh sau này, người dân kiến nghị được đền bù do sản xuất không ổn định và khó khăn trong việc đi lại khai thác, chăm sóc rừng nhưng đến nay vẫn đang tiếp tục rà soát, chưa có chủ trương đền bù.

Ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông thông tin, kể từ khi thủy lợi Tả Trạch tích nước có rất nhiều diện tích rừng sản xuất của người dân bị chia cắt, cô lập. Hiện nay, việc sử dụng phương tiện thuyền để di chuyển qua vùng sản xuất khá nhiều ở địa phương bởi ở các xã Hương Sơn, Hương Phú đang tồn tại nhiều bến thuyền.

Phương án xây cầu không khả thi, vì thế sắp tới địa phương sẽ đề xuất và làm việc với Ban ATGT tỉnh, đối với các lái thuyền trên các sông cần phải đào tạo chứng chỉ, đảm bảo an toàn kỹ thuật và đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân trong việc trang bị áo phao, chấp hành các quy định an toàn giao thông đường thủy.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Không chủ quan với lũ

Mặc dù đã được tuyên truyền, cảnh báo nhưng vẫn để xảy ra thiệt hại về người do chèo thuyền đi lại khi nước lũ dâng cao, chảy xiết.

Không chủ quan với lũ
Mưu sinh trên sông Ngự Hà

Những người gắn bó đời mình với sông nước đều bảo, chỉ cần còn sức, thì họ còn dong ghe đi kiếm con ốc, con cá.

Mưu sinh trên sông Ngự Hà
Niềm vui của người dân sống tạm bợ trên sông Ô Lâu

Chủ tịch UBND xã Phong Bình (Phong Điền) - Trần Văn Huy thông tin: Khu tái định cư (TĐC) xen ghép Tân Bình hình thành không chỉ tạo điều kiện cho 13 hộ dân sống tạm bợ trên sông Ô Lâu có nơi ở ổn định mà còn dành 17 lô cho những cặp vợ chồng trẻ đã tách hộ có nhu cầu về đất ở. Nhà nước sẽ giao đất có thu tiền sử dụng đất theo đúng quy định.

Niềm vui của người dân sống tạm bợ trên sông Ô Lâu
Garden Chill - Khu vườn trên sông

Là người con xứ Huế, chắc hẳn ai cũng đã từng một lần ghé thăm hoặc nghe đến địa danh cồn Hến. Không chỉ nổi tiếng với món cơm hến, chè bắp đặc sản của đất Kinh kỳ, cồn Hến nay còn thu hút giới trẻ bởi “Garden Chill” – khu vườn thơ mộng bên dòng sông Hương.

Garden Chill - Khu vườn trên sông
Return to top