ClockThứ Sáu, 17/01/2020 05:45

Chim về với phố…

TTH - Chiều cuối tuần lên thăm nhà một người quen ở miệt Kim Long, khi trở về thì trời đã bắt đầu hoàng hôn. Nhìn sang phía cồn Dã Viên, bất chợt bắt gặp những cánh cò từ đâu kéo về, chấp chới bay liệng, rồi nhẹ nhàng đáp xuống trắng xóa trên những tán cây. Cảnh quá đỗi bình yên khiến nhiều người không thể không dừng lại để bấm máy...

Một chỉ thị đầy tính nhân văn

Mỗi khi chiều xuống, đàn cò lại lần lượt kéo về nghỉ ngơi ở cồn Dã Viên

Những cánh cò chợt đưa tôi trở về với những ký ức tuổi thơ. Tôi thuộc thế hệ 6X. Tuổi thơ tôi quê hương còn đầy trời bom đạn. Đêm ngủ không yên giấc bởi tiếng pháo kích đì đùng, nội tôi có khi đang đêm, dựng tôi dậy kéo xuống căn hầm tránh pháo làm sẵn dưới gian bếp. Còn nhớ ngày ấy, phòng khách nhà nội có bức ảnh nho nhỏ in hình những chú cò thong thả kiếm ăn trên một cánh đồng bát ngát. Nội cho lồng khung, đặt trang trọng ở đầu góc bàn chữ H- nơi vẫn thường tiếp khách, có lẽ là để kiếm chút an yên trong lòng giữa chiến tranh khói lửa. Mà hồi ấy, phải hỏi tôi mới biết những con chim trắng muốt ấy là chim cò - một loài chim mà tôi chỉ được tưởng tượng qua câu ca dao cô dạy “Con cò bay lả bay la…”, chứ nào đâu đã thấy ngoài đời thật. Trong trí óc non nớt của tôi ngày ấy, cứ nghĩ rằng đây chỉ là loài chim trong cổ tích…

Sau 1975 khi quê hương đã im tiếng súng, thỉnh thoảng tôi được người lớn dắt về làng giỗ, chạp. Ruộng đồng cò bay thẳng cánh, nhưng cũng chẳng thấy cò đâu. Mãi nhiều năm sau, thỉnh thoảng mới thấy đôi cánh cò thấp thoáng bay về, rồi từ đó, cứ mỗi năm về làng, tôi lại được thấy đàn cò ngày mỗi đông thêm. Nghe người lớn bảo nhau, mấy mươi năm súng đạn tơi bời, loài cò kinh hãi bỏ đi hết, nay thanh bình, cò mới lại dám về với lũy tre, bờ ruộng, với người…

Giờ đây, hình ảnh loài cò đã không còn lạ lẫm với lũ trẻ con như tôi một thuở. Từ đồng ruộng nơi các làng quê xa, cò đã lân la đến với sông hồ, cây cỏ chốn thị thành xứ Huế. Đầu tiên là những vùng quanh quanh ven đô như Hương Trà, Phú Lộc, rồi cả quần cư kéo nhau đến trú ngụ vùng Chín Hầm. Dần dà chúng bay về bắt tép bắt tôm nơi những hồ nước trong Đại Nội, hay những vùng nước cạn ven dọc sông Hương, rồi mến cảnh mến người hay sao đó, trú ngụ luôn trên các hòn đảo giữa hồ, nơi những tán cây ở cồn Dã Viên… Ăn no tắm mát thỏa thuê, lũ cò kéo nhau rủ tung cánh chao lượn trên bầu trời phố thị, rồi hợp thành đàn xoãi cánh bay dọc sông Hương khiến cho Huế càng thêm vẻ nên thơ, thanh bình đến nao lòng…

*

Thật ra từ nhiều năm trước khi đàn cò về với thành phố, một hiện tượng khá thú vị cũng đã xuất hiện với Huế mà phải những ai thật để ý, những ai thật chú tâm với màu xanh của Huế mới nhận ra, đó là hiện tượng sau một thời gian dài vắng bóng, người ta lại phát hiện chim keo và nhiều loài chim khác đang dần dà xuất hiện trong các công viên. Điều ấy khiến ông Phan Đình Ngôn, hồi ấy là Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế hết sức phấn khích. Bởi nó là chỉ dấu cho thấy cây xanh của Huế đang nhiều thêm lên, đủ hấp dẫn và độ yên tâm cho các loài chim lũ lượt tìm về. Tiết lộ thông tin trên cho chúng tôi biết, ông Ngôn còn cho hay đang cho anh em để mắt để bảo vệ, không cho người vào công viên để săn bắt, khiến lũ chim sợ hãi sẽ một đi không còn dám quay về.

Có dạo đi Thái Lan, Malaysia, ở một số địa phương thấy chim chóc nhảy nhót ríu ran khắp nơi. Vùng Đông Bắc Thái, chiều về, giữa phố thị mà chim sáo đậu dày đặc dọc theo các đường dây điện, trên những ngọn cây… nó gợi cho người ta cảm giác bình yên vô kể. Chợt ước ao giá như Huế mình cũng được như thế. Nay thì dường như ước ao ấy đã có cơ thành hiện thực ở miền Hương Ngự quê tôi…

Chim đã về. Vấn đề làm sao để vỗ về, giữ chân chúng. Huế có rất nhiều điểm xanh, trong đó cồn Dã Viên rộng hơn 56.000 m2 nằm giữa sông Hương, các lớp cây xanh gần như phủ kín, dân cư cũng chỉ có độ mươi nhà với vài chục nhân khẩu và dự kiến cũng sẽ được di chuyển trong tương lai. Rõ ràng đây là địa điểm hết sức lý tưởng để có thể làm nơi gọi chim về, và nếu may mắn mà Dã Viên trở thành một  “sân chim” ngay giữa lòng thành phố thì quả là điều hết sức thú vị. Điều lo lắng là một số người thấy chim về lại xem như là cơ hội tốt để săn bắt … “kiếm mồi” nhậu, kiếm tiền tiêu (!) Khi xin vào khuôn viên nhà máy nước Dã Viên để chụp ảnh đàn cò, một bác công nhân lớn tuổi đã than phiền với tôi về điều này. Ông thấy tiếc, thấy lo cho viễn cảnh một ngày nào đó đàn chim lại rời đi mà không thể làm gì được…

Thật may là khi chúng tôi chuẩn bị kết thúc bài viết này thì Chủ tịch UBND tỉnh ngày 9/1/2020 đã ra chỉ thị yêu cầu tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các loài chim trời; nghiêm cấm việc cán bộ, công chức, viên chức của các địa phương, tổ chức, đơn vị ăn thịt cũng như sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật rừng, các loài chim trời…. Chỉ thị đã khiến nhiều người hết sức phấn chấn. Bởi đó là động thái cấp thiết, trước tiên để vỗ về, mời gọi đàn chim ở lại với thành phố. Vấn đề là các cơ quan hữu quan được giao nhiệm vụ trong chỉ thị như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, công an các huyện, thị xã, thành phố; công an các xã, phường, thị trấn; Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Thuỷ sản, Chi cục Bảo vệ môi trường, Cảnh sát Môi trường…có vào cuộc hay không. Phải “hiệp đồng tác chiến”, nhịp nhàng, quyết liệt và bền bỉ, đó không chỉ là yêu cầu của lãnh đạo tỉnh mà còn là mong mỏi của mỗi người dân vì một Huế xanh, Huế thanh bình, Huế - Xứ sở hạnh phúc, miền đất đáng sống…

Bài, ảnh: Diên Thống

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chim về núi Nhạn

Những vần thơ thiết tha của nhà thơ Phạm Thành Tài là sự lôi kéo dữ dội bắt tôi lên núi Nhạn khi vừa đặt chân tới Tuy Hòa vào một ngày cuối tháng 10.

Chim về núi Nhạn
Return to top