ClockThứ Tư, 03/02/2021 08:21

Chính phủ họp báo phiên thường kỳ đầu tiên của năm 2021

TTH.VN - Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, tháng 01 năm 2021 nền kinh tế nước ta tiếp tục có dấu hiệu phục hồi

Vừa bảo tồn giá trị lịch sử, vừa phù hợp với xu thế phát triểnKhông điều chỉnh lộ trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030

Ngày 02/02, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01/2021. Đây là phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên của năm 2021, diễn ra trong bối cảnh Đại hội lần thứ XIII của Đảng vừa thành công rất tốt đẹp và chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã nghe báo cáo và thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 01/2021; kịch bản, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021; kết quả thực hiện chương trình hành động về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; tình hình, giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong bối cảnh phát hiện nhiều ca lây nhiễm virus biến thể mới ở một số địa phương trong những ngày vừa qua.

Đồng thời, Chính phủ cũng nghe báo cáo, thảo luận về công tác chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021; đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; tình hình thực hiện nhiệm vụ, kết quả hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng tháng 01/2021 và một số nội dung quan trọng khác.

Nêu bật những kết quả tích cực đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội ngay trong tháng đầu tiên của năm 2021, trong phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận các biện pháp chỉ đạo điều hành trước những tác động, diễn biến mới của dịch COVID-19 trên tinh thần: “Phải tiếp tục điều hành vĩ mô tốt, ổn định, tạo niềm tin cả về kinh tế và y tế”; quan tâm tận dụng thời cơ, tạo môi trường thuận lợi thu hút dòng vốn đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, nhất là thu hút các tập đoàn công nghệ lớn vào đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Thúc đẩy 3 không gian kinh tế mới: kinh tế trong nước với thị trường gần 100 triệu dân; kinh tế quốc tế với nhiều hiệp định thương mại tự do và kinh tế số.

Khẳng định dịch bệnh cơ bản được khống chế, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận kỹ, đề ra các biện pháp quyết liệt hơn nữa trong phòng, chống dịch cũng như việc triển khai mua và tiêm vắc xin ngừa COVID-19 ngay trong quý I/2021. Đồng thời, một vấn đề lớn mà Thủ tướng lưu ý là công tác chăm lo Tết cho nhân dân phải chu đáo, nhất là ở vùng bị thiên tai, vùng sâu, vùng xa, vùng bị phong tỏa do có dịch; chuẩn bị hàng hóa dồi dào, an toàn, kiểm soát tốt giá cả, chống đầu cơ.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, tháng 01 năm 2021 nền kinh tế nước ta tiếp tục có dấu hiệu phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng tới 22,2% so với tháng 01/2020, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 27,2%. Hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ tiêu dùng tăng, các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị và cơ sở kinh doanh chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, đa dạng nhằm kích cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 479,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước và tăng ở hầu hết các lĩnh vực hoạt động. Trong tháng 01/2021, tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung của các doanh nghiệp tăng 10,5% so với tháng 01/2020; số doanh nghiệp thành lập mới đạt gần 10.100 doanh nghiệp, tăng 21,9% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, nhiều chỉ số khác cũng cho thấy dấu hiệu tốt lên của nền kinh tế. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2021 ước đạt 53,9 tỷ USD, tăng 45,2% so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 27 tỷ USD, tăng 46,7%; nhập khẩu hàng hóa đạt 26,9 tỷ USD, tăng 43,7%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu khoảng 100 triệu USD.

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các thành viên Chính phủ và đại biểu tham dự, kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tháng 01/2020 là tháng có kết quả khả quan, đáng mừng trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm 2021. Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương hăng hái, trách nhiệm trong phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là ngành y tế, lực lượng công an, quân đội. “Nhiều tình nguyện viên, các y bác sĩ, các nhân viên có liên quan ngày đêm lăn lộn để ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh”.

Về phương hướng trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh 04 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện, gồm:

Thứ nhất, tập trung quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XIII. Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ vào Nghị quyết của Đại hội để xây dựng, sớm trình ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, đồng thời hoàn thiện, trình Quốc hội phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và các vấn đề liên quan. “Trong bối cảnh tình hình mới, chúng ta cần quán triệt tinh thần đổi mới tư duy phát triển, cách nghĩ, cách làm, không ngừng đổi mới, sáng tạo để đưa đất nước vững bước đi lên, sớm hiện thực hóa các mục tiêu mà Đại hội XIII đề ra”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.

Thứ hai, tiếp tục quyết liệt phòng chống, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, không được chủ quan, lơ là nhưng cũng không được hoang mang; triển khai các biện pháp mạnh mẽ, kịp thời, đi trước thời gian với tinh thần tiếp tục thực hiện mục tiêu kép.

Nhấn mạnh việc sớm đưa vắc xin tới người dân ngay trong quý I/2021 phù hợp với điều kiện của Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải tập trung chỉ đạo, chủ động quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp và chịu trách nhiệm về công tác này trên địa bàn; thực hiện nghiêm, đầy đủ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch trong cộng đồng theo "Thông điệp 5K" của Bộ Y tế. Đồng thời, ngành y tế cần đẩy nhanh quá trình nghiên cứu phát triển và thử nghiệm vắc xin cũng như có kế hoạch nhập khẩu vắc xin để phục vụ tiêm chủng trên diện rộng.

Cùng với phòng, chống dịch bệnh, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai công tác khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ lịch sử ở miền Trung, Tây Nguyên và rét đậm, rét hại ở miền núi phía Bắc vừa qua, bảo đảm ổn định sản xuất và đời sống cho nhân dân, không để người dân thiếu đói, không có nhà ở, bảo đảm mọi gia đình đều vui Xuân đón Tết.

Thứ ba, tập trung triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2021. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện quyết liệt ngay từ những tháng đầu năm, thường xuyên đôn đốc triển khai các dự án, công trình quan trọng. Tiếp tục cải cách mạnh mẽ, tạo chuyển biến thực chất hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng.

Nhấn mạnh việc thúc đẩy 3 không gian kinh tế: kinh tế trong nước với thị trường gần 100 triệu dân, kinh tế quốc tế với hội nhập được đẩy mạnh và kinh tế số, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiêm túc tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện kịch bản, các giải pháp và thường xuyên kiểm điểm, đánh giá thực hiện; trong đó lưu ý mục tiêu nhất quán là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Thủ tướng đồng ý thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ vướng mắc cho đầu tư mà nhiều năm qua chưa làm được. Đặc biệt chú trọng phát triển kinh tế tư nhân, chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất, ứng dụng công nghệ cao của khu vực và thế giới.

Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động bố trí nguồn lực và triển khai các giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động bị mất việc, thiếu việc làm, giảm sâu thu nhập do đại dịch COVID-19 và khôi phục sản xuất, kinh doanh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu xây dựng gói hỗ trợ thứ 2 dành cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Thứ tư, tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu theo tinh thần Chỉ thị số 48-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị số 44/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm cho nhân dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, hạnh phúc; đồng thời lưu ý công tác bố trí cán bộ, nhân viên thực hiện nghiêm chế độ trực Tết và thông tin báo cáo. “Tôi đề nghị các đồng chí trên tinh thần là phải lo chu đáo Tết cho người dân; không để ai không có Tết, đặc biệt là đối tượng chính sách, người nghèo, vùng thiên tai, vùng sâu, vùng bị phong tỏa do có dịch; phải bảo đảm mọi gia đình đều có Tết”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Sau Tết, phải bắt tay vào công việc ngay, “không để tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo dưới mọi hình thức; không dùng ngân sách Nhà nước, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi. Tất cả các địa phương, doanh nghiệp phải có kế hoạch cụ thể để đưa người lao động trở lại làm việc kịp thời sau Tết, không để ảnh hưởng tới sản xuất, hoạt động kinh doanh.

Kết thúc phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cơ quan truyền thông, thông tấn báo chí tăng cường thông tin tuyên truyền về thành tựu của đất nước, các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân, hoạt động văn hóa thể thao, lễ hội dịp Tết phải phù hợp với tình hình diễn biến của dịch COVID-19, chủ động đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch.

Theo VPCP

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết đầu tiên về AI

Ngày 21/3 (giờ New York), Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã thông qua một nghị quyết mang tính bước ngoặt về việc thúc đẩy các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) "an toàn, bảo mật và đáng tin cậy" để mang lại lợi ích là sự phát triển bền vững cho tất cả mọi người.

Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết đầu tiên về AI
Xây dựng kịch bản tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 đạt 10%

Tại cuộc họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 2/2024 diễn ra chiều 29/2, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương tập trung rà soát, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình, chủ động phương án, xây dựng kịch bản phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 đạt 10%, cao hơn Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đề ra (8,5 - 9,5%).

Xây dựng kịch bản tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 đạt 10
Return to top