ClockThứ Hai, 21/03/2016 15:01

Chính phủ lý giải nguyên nhân 10/26 chỉ tiêu không đạt kế hoạch 5 năm

Trong 5 năm, tổng thu ngân sách chưa đáp ứng đủ nhu cầu, tỷ lệ nợ công, nợ nước ngoài tăng cao, xử lý nợ xấu còn gặp nhiều khó khăn…

Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kết quả thực hiện 5 năm 2011 - 2015 tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong số 26 chỉ tiêu chủ yếu trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường được Quốc hội thông qua trong giai đoạn 2011 – 2015, có 16 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, có 10 chỉ tiêu không đạt kế hoạch.

Đánh giá chung trong 5 năm từ năm 2011 – 2015, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và phối hợp tốt hơn với chính sách tài khoá nên cơ bản bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế. Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, từ 11,75 năm 2010 xuống còn 0,6% vào năm 2015. Mặt bằng lãi suất giảm, năm 2015 chỉ bằng khoảng 50% so với cuối năm 2011. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định.

Đặc biệt, quản lý ngân sách nhà nước được tăng cường; chính sách thu được điều chỉnh phù hợp góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu hội nhập; đẩy mạnh chống thất thu, chống chuyển giá, xử lý nợ đọng thuế, thu ngân sách tăng gần 2 lần so với giai đoạn 2006 - 2010.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cảo bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kết quả thực hiện 5 năm 2011 - 2015.

Nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước hàng năm đều vượt dự toán Quốc hội đề ra. Cơ cấu thu chuyển biến tích cực, thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu ngân sách nhà nước, giai đoạn 2011-2015 đạt khoảng 68%, trong đó năm 2015 đạt khoảng 74,2%, cao hơn mục tiêu đề ra là 70%. Tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015 bằng khoảng 2 lần so với giai đoạn 2006 - 2010, trong đó chi đầu tư phát triển bằng khoảng 1,7 lần, chi trả nợ bằng khoảng 1,83 lần, chi thường xuyên bằng khoảng 2,53 lần.

“Chi ngân sách được quản lý chặt chẽ hơn theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, các nhiệm vụ chi được cơ cấu lại, ưu tiên cho bảo đảm an sinh xã hội, phát triển con người và thực hiện các nghĩa vụ trả nợ. Huy động nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, tập trung vốn hoàn thành các công trình quan trọng, cấp bách và đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015, chi thường xuyên chiếm khoảng 64-65%”, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.

Trong giai đoạn 2011 – 2015, Chính phủ thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và năng lực cạnh tranh; Phát triển nguồn nhân lực và khoa học công nghệ cũng như huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

Trong đó, việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt kết quả bước đầu. Chính phủ đã triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu, chú trọng chiều sâu, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP tăng từ 79,9% năm 2011 lên 82,6% vào năm 2015.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Chính phủ, trong 5 năm qua, tổng thu ngân sách nhà nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu chi thường xuyên và chi trả nợ; toàn bộ chi đầu tư phải dựa vào nguồn vay nợ của Chính phủ. Cơ cấu chi ngân sách chưa phù hợp, tỷ lệ chi đầu tư tiếp tục giảm sút từ 28% giai đoạn trước giảm xuống 23,4% giai đoạn 2011-2015; một số khoản chi chưa được quản lý chặt chẽ, chi thường xuyên tăng nhanh; bội chi ngân sách còn cao, chưa đạt mục tiêu giảm xuống còn 4,5% GDP. Tỷ lệ nợ công/GDP vào cuối năm 2015 khoảng 62,2%, nợ Chính phủ/GDP là 50,3%, nợ nước ngoài của quốc gia/GDP 43,1%, từ các mức tương ứng của năm 2011 là 50%, 39,3% và 37,9%.

Đáng chú ý là chất lượng tín dụng chưa cao, xử lý nợ xấu còn gặp nhiều khó khăn. Thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản phát triển thiếu bền vững và còn tiềm ẩn rủi ro. Xuất khẩu có xu hướng tăng chậm lại và gặp nhiều khó khăn, nhập khẩu đang có xu hướng tăng và nhập siêu có nguy cơ tăng trở lại làm ảnh hưởng tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và gây khó khăn cho điều hành chính sách tiền tệ. Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp…

Chính phủ chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế

Với những tồn tại, hạn chế đã được nêu ra, Chính phủ xác định nguyên nhân chủ yếu có nguyên nhân khách quan do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, thiên tai, dịch bệnh, những diễn biến mới rất phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, tình hình căng thẳng do tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

Song trực tiếp và quyết định nhất là nguyên nhân chủ quan, chủ yếu là nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là về vai trò của Nhà nước, kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, kinh tế hợp tác, kinh tế tư nhân, thị trường quyền sử dụng đất, quản lý giá cả, phân bổ nguồn lực, cơ chế cung ứng dịch vụ công, giá dịch vụ trong giáo dục, y tế... chưa đủ rõ, còn khác nhau, chưa theo kịp yêu cầu đổi mới về phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.

Vì vậy, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, cơ chế, chính sách và trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội nhiều mặt còn lúng túng, thiếu nhất quán, chưa thật phù hợp với kinh tế thị trường nên hiệu quả chưa cao, chưa tạo được động lực mạnh mẽ để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Ngoài ra, hệ thống văn bản pháp luật chưa được hoàn thiện. Việc hướng dẫn các chính sách chưa kịp thời và đồng bộ. Tổ chức thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước nhiều mặt còn hạn chế; nhiều luật, pháp lệnh, nghị định,… chậm đi vào cuộc sống. Chưa làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện và sơ kết, tổng kết thực tiễn. Chưa thay thế được kịp thời những cán bộ không đủ phẩm chất, năng lực, thiếu trách nhiệm, thực thi kém hiệu quả trong triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Mặt khác, phương thức lãnh đạo quản lý kinh tế - xã hội chưa thật phù hợp, hiệu lực, hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển trong kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Khả năng phân tích, dự báo còn bất cập. Phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và việc đào tạo, sử dụng cán bộ còn nhiều mặt hạn chế. Tính thượng tôn pháp luật, kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm.

Các biện pháp thực hiện thiếu cụ thể và chưa kiên quyết, chưa bắt kịp với yêu cầu của thực tiễn. Quản lý thị trường, giá cả, điều hòa cung cầu một số mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống chưa kịp thời, chưa đồng bộ, kém hiệu quả. Các chính sách xã hội hóa chậm được đổi mới, thiếu cơ chế rõ ràng, minh bạch, chưa khuyến khích các nhà đầu tư bỏ vốn để phát triển các lĩnh vực xã hội.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cao tốc Cam Lộ- La Sơn: Trình Chính phủ nâng cấp hoàn chỉnh 4 làn xe

Đó là thông tin chúng tôi nhận được từ lãnh đạo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (chủ đầu tư) sau vụ tai nạn thương tâm xảy ra ngày 18/2 vừa qua trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn qua địa bàn huyện Phong Điền (Thừa thiên Huế). Đây cũng là đề xuất của đơn vị trên sau khi đưa vào hoạt động thời gian ngắn, cao tốc này đã bộc lộ nhiều bất cập.

Cao tốc Cam Lộ- La Sơn Trình Chính phủ nâng cấp hoàn chỉnh 4 làn xe
Ngành thanh tra
Cần nghiệp vụ tinh thông, đạo đức trong sáng, làm việc công tâm

Ngày 29/12, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến, tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của ngành Thanh tra. Tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong; tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương và đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tham dự.

Cần nghiệp vụ tinh thông, đạo đức trong sáng, làm việc công tâm
Mức thu phí sử dụng đường bộ mới áp dụng từ 1/2/2024

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 90/2023/NĐ-CP quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ. Nghị định quy định rõ mức thu phí sử dụng đường bộ đối với từng loại phương tiện.

Mức thu phí sử dụng đường bộ mới áp dụng từ 1 2 2024
Return to top