Đêm đó, pháo địch không bắn cầm canh cho nên sau đêm ngủ đó, chúng tôi cũng mau lại sức. 3 giờ chiều cơm nước xong, đồng chí Nguyễn Hường Thọ phân công tôi, đồng chí Hạnh ở bộ phận thành phố cùng 4 đồng chí của K10 và Huyện đội do tôi phụ trách chuẩn bị cuốc, xẻng ra bắt liên lạc với đồng chí Đào, đồng chí Tuất cảnh giới ở khe Ồ Ồ và chôn cất 12 liệt sĩ đang giấu ở khe Rệ.
Nơi 12 liệt sĩ đã hy sinh
Chúng tôi lên đường chia thành 2 tổ, mỗi tổ đi cách nhau 10 đến 15 mét. Với nhận định địch có thể phục kích để chờ quân ta quay lại chôn cất liệt sĩ, chúng tôi vừa đi vừa sẵn sàng chiến đấu. Tôi đi tổ thứ 2 có 1 khẩu B40 của K10 trang bị. Ra tới đồi Kè trời đã tối om, lần mò mãi mới tới khe Rệ nơi giấu 12 liệt sĩ. Vừa đi chúng tôi vừa làm ám tín hiệu: 3+2 bằng 5, nếu phía bên kia hỏi 2 thì ta 3, nếu bên kia hỏi 3 thì ta 2…, như đã hợp đồng từ hôm trước với Đào và Tuất. Sau khi ám tín hiệu được khớp, chúng tôi gặp tổ cảnh giới. Anh Đào và Tuất kể lại toàn bộ diễn biến của ngày này… Thôi công việc bây giờ là khẩn trương chôn cất liệt sĩ cho thật chu đáo. Thi thể 12 liệt sĩ qua một ngày phơi nắng đã có mùi.
Đang loay hoay tìm chỗ đất bằng không có đá để đào huyệt, vừa tìm vừa lắng nghe, cảnh giác ở phía hòn Vượn, căn cứ pháo binh của Mỹ, chúng tôi bỗng nghe những tiếng đề - ba của các khấu cối 106 và pháo 105. Vừa mới dứt tiếng đề - ba là tiếng xẹt nổ, chúng tôi nằm sát xuống đất, nhìn xung quanh khói đen, lửa chớp, không ngóc đầu nổi. Sau 10-15 phút địch bắn cấp tập không khí trở lại rất yên tĩnh. Sau đó, cứ 5 - 10 phút lại có vài phát cầm canh, lúc xa, lúc gần...
Chúng tôi thống nhất ở bên phải đường phía trong ra đào 6 huyệt, mỗi huyệt dài 1,6 - 1,8 m, rộng 0,5 m và sâu 4 đến 6 tấc. Chúng tôi là những người lính bám địch, đánh địch cho nên vũ khí của địch chúng tôi sử dụng rất có hiệu quả. Cái xẻng của Mỹ có đến 3 công dụng, vừa xúc, vừa cào, vừa bới rất thuận lợi. Chúng tôi phân công 2 đồng chí cảnh giới hai đầu, còn lại 6 người, 3 xẻng thay nhau đào. Pháo cối địch bắn càng nhiều, chúng tôi đào càng nhanh, vì xung quanh không có địch. Khi đào xong 6 huyệt ở phía dưới đường, chúng tôi đặt 6 đồng chí vào trong 6 chiếc võng bó lại cùng 6 tấm áo mưa ở ngoài, rồi nhẹ nhàng bưng 6 đồng chí bỏ trên miệng huyệt và nói nhỏ với nhau: để xong cả 12 huyệt chúng ta cùng bưng xuống và cùng lấp. Để vậy khi pháo bắn chúng ta xuống nằm hố đó tránh pháo cối của địch. Tôi bước đến bên thi thể chị Hà Thị Đắng người quê tôi, người con gái dũng cảm, vui vẻ, thương yêu đồng chí hơn thương cả bản thân mình. Ai về Hương Trà đều nghe tên chị Đắng. Chị Nguyệt cũng cảm nhận như vậy. Hồi hôm ra ngoài chỗ chị hy sinh, bỏ chị vào cáng, anh em bưng cái đầu chị vào võng trước, bỗng nghe tiếng lạo xạo, máu ứa ra rất nhiều ở đầu, anh em lần tay bốc vào cho hết và thấy có một miếng vải màu trắng, khi kéo lên đó là chiếc khăn chị thường hay buộc tóc. Chiếc khăn ấy thủng đến 36 lỗ. Kỷ vật đó bây giờ vẫn còn người trân trọng cất giữ. Tiếp đến là phần xác của chị Nguyễn Thị Hồng. Chị là tiểu thương chợ Đông Ba, chị tham gia cách mạng làm cơ sở nội thành, sau Xuân 1968 thoát ly lên chiến khu. Đêm ấy chị đi đồng bằng là để thực hiện nhiệm vụ vào nội thành. Đứng bên chị, tôi và anh Đào đều rưng nước mắt, vừa thương chị vừa tiếc cho chuyến đi không thành.
Tôi bưng một đầu, anh Đào một đầu bỏ chị vào chiếc võng màu xanh của nội thành chuyển ra cho, bó cột tử tế và từ từ đưa chị vào huyệt cạnh chị Đắng. Cứ thế, 6 anh em chúng tôi lần lượt chôn cất 12 liệt sĩ hy sinh tối hôm trước; trong đó có anh Lê Đình Trở, người làng La Chữ, anh Châu người làng Cổ Bưu, anh Lâm người miền Bắc.
Mười hai phần mộ nằm bên vệ đường. Cỏ lưa thưa mọc lên theo năm tháng. Mưa xói mòn từng rảnh nhỏ cùng thời gian. Chiều nào đi công tác ra ngang đó, chúng tôi cũng bẻ một cành hoa rừng cắm lên phần mộ của các anh chị. Nơi đó, hiện được Đảng bộ và Nhân dân Hương Trà chọn để xây dựng bia chiến tích. Hàng năm cứ đến ngày 25 tháng Chạp, đồng chí, đồng đội của các anh chị đều đến viếng và thắp nhang tưởng niệm…
Mùa hè - 2016
Nguyễn Huy Ngọc