ClockThứ Năm, 24/03/2011 05:09

Thấy sai, sao không sửa?

TTH - Nhà ở được xây dựng ổn định từ năm 1968 trên phần đất có diện tích 679m2, thuộc thửa 330A, tờ bản đồ số 3, xã Thuỷ Dương của bà Ngô Thị Thây, nhưng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lại ghi tên bà Nguyễn Thị Thay, số thửa lại 330B. Ngược lại, nhà đất ông Phan Diễn đang sử dụng thuộc thửa 330B, lại ghi thành thửa 330A. Bà Thây yêu cầu được cấp lại GCNQSDĐ cho phù hợp với thực tế, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Sai sót đã rõ

Theo đơn và các tài liệu bà Thây xuất trình thì, bố mẹ chồng của bà tạo lập và để lại diện tích đất thổ cư khoảng 1.358m2. Hai anh em ông Phan Diễn, Phan Thái (chồng bà Thây) thoả thuận chia đôi thửa đất này làm nhà ở ổn định từ năm 1968. Khi lập bản đồ 299, Nhà nước đo đạc, cũng xác định, thửa đất bà Thây đang sử dụng là thửa 330A, ông Diễn đang sử dụng là thửa 330B, diện tích bằng nhau là 679m2. Năm 1990, UBND TP Huế cấp GCNQSDĐ cho bà Thây lại ghi tên là Nguyễn Thị Thay, thửa đất bà Thây đang sử dụng là 330A lại ghi thửa 330B. Gia đình ông Diễn đang sử dụng thửa 330B lại ghi thửa 330A.
Năm 1997, ông Diễn khởi công làm nhà cho con trên phần đất bà Thây sử dụng, bị bà Thây khiếu nại. UBND xã Thuỷ Dương, Phòng Địa chính huyện Hương Thuỷ đã về lập biên bản đình chỉ việc xây dựng nhà trái phép của gia đình ông Diễn. Thời điểm này, bà Thây, ông Diễn và UBND huyện Hương Thuỷ mới phát hiện sự nhầm lẫn về vị trí, số thửa ghi trên giấy CNQSDĐ của mỗi gia đình. Bà Thây đã có nhiều đơn khiếu nại, đề nghị UBND huyện Hương Thuỷ cấp lại GCNQSDĐ, đúng với thực trạng. UBND huyện Hương Thuỷ đã cử Thanh tra và Địa chính về làm việc, sau đó có Công văn số 200 ngày 22/10/1997 gửi ông Diễn và bà Thây, có nội dung: “Việc cấp GCNQSDĐ không đúng hiện trạng sử dụng đất (HTSDĐ), Phòng Địa chính kiểm tra và đề nghị UBND huyện thu hồi GCNQSDĐ của ông Phan Diễn”. Không rõ vì lý do gì UBND không giải quyết. Mặt khác, vẫn để gia đình ông Diễn tiếp tục xây dựng nhà trên đất bà Thây đang sử dụng. Bà Thây khiếu nại tiếp, thì UBND lại có công văn số 238 ngày 03/12/2007, nội dung: “Năm 1990, ông Phan Diễn được cấp GCNQSDĐ, nhưng kiểm tra thực tế là sai với HTSDĐ, phần đất cấp cho ông Diễn (trong đó có một phần nhà của bà, mái hiên ông Diễn và phần đất ông Diễn đang xây dựng nhà cho con), cho nên việc thu hồi GCNQSDĐ của ông Phan Diễn là đúng”, còn: “Việc cấp GCNQSDĐ cho bà và ông Phan Diễn sẽ được cấp khi giải quyết xong việc tranh chấp”, vì UBND cho rằng “tranh chấp về tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất (QSDĐ) thì do Toà án giải quyết”. Ngày 26/12/2008, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Hương Thuỷ đã đính chính tên bà Nguyễn Thị Thay trong GCNQSDĐ số A101637 thành tên bà Ngô Thị Thây, nhưng số thửa đất thì vẫn không được điều chỉnh thành thửa 330A như hiện trạng, mà vẫn để số thửa 330B, là phần đất ông Diễn sử dụng trên thực tế. Ngày 25/6/2010, bà Thây có đơn đề nghị UBND thị xã Hương Thuỷ đính chính số thửa trong GCNQSDĐ cho bà. Tại Công văn số 07/UBND-TTr ngày 12/01/2011, một lần nữa UBND thị xã Hương Thuỷ thừa nhận năm 1990, UBND TP Huế cấp chứng nhận cho bà Thây là sai với thực tế hiện trạng đất bà đang sử dụng. UBND thị xã đã giao cho Phòng TN&MT tham mưu cho UBND thị xã thu hồi GCNQSDĐ số A101637 của UBND TP Huế cấp cho bà Thây ngày 14/10/1990, đồng thời đề nghị bà Thây thoả thuận với ông Diễn phân chia quyền sử dụng đất. Nếu hai bên không thoả thuận được thì liên hệ với với cơ quan có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp đất đai đối với thửa đất 330A và 330B. Sau khi có thoả thuận giữa hai bên hoặc có quyết định của cơ quan có thẩm quyền, thì UBND thị xã sẽ cấp giấy CNQSDĐ cho bà Thây theo qui định của pháp luật.
Như vậy, UBND thị xã Hương Thuỷ phát hiện sai sót trên từ năm 1997, trách nhiệm sửa sai thuộc UBND, nhưng UBND chưa giải quyết. Việc đình chỉ việc xây dựng, nhưng vẫn để gia đình ông Diễn tiếp tục xây nhà trên đất bà Thây đang sử dụng trên thực tế, để rồi hướng các bên đương sự đưa “tranh chấp tài sản” sang Toà án giải quyết, sau đó UBND mới cấp lại giấy CNQSDĐ cho họ, là việc làm đùn đẩy, lẩn tránh trách nhiệm. Trên thực tế, hai bên gia đình bà Thây, ông Diễn không có tranh chấp về tài sản! Nếu các bên có tranh chấp về vị trí thửa đất so với số thửa ghi trong giấy CNQSDĐ thì sự việc này thuộc UBND phải giải quyết trước, nếu còn tranh chấp, mới thuộc thẩm quyền của TAND.
UBND cần cấp lại GCNQSDĐ
Ngày 25/01/2011, UBND thị xã Hương Thuỷ ban hành Quyết định số 538/QĐ-UBND thu hồi GCNQSDĐ mà UBND TP Huế đã cấp cho bà Thây, với lý do: GCNQSDĐ cấp không đúng với HTSDĐ tại thời điểm cấp giấy. Ngày 25/02/2011, Phòng TN&MT thị xã Hương Thuỷ lập biên bản thu hồi GCNQSDĐ nói trên. Nhưng ông Phan Hoà (đại diện cho bà Thây) chưa nộp lại GCNQSDĐ (bản gốc) với lý do: ông Hoà đề nghị UBND thu hồi GCNQSDĐ thì phải hẹn ngày cấp lại GCNQSDĐ từ thửa số 330B sang 330A như hồ sơ kê khai 299 cho gia đình ông. Nhưng phòng TN&MT thị xã Hương Thuỷ không cấp giấy hẹn, nên việc thu hồi giấy CNQSDĐ chỉ dừng lại ở việc... lập biên bản.
Bà Thây yêu cầu UBND thị xã Hương Thuỷ (hiện nay) cấp lại GCNQSDĐ cho bà là thửa 330A, gia đình ông Phan Diễn là thửa 330B, là yêu cầu hợp pháp luật. Gia đình ông Diễn, bà Thây không có tranh chấp về tài sản gắn liền với QSDĐ. Vì vậy, UBND thị xã Hương Thuỷ cần thu hồi cả hai GCNQSDĐ của ông Diễn, bà Thây, để điều chỉnh, cấp lại GCNQSDĐ mới, phù hợp với hiện trạng thửa đất hai gia đình đang sử dụng. Hai gia đình cần nộp lại GCNQSDĐ cho UBND, để UBND có căn cứ điều chỉnh, cấp lại GCNQSDĐ mới, như vừa nêu.
Khi đã được cấp lại GCNQSDĐ đúng với thực tế số thửa và diện tích đất 679 m2 mà bà Thây cũng như ông Diễn đã sử dụng từ trước, mà các đương sự có tranh chấp về QSDĐ, hoặc tranh chấp về tài sản gắn liền với QSDĐ, thì việc giải quyết tranh chấp này mới thuộc thẩm quyền của TAND.
Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trả giá đắt vì giúp bạn trả thù

1 án tử hình, 1 chung thân và 9 bị cáo còn lại nhận mức án từ 2,5 - 14 năm tù là bản án nghiêm khắc dành cho 11 thanh niên trong vụ hỗn chiến kinh hoàng dưới chân đèo Hải Vân (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) làm 2 người chết, 3 người trọng thương.

Trả giá đắt vì giúp bạn trả thù
Mất tình ruột thịt

Bất kể vụ tranh chấp nào phải “mang đến” chốn pháp đình cũng phức tạp. Nhưng phức tạp và đau lòng nhất vẫn là những vụ án mà đương sự là người thân ruột thịt trong một gia đình.

Mất tình ruột thịt
Bi kịch do sử dụng ma túy

Học đến lớp 11 thì bỏ học nửa chừng vì bị chúng bạn lôi kéo sử dụng chất ma túy, Lê Ngọc Phú Thịnh (SN 1995, trú phường Kim Long, TP. Huế) trở thành kẻ sát nhân máu lạnh. Đau đớn hơn khi mà nạn nhân lại chính là bà nội của y.

Bi kịch do sử dụng ma túy
Lời cảnh tỉnh

Thiếu cẩn trọng khi tham gia giao thông, người thiệt mạng, người còn vị thành niên bị pháp luật xử lý.

Lời cảnh tỉnh
Vận chuyển gần 5kg ma túy, lãnh 2 án tử hình, 1 án chung thân

Theo đó, tuyên mức án tử hình đối với Phan Văn Bá (SN 1976) và Lê Kim Huân (SN 1990), cùng trú TP. Đà Nẵng; đồng thời tuyên án chung thân đối với Phạm Đăng Huy (SN 1981), trú tỉnh Bình Thuận, trong vụ vận chuyển 14 bánh heroin (gần 5kg) từ Hà Tĩnh vào phía nam, bị bắt giữ tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc.

Vận chuyển gần 5kg ma túy, lãnh 2 án tử hình, 1 án chung thân
Return to top