ClockThứ Tư, 11/12/2024 09:20

Cuộc “hành quân” cuối cùng của Đại tá Tôn Nữ Ngọc Toản

TTH - Sinh năm 1930 tại làng Lại Thế (ngoại vi TP. Huế), sống thọ đến 95 tuổi như chị Ngọc Toản là rất hiếm. Do hai gia đình vốn có chút thân quen, tôi xin được gọi người phụ nữ đặc biệt này là “Chị” như mỗi lần “chị-em” gặp nhau trước đây; chứ lẽ ra phải kèm thêm các chức vị: Đại tá – Giáo Sư – Bác sĩ, nguyên Chủ nhiệm Khoa Sản Bệnh viện Quân đội 108… Và còn “chức” cũng “đặc biệt”: Chị là phu nhân của Trung tướng Cao Văn Khánh (1917 - 1980), nguyên Phó Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam.

Lính cơ động hành quân về với dân

 Tôn Nữ Ngọc Toản & đại tá Cao Văn Khánh, một năm sau ngày cưới (1955). Ảnh: Tư liệu

Cuộc đời gần một thế kỷ của Chị còn rất nhiều sự tích hiếm có. Có thể nói, chị là một bông hoa đẹp – nhỏ và khiêm tốn, nhưng đã góp phần tôn thêm nét đặc sắc của vườn hoa di sản Huế - thành phố trực thuộc Trung ương. Bông hoa nhỏ này cũng góp phần làm đẹp thêm truyền thống Bộ đội Cụ Hồ trong dịp kỷ niệm 80 năm thành lập.

Tôi gọi chuyến “ra đi” cuối đời của Chị là cuộc “hành quân”, vì chợt nhớ đến cuộc “hành quân” đầu tiên của Ngọc Toản và mấy bạn nữ sinh Đồng Khánh ngay sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945. Sau khi hai anh trai xung phong Nam tiến, Ngọc Toản nằng nặc xin mẹ cho đi bộ đội và được phân vào Ban Quân y, hàng ngày cùng bạn đến “Nhà thương Huế” nhận thuốc... Thế rồi một hôm, Toản và hai bạn “lẻn ra sân ga Huế xem đưa tiễn các phân đội lên tàu “Nam tiến…”. Rồi 3 cô liều lên tàu, nhưng đến Quảng Ngãi, nghe anh bộ đội quen dọa “Cứ đi dò hỏi đơn vị thế này, có thể bị bắt […] bị chém bằng mã tấu đấy!”. Nghe sợ, các cô tiu nghỉu quay về Huế…

Sau đó, Huế “vỡ mặt trận”, gia đình muốn Ngọc Toản yên phận học hành, nhưng do tham gia hoạt động bí mật, chị bị bắt ba lần, mẹ phải nhờ bà Từ Cung can thiệp mới được thả. Gia đình gửi vào Sài Gòn ở nhà một người quen, nhưng Toản lại “móc nối” ngay với cô bạn trong tổ chức học sinh tranh đấu… Mẹ sợ cô bị bắt liên lụy người thân, phải cầu cứu ông Vũ Xuân Chiêm (1923 - 2012) ở Thành ủy Huế giúp đưa cô ra vùng tự do Khu 4 học Trường Huỳnh Thúc Kháng, qua đường giao liên vượt U Bò, Ba Rền vô cùng gian khổ…

Có thể nói, đây là cuộc “hành quân” thứ hai đầy hiểm nguy trong đời cô tiểu thư con một quan Thượng thư. Một gia đình đại phong kiến, sau 1945, tất cả một lòng đi theo Cách mạng, thì quả đây là nét đẹp đặc sắc của Huế. Đến năm 1952-1953, Ngọc Toản thực hiện cuộc “hành quân” thứ ba khi theo gia đình anh rể là giáo sư Đặng Văn Ngữ (1910-1967) ra chiến khu Việt Bắc. Chỉ một thời gian ngắn, Ngọc Toản đã có trình độ tú tài và thi vào khóa I Đại học Y vừa mở tại Chiêm Hóa. Thời đó, đây là trung tâm tập trung rất nhiều trí thức hàng đầu Việt Nam theo chính phủ Cụ Hồ; trong đó, nhiều người đã “hăng hái” làm mối Ngọc Toản với Cao Văn Khánh – đại đoàn phó Đại đoàn 308.

Chuyện tình “cặp đôi” này phải một cuốn sách mới kể hết, nhưng hồi kết hiếm có không chỉ là hạnh phúc của riêng hai người con xứ Huế, mà còn được truyền thông thế giới xem là một biểu tượng đẹp đẽ của một đội quân, một dân tộc yêu chuộng hòa bình, biết chăm lo hạnh phúc cho mỗi con người. Cũng có thể gọi “hồi hết” này là cuộc “hành quân” thứ 4 của Ngọc Toản 70 năm trước, khi chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, cô sinh viên y khoa đang cứu chữa thương binh tại Đội điều trị 2 ở Bản Tấu, thì được lệnh theo liên lạc đi suốt đêm để ngày 18/5 có mặt tại hầm De Castries – lúc này là nơi trụ sở chỉ huy của đại tá Cao Văn Khánh.

Sau khi được gặp lại người yêu, Ngọc Toản hoàn thành “nhiệm vụ” giúp tù binh nữ là điều tiếp viên hàng không - cô Geneviève de Galarrd, người được Hội Phụ nữ Việt Nam đề nghị Bác Hồ ân xá - khuyên cô ta viết thư cảm ơn nhân dịp sinh nhật Bác. Nhưng đến “nhiệm vụ” thứ hai là tổ chức đám cưới với Cao Văn Khánh, thoạt đầu Ngọc Toản “chống lệnh” vì người Huế muốn cưới hỏi phải theo lễ nghi đàng hoàng, nhưng rồi lễ cưới “độc nhất vô nhị” đã diễn ra ngày 22/5/1954 ngay tại hầm De Castries như nhiều sách báo đã viết. “…Chiến trường không có hoa nên bộ đội trang trí hầm bằng các dù Pháp đủ màu… Kẹo nuga, thuốc lá Phillip, rượu Tây do máy bay Pháp thả xuống mừng De Castries lên tướng, giờ là chiến lợi phẩm khách khứa đem tới chung vui… Đám cưới chỉ ngập tràn những nụ cười tươi như hoa…”.

“Cặp đôi” này đã đi tiếp suốt cuộc kháng chiến lần thứ hai. Tướng Cao Văn Khánh tiếp tục là một trong những vị chỉ huy các chiến dịch ác liệt tại Quảng Trị từ cuối 1967 đến đầu năm 1973… Thật không may là ông bị nhiễm chất độc da cam và đã qua đời năm 1980. Còn Ngọc Toản, sau thời gian công tác tại Viện Quân y 108, chị đã dành nhiều tâm huyết cho cuộc đấu tranh của nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam… Và điều không ai ngờ là ở tuổi 95, vào dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, từ TP. Hồ Chí Minh, chị có thể bay ra Hà Nội rồi lên Tây Bắc thăm lại “chốn xưa” … Sau cuộc “hành quân” thứ 5 này chỉ hơn 8 tháng, ngày 6/12/2024, người phụ nữ đặc biệt này lại từ TP. Hồ Chí Minh “bay lên trời” ra Hà Nội. Nhưng đây là cuộc ”hành quân” cuối cùng của Tôn Nữ Ngọc Toản để tới Công viên tưởng niệm Thiên Đức Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, nơi có điều kiện dễ dàng “bay” tới nghĩa trang mà Tướng Cao Văn Khánh đã chọn làm nơi yên nghỉ của mình từ 44 năm trước!

PGS. Cao Bảo Vân, trưởng nữ của chị Ngọc Toản, trong thư riêng gửi cho tôi, ngày 9/12, sau khi thông tin về lễ tang của thân mẫu được tổ chức ngày 11/12 tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội đã viết:

“…Không có điều kiện đưa mẹ qua thăm quê hương lần cuối, nhưng Huế luôn trong tim mẹ con hàng ngày tới phút cuối cuộc đời ạ…”.

Nguyễn Khắc Phê
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lính cơ động hành quân về với dân

Hành trình về các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, giúp Nhân dân là nhiệm vụ thường xuyên của lực lượng cảnh sát cơ động (CSCĐ).

Lính cơ động hành quân về với dân
Hành quân về với dân

Hành trình về các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để giúp đỡ Nhân dân là nhiệm vụ thường xuyên của lực lượng Cảnh sát cơ động. Qua đó, không những giúp các chiến sĩ nâng cao khả năng chiến đấu, bản lĩnh, kỹ năng sống mà còn thắt chặt tình đoàn kết gắn bó giữa lực lượng Công an và Nhân dân trên địa bàn đơn vị đóng quân.

Hành quân về với dân
Người về lại bến làng Sình

LTS: Ngày 6/12/2016, tại TP. Hồ Chí Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - Đại tá Hà Văn Lâu (quê ở làng Sình - Lại Tân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang) đã qua đời, thọ 98 tuổi. Nhân dịp này, Báo Thừa Thiên Huế trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bài viết “Người về lại bến làng Sình” của tác giả Trần Công Tấn, như là một nén tâm nhang cho người con của quê hương đã ra đi.

Người về lại bến làng Sình
Return to top