ClockThứ Tư, 02/09/2015 08:39

Ngày ấy, Đội Tuyên truyền xung phong Phú Lộc

TTH - Một chiều tháng 8, bà Tôn Nữ Vân Am (tức Nguyễn Phước Xuân Thảo), hiện trú tại 127 Mai Thúc Loan, TP Huế tìm đến Báo Thừa Thiên Huế. Dù đã bước qua tuổi 88, nhưng bà vẫn còn rất minh mẫn. Câu chuyện của bà với chúng tôi là những kỷ niệm một thời đấu tranh gian khổ, nhưng rất đỗi tự hào của Tiểu đội Tuyên truyền xung phong (TTXP) Phú Lộc, thuộc Đội TTXP Việt Minh Trung bộ giai đoạn 1945 – 1946.

Bà Tôn Nữ Vân Am không nguôi về những kỷ niệm một thời

“Không phải tui muốn khoe với mọi người về những việc làm của những cô gái mười tám, đôi mươi trong phong trào đấu tranh giành chính quyền trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mà muốn thế hệ trẻ sau này biết được, hiểu được giá trị của độc lập, tự do”, bà mở đầu câu chuyện như vậy.

Bà kể: Theo quyết định của Ủy ban lâm thời Việt Minh huyện Phú Lộc, chúng tôi gồm: Lê Phú Đào, Tôn Nữ Vân Am, Nguyễn Hạnh, Ngô Huỳnh, Nguyễn Văn Dụ, Phạm Thị Thu Cúc, Nguyễn Cửu Anh, Trần Trọng Trân được cử lên Huế học tập cách tuyên truyền do Đội TNXP Việt Minh Trung bộ tổ chức. Lúc này, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên TW Đảng Cộng sản Đông Dương, đại diện TW Đảng và đồng chí Đào Duy Dếnh, Đội trưởng Đội TTXP Việt Minh Trung bộ đã quyết định thành lập Tiểu đội TTXP Phú Lộc; phân công đồng chí Lê Phú Đào làm Tiểu đội trưởng và tôi (Tôn Nữ Vân Am) làm Tiểu đội phó.
Trong những ngày đầu giành chính quyền năm 1945, nhiệm vụ của Tiểu đội TTXP Phú Lộc là xuống tận từng thôn, xã để tuyên truyền và vận động đồng bào cùng nỗ lực quyết tâm phát huy tinh thần yêu nước, chống thực dân, xóa bỏ ách nô lệ, xây dựng chính quyền, chuẩn bị cho việc bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên (năm 1946). Phát huy sức trẻ, lòng nhiệt huyết, những chàng trai, cô gái (đa phần là nữ) ở Tiểu đội TTXP Phú Lộc đã diễn thuyết, trưng bày hình ảnh, tự vẽ áp phích, ca hát, diễn kịch, ngâm thơ, dạy các bài hát cách mạng để người dân hiểu thêm về cách mạng, về Cụ Hồ và Việt Nam độc lập Đồng minh hội.
Tiểu đội TTXP Phú Lộc phần lớn là con nhà nho giáo, không quen với lội bộ, không bao giờ được phép mặc áo cộc ra đường... Thế nhưng vì nghĩa lớn, họ từ bỏ tất cả, vượt qua khó khăn, sẵn sàng mặc quần đen, áo cộc, thắt lưng da ngang bụng, vai mang ba lô, đầu đội mũ ca lô, tay cầm gậy... đi bộ nhiều ngày, chân phồng rộp, nhưng vẫn luôn ca hát, băng rừng, lội suối để đem nguồn ánh sáng và niềm tin tương lai cho mọi người.
“Thường thì chúng tôi lên đường vào buổi sáng và đi bộ mãi tới chiều mới tới thôn, xã. Chúng tôi đi đến đâu cũng được mọi người niềm nở đón tiếp ân cần, nhất là các cháu thiếu niên, nhi đồng, các cụ ông, cụ bà. Dù trời mưa, đường sá gập ghềnh họ cũng đốt đuốc tìm đến với chúng tôi để nghe diễn thuyết, xem kịch...”, bà Tôn Nữ Vân Am nhớ lại.
Những ngày gian khổ đó, các đội viên khó quên kỷ niệm những lần về cơ sở. “Có lần chúng tôi đến thôn Bình An (hiện thuộc khu vực cảng Chân Mây – Lăng Cô). Nơi này rất nghèo, người dân làm nghề đánh cá ven biển, ven đầm. Về nhà chủ tịch xã, vừa mệt, đói, khát, ai cũng thèm có một ít nước uống. Nghỉ ngơi, đến giờ ăn cơm, gia đình ông chủ tịch xã bưng ra một nồi đất to cơm độn khoai. Trên chiếc mâm gỗ cũ kỹ, đựng vài đôi đũa tre, một chén nước mắm ớt, hai dĩa cá mắm. Khi anh Trân trong tiểu đội vừa rắc ớt bột vào dĩa mắm, mấy còn dòi no tròn lúc nhúc bò ra quanh dĩa. Tôi nhắm mắt lại, chạy ra hè nhà bưng miệng nôn. Chủ nhà nghe tiếng chạy vô hỏi: “Làm răng rứa, làm răng rứa?”. Anh Đào, Tiểu đội trưởng liền trả lời: “O nớ bị cảm nắng chứ không can chi mô”. Chủ nhà lập tức đi nấu nồi cháo khoai. Anh Trân cũng định bỏ ăn, liền bị anh Đào trừng mắt ra hiệu, ai cũng phải gắng ăn hết. Cứ chan nước mắm mà ăn. Ăn cho chị chủ nhà khỏi buồn, chị ấy nghèo lắm. 
Một lần khác vào Thủy Cam (sát chân núi Bạch Mã), ở đó có nhà thờ Công giáo. Có một anh đến chất vấn chúng tôi: “Vì sao phải nổi dậy chống áp bức bộc lột. Ở đây họ toàn là giáo dân nghèo. Họ có Chúa ban phước lành cho mọi người”. Trước tình huống đó, chúng tôi bình tĩnh tranh luận, phân tích, có dẫn chứng cụ thể. Kết quả, đêm biểu diễn kịch của chúng tôi, cha xứ cũng đã đến dự và chăm chú lắng nghe. Cha xứ nói: “Tiểu đội đã làm cho đồng bào hiểu được ý nghĩa của độc lập, tự do và giáo dân cũng được hưởng tự do tín ngưỡng”.
70 năm đã trôi qua, những đội viên năm xưa giờ đã xấp xỉ 90 – 100 tuổi. Sau ngày thống nhất đất nước, hầu hết những đội viên Tiểu đội TTXP Phú Lộc ngày nào đều nắm giữ những cương vị chủ chốt của Đảng, Nhà nước. Họ luôn giữ vững khí tiết của người cộng sản, thực sự xứng đáng là lớp người, là đội quân do Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sáng lập và đồng chí Đào Duy Dếnh tổ chức và giáo dục.
Đối với bà Tôn Nữ Vân Am, vinh dự, tự hào hơn khi cứ mỗi dịp mùa thu Cách mạng Tháng Tám về, bà được Bảo tàng Lịch sử Cách mạng tỉnh mời nói chuyện trước các thế hệ trẻ. Bà say sưa kể về những mẩu chuyện nhỏ, nhưng ý nghĩa vô cùng lớn của những ngày chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, xây dựng chính quyền Nhân dân…
Bài, ảnh: Anh Phong
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tuyên truyền Luật Biên phòng Việt Nam và phòng chống khai thác bất hợp pháp (IUU)

Ngày 7/6, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh; UBND xã Điền Hòa (huyện Phong Điền) và Đồn Biên phòng Phong Hải tổ chức tuyên truyền Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN); Hoạt động khai thác thủy sản hợp pháp, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định IUU cho hơn 70 ngư dân và Trưởng thôn xã Điền Hòa, huyện Phong Điền.

Tuyên truyền Luật Biên phòng Việt Nam và phòng chống khai thác bất hợp pháp IUU
Niềm tin của Nhân dân là quan trọng nhất

Ngày 7/6, tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin & Thể thao TX. Hương Thủy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ có buổi nói chuyện với đội ngũ cán bộ lãnh đạo từ thị xã đến cơ sở để thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như việc triển khai các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy về xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Niềm tin của Nhân dân là quan trọng nhất
Tuổi trẻ là cống hiến

Hơn 350 sinh viên (SV) Trường đại học (ĐH) Sư phạm - ĐH Huế tích cực sinh hoạt, tham gia hoạt động từ thiện trong Đội tình nguyện (trực thuộc Đoàn trường ĐH Sư phạm), mang niềm vui và giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh.

Tuổi trẻ là cống hiến
Return to top