|
Con đường thôn đang thi công mở rộng, có phần đóng góp của ông Khâu (phải) |
Làm gương
Khi chỉ đường cho khách, nhiều người dân thôn A Lưới không quên kèm theo lời giới thiệu trân trọng: “Bà con ở đây ai cũng biết “ông Khâu mặt trận”, bởi “ở đâu khó, có ông Khâu”. Còn ông Khâu lại cười mộc mạc nói rằng, nhiều năm làm công tác cơ sở, ông gặp rất nhiều “ca” khó, nhưng chưa có “ca” nào làm khó được ông.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhiều “bài toán” mở rộng đường dân sinh, đường nội đồng, xây dựng kênh mương thủy lợi để phát triển sản xuất, đảm bảo an toàn, thuận tiện lưu thông cần sự tự nguyện hiến đất của người dân. “Có rất nhiều gia đình không đồng ý hiến đất. Không phải họ không hiểu chính sách, mà vì đất canh tác của họ quá ít, nếu hiến đất sẽ không còn đất canh tác. Họ nói không còn đất để trồng trọt thì xây kênh mương hay làm đường nội đồng, họ cũng không được hưởng lợi ích gì”, ông Khâu nhớ lại. Để vận động bà con hiến đất là cả một hành trình dài, cần sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của chính quyền, đoàn thể các cấp. “Muốn để dân nghe theo, mình là đảng viên thì phải làm gương trước đã”. Đưa tay chỉ phần sân nhà mình đã bị con đường chạy ngang phía trước “xén” mất một phần, ông Khâu nói: Ngoài 100m2 đất vườn, gia đình tôi còn hiến 200m2 đất ruộng, 500m2 đất đồi và rất nhiều cây keo tràm vừa trồng được gần 1 năm tuổi đều phải chặt bỏ.
Thiệt hại về kinh tế đối với gia đình ông Khâu không phải nhỏ, nhưng lúc vận động bà con hiến đất, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn A Lưới có thể tự tin nói với bà con về sự tiên phong của gia đình mình; sau đó mới thủ thỉ, tỉ tê để bà con hiểu rằng, dù không phải là người trực tiếp hưởng lợi, nhưng nhờ sự hy sinh lợi ích cá nhân của mỗi người mà cả thôn xóm, cộng đồng được hưởng lợi.
Dân hưởng ứng, đồng thuận
Từ năm 2019 đến năm 2024, khi dự án đường dân sinh từ thôn A Lưới đến thôn A Kiêu Nhâm được mở rộng với chiều dài hơn 1,5km, rất nhiều hộ dân bị thiệt hại về đất đai, hoa màu với tổng diện tích hơn 1ha. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên bà con đều đồng thuận hiến đất để sớm giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Có nhiều hộ sau khi hiến đất, không còn ruộng để canh tác, như hộ các ông: Nguyễn Ngọc Xước, Nguyễn Xuân Hùng, Trần Văn Lâu.
“Gia đình ông Xước vốn đã ít ruộng canh tác, đường kênh mương lại ngang qua chính thửa ruộng này. Ông Xước yêu cầu đổi đất để có đất canh tác, nhưng địa phương lại không có quỹ đất để đổi. Chính quyền địa phương vận động ông Xước mãi không được. Nhiều lần đi lui đi tới, tôi nói thôn A Lưới sẽ không bao giờ quên sự hy sinh, đóng góp của những gia đình như gia đình ông. Sau này Nhà nước có chính sách hỗ trợ để chuyển đổi sản xuất, thôn sẽ ưu tiên hỗ trợ cho những gia đình này đầu tiên. Cuối cùng, ông Xước cũng thuận lòng”, người đàn ông Pa Cô nở nụ cười hiền.
Chung sức cùng chính quyền địa phương và đoàn thể các cấp trong công tác xóa đói giảm nghèo, ông Khâu đã vận động bà con giúp ngày công để xây dựng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết trên địa bàn. Ông cũng đã vận động được nguồn kinh phí 200 triệu đồng từ các mạnh thường quân để xây dựng hệ thống điện chiếu sáng. Bây giờ những ngõ ngách thôn A Lưới sáng trưng ánh điện, khi đêm xuống đảm bảo an toàn giao thông, vừa góp phần đảm bảo an ninh trật tự. Năm qua, thôn A Lưới là địa bàn không có tệ nạn xã hội, được Công an huyện A Lưới tặng giấy khen.
Luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, được Nhân dân tin yêu, nhiều năm qua, ông Lê Thanh Khâu đã được các cấp chính quyền địa phương khen tặng vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”, trong công tác tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Nhưng tinh thần đoàn kết của người dân và cuộc sống của thôn A Lưới mỗi ngày càng tốt đẹp hơn có lẽ là “phần thưởng” quý giá nhất đối với những nỗ lực đóng góp của người Trưởng ban công tác Mặt trận thôn.