“Thừa Phủ ơi lòng ta hồng biển lửa!”
Với nhà thơ Võ Quê, nguyên Trưởng khối Báo chí - văn nghệ của Tổng hội Sinh viên trước 1975, thời thanh xuân là những năm tháng sôi nổi khi được hòa mình vào phong trào yêu nước của tuổi trẻ học đường.
|
Một cuộc xuống đường của sinh viên học sinh Huế. Ảnh: TL của Nguyễn Đắc Xuân
|
Thế hệ của ông, hình ảnh những cuộc hội thảo, mittinh, tuyệt thực, đêm không ngủ, bãi khóa, xuống đường, đốt xe Mỹ trên đường phố Huế… đòi hòa bình, thống nhất đất nước và những tháng năm ngục tù tại nhà lao Thừa Phủ, Chí Hòa, Côn Đảo… mãi mãi là những hồi ức hào hùng. Quá khứ đầy dũng khí trong một bối cảnh hiểm nguy, gian khổ ấy đã cho họ nhiều kỷ niệm với đầy đủ ý nghĩa vui buồn, khổ đau, hạnh phúc.
“Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh những người bạn tù sơ sinh đồng hành cùng chúng tôi trên chiếc tàu HQ 500 của nhà cầm quyền Sài Gòn với 5 ngày 5 đêm lênh đênh trên biển cả thiếu nước, đói cơm, hôi hám, bệnh tật đi từ bến cảng Thuận An ra Côn Đảo”, nhà thơ Võ Quê nhớ lại. Và bài thơ “Gởi người bạn tù sơ sinh” được ông viết trong bối cảnh ấy, bí mật gởi về đất liền đăng trên báo Đối Diện. Đối diện với hiểm nguy, sống chết nhưng bài thơ lại toát lên một tinh thần lạc quan: “Ngủ đi bé thơ!/ đời xanh tươi lắm/ ngoài cánh cửa đề lao trời cao và rộng/ trên mái nhà tù gió lộng trăng thanh/ gió lộng trăng thanh bé lành giấc ngủ/ đợi ba về mở cửa tự do/ đêm nay mẹ lại khoan hò/ đọc trong lời mẹ ngàn pho sử hồng…”.
Và một bài thơ khác của nhà thơ Võ Quê “Thừa Phủ ơi lòng ta hồng biển lửa!”, thai nghén trong phong trào đấu tranh sục sôi của sinh viên những năm 1970 đã được tuổi trẻ học đường miền Nam hồi đó yêu thích. Nó đã được chép chuyền tay và đọc trong các cuộc xuống đường, trong giảng đường ở Sài Gòn và ở Huế. Bài thơ càng có sức lan tỏa khi nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên phổ nhạc. Hình ảnh những nữ tù quét lá trên đường Lê Lợi, bị khiêng qua nhà xác Bệnh viện Huế trở thành ám ảnh lớn trong ông: Ơi người tù thiếu nữ trưa nay / Đang âm thầm quét lá khô rơi trên vỉa hè Lê Lợi / Hồn em đau trong từng nhát chổi lạnh lùng / Ta biết lòng em đang rực hồng / biển lửa / Chờ gió ngày bão lớn thổi bùng lên...
|
Sinh viên Huế xé cờ Mỹ trước khi phóng hoả Toà lãnh sự Mỹ. Ảnh: TL của Nguyễn Đắc Xuân
|
Bài thơ gói trọn niềm khát vọng hòa bình, tình yêu nước chứa chan và niềm lạc quan cách mạng phơi phới cháy hồng trong trái tim người thanh niên trẻ Võ Quê ngày ấy: Ngày mai trên những chuyến đò / Có cô con gái học trò sang sông / Áo bay thơm má em hồng / Cờ vươn cao ngọn gió / Thừa Phủ ơi! Thừa Phủ ơi! / Lòng ta hồng biển lửa!
Tác động lớn đến phong trào giải phóng dân tộc
Phong trào đấu tranh đô thị trước 1975 có nhiều hình thức như phong trào chống quân sự học đường, chống bắt lính, hát cho đồng bào tôi nghe, đòi cải thiện chế độ lao tù, đòi quyền sống... Đa số phong trào là do Tổng hội Sinh viên Huế lãnh đạo.
Hồi đó, nhà giáo Phan Hữu Lượng là Phó Chủ tịch Ngoại vụ Uỷ ban phối hợp, đồng thời là Đoàn trưởng Đoàn Văn nghệ sinh viên học sinh tranh đấu. Ông cũng là người tổ chức phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”, thành lập đoàn văn nghệ và tổ chức đoàn đi hát, biểu diễn ở các tụ điểm nơi công cộng như Giảng đường C, Giảng đường Karate (Trường Đại học Sư phạm) các trường trung học, chợ Đông Ba, khu dân cư...
Bìa ba tờ báo Tiếng gọi học sinh, Tiếng gọi sinh viên và Sinh hoạt do Ban đại diện học sinh liên trường trung học Huế chủ trương, Hội đồng đại diện sinh viên Huế chủ trương và Khối báo chí Tổng hội sinh viên Huế ấn hành. Ảnh: Nguyễn Xuân Hoa cung cấp
Có một kỷ niệm thầy Phan Hữu Lượng vẫn nhớ mãi đến bây giờ. Đó là lần Tổng hội Sinh viên phối hợp với Đoàn Thanh sinh công (tức thanh niên sinh viên Công giáo) tổ chức hát ở nhà thờ Phủ Cam. “Hôm đó chúng tôi hát các bài Tự nguyện, Chốn lao tù, Hát cho dân tôi nghe, Dậy mà đi,... mở đầu là bài hát đồng ca. Đột nhiên đang hát thì bị ném đá. Có mấy em nữ sinh bị trúng đầu, có nữ sinh máu chảy từ trên đầu xuống áo trắng. Dù máu chảy nhưng em vẫn đứng yên và hát. Đó là hình ảnh tôi rất xúc động và chính việc em vẫn đứng hát cho đến cuối bài như vậy khiến những người xem quá khích phía dưới không dám ném đá nữa. Sau bài hát ấy, em vào trong băng bó và lại ra hát tiếp. Chính tấm lòng yêu nước, sự quả cảm của em đã tác động vào tâm lý người nghe, giác ngộ họ”, thầy Lượng nhớ lại.
Theo thầy giáo Phan Hữu Lượng, từ 1969 - 1972 là thời kỳ phong trào đấu tranh sinh viên học sinh Huế mạnh nhất và nối kết lực lượng toàn miền Nam, lần đầu tiên có Đại hội Sinh viên học sinh toàn miền Nam tổ chức tại Sài Gòn và Huế. Đó cũng là thời điểm bắt đầu có phong trào hát cho đồng bào tôi nghe, phong trào đòi quyền sống... Thời điểm đó, phong trào bị đàn áp dữ dội. Ngày 30/4/1972, quân địch mở chiến dịch Bình Minh đàn áp phong trào ở Huế, tấn công vào Tổng hội Sinh viên. Phong trào tan rã cho đến khi chúng ta ký hiệp định Paris năm 1973 mới được khôi phục lại. Những anh em cốt cán của phong trào đều bị bắt như Lê Văn Thuyên - Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Huế, Bửu Chỉ - Tổng Thư ký Hội Sinh viên sáng tác, Nguyễn Duy Hiền - Đoàn trưởng Đoàn Công tác xã hội sinh viên, Võ Quê - Trưởng Khối Báo chí đồng thời là Trưởng Khối Văn nghệ của Tổng hội sinh viên, Trần Đình Sơn Cước - sinh viên Luật khoa và cả Phan Hữu Lượng.
Nhìn lại sứ mệnh lịch sử của phong trào học sinh sinh viên, thầy Lượng khẳng định: “Khi tham gia cách mạng, hoạt động phong trào, mình đã chuẩn bị tinh thần là sẽ bị bắt bớ tù đày. Đó là tinh thần lãng mạn cách mạng. Nhìn lại lịch sử kháng chiến, sự đóng góp của thanh niên học sinh là rất lớn và phong trào học sinh sinh viên đã tác động rất lớn đến phong trào giải phóng dân tộc. Chính vì tinh thần đấu tranh quả cảm đó, Đảng và Nhà nước đã trao tặng phần thưởng cao quý: Huân chương Giải phóng hạng Nhất cho thanh niên, sinh viên, học sinh TP Huế”.
Nảy nở tình yêu đẹp
"Thành uỷ Huế đang chủ trương viết tập "Phong trào đấu tranh đô thị Huế 1954 - 1975" và tập "Hồi ức và sự kiện về phong trào đấu tranh đô thị Huế". Hai tập sách này dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2014", nhà giáo Phan Hữu Lượng, thành viên Ban Biên tập sách cho biết.
|
Hồi tưởng những năm tháng có mặt trong phong trào sinh viên yêu nước, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, Huế là một trong những trung tâm khởi phát phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh mạnh mẽ và liên tục, được ví như một ngòi nổ, làm bùng phát phong trào đấu tranh yêu nước ở đô thị.
“Theo tôi 5 yếu tố dẫn đến hình thành phong trào là: khát vọng về dân chủ và công bằng xã hội được cuộc đấu tranh của Phật giáo khơi dậy và cuốn hút; sự tự thức tỉnh về ý thức dân tộc khi Mỹ đổ quân vào Việt Nam; có sự chỉ đạo của tổ chức Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam và trong đó có sự chỉ đạo của Thành uỷ Huế; khát vọng hoà bình của tuổi trẻ trong thời điểm chiến tranh, phản chiến đòi hoà bình độc lập thống nhất đất nước thôi thúc thanh niên rất mạnh mẽ; và mọi phong trào của thanh niên sinh viên học sinh Huế liên tục được là nhờ có một tổ chức rất hợp pháp ngay trong xã hội của miền Nam làm ngọn cờ là Tổng hội Sinh viên Huế. Đây chính là trung tâm liên kết giữa sinh viên học sinh với trí thức công chức, người lao động, tiểu thương...”, ông Hoa đúc kết.
Và một điều kỳ lạ ít ai biết là từ phong trào đấu tranh học sinh sinh viên đòi hòa bình cho dân tộc đã nở hoa những tình yêu đẹp, lãng mạn, thủy chung. Từ những năm tháng dấn thân, vào sinh ra tử cho lý tưởng dân tộc, nhiều người yêu nhau đã nên vợ nên chồng như Trần Hoài - Lê Thị Nhân, vợ chồng Nguyễn Xuân Hoa - Trương Thị Cúc, Nguyễn Duy Hiền - Hoàng Thị Thọ, Thái Ngọc San - Lệ Dung...
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, phong trào ở Huế đặc biệt có sắc thái hơn những nơi khác bởi từ đây đã hình thành một dòng văn nghệ đấu tranh với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Miên Đức Thắng; hoạ sĩ Bửu Chỉ; nhà thơ Thái Ngọc San, Võ Quê,...
Và để kết thúc bài viết này, xin được mượn những lời thơ của Chế Lan Viên trong bài “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng” mà thầy giáo Phan Hữu Lượng đã đọc cho tôi nghe trước khi chia tay: Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm! / Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng? / - Chưa đâu! Và cả trong những ngày đẹp nhất / Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc, / Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn, / Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc, / Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng...
Tổ quốc Việt Nam sẽ mãi đẹp như thế bởi bao thế hệ cha anh đi trước và thế hệ trẻ hôm nay luôn yêu nước nồng nàn...