ClockThứ Năm, 26/11/2015 18:11

Xử lý kiên quyết đối với những hộ cố tình chây ỳ

TTH - Thực tế công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn TP Huế cho thấy, ngoài một bộ phận người dân chấp hành chủ trương, đồng ý di dời, vẫn còn nhiều hộ chưa di dời một phần do chế độ chính sách, giá đền bù chưa hợp lý, song cũng có một số trường hợp cố tình chây ỳ, đòi hỏi vượt các quy định của pháp luật. Nếu không cương quyết với những trường hợp này, công tác giải phóng mặt bằng sẽ còn khó khăn.
Tuyến đường mặt cắt 26m đi qua dự án Khu nhà ở An Đông thi công gần hoàn thành nhưng do vướng giải phóng mặt bằng nên còn 80m chưa được thi công khiến công trình dở dang

 

Tuyến đường mặt cắt 26m đi qua dự án Khu nhà ở An Đông thi công gần hoàn thành nhưng do vướng giải phóng mặt bằng nên còn 80m chưa được thi công khiến công trình dở dang

“Chủ trương chung của tỉnh là tạo điều kiện để dân ổn định cuộc sống, không để dân thiệt thòi. Song nếu dân cố tình không bàn giao mặt bằng khi đã thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách, thì giải pháp cương quyết là cưỡng chế”, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao khẳng định tại buổi làm việc giữa lãnh đạo tỉnh với UBND TP Huế cuối tháng 10/2015. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cũng cho rằng, TP Huế phải cương quyết hơn nữa trong việc giải quyết các hộ chây ỳ, không bàn giao mặt bằng, nếu không ngân sách Nhà nước sẽ ảnh hưởng lớn. Hơn nữa, quỹ đất trên địa bàn càng ngày càng hạn hẹp, nếu dự án nào cũng bố trí đất tái định cư, thì đến lúc không đủ đất để thực hiện các dự án an sinh xã hội.

Ảnh hưởng tiến độ, lãng phí tiền của

Dự án chỉnh trang mở rộng đường Điện Biên Phủ có hơn 400 hộ chịu ảnh hưởng, trong đó có khá nhiều hộ phải giải tỏa di dời. Bắt đầu từ 2011, công tác kiểm kê, áp giá, đền bù, giải tỏa được tiến hành. Đến cuối 2014, số hộ di dời, giải tỏa bàn giao mặt bằng cho dự án cơ bản hoàn tất. Chỉ còn vài hộ cố tình chây ỳ, trong đó, có một số hộ có đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng, chủ yếu là về giá đền bù, đất hỗ trợ tái định cư, khiến các đơn vị thi công gặp khó khăn.

Theo chính sách, nếu di dời đúng như chủ trương giải tỏa, hộ ông L. ở đường Điện Biên Phủ không được bố trí về đất tái định cư do diện tích giải tỏa khoảng 50m2 và phần diện tích còn lại khoảng 80m2. Thế nhưng, vì chây ỳ nên hộ ông L. có vẻ như “được đơn, được kép”, không chỉ được đất tái định cư, mà giá đền bù cũng cao hơn so với các hộ di dời trước, một mét vuông hơn triệu đồng, bởi giá đất được điều chỉnh theo biến động thị trường từng năm và các năm gần đây hầu hết được điều chỉnh tăng. Về phần hỗ trợ đất tái định cư, hộ ông L được xem xét là bởi trong hộ chính còn có thêm 2 hộ phụ.

Tương tự, hộ bà H. ở đường An Dương Vương, một trong những hộ thuộc diện di dời, giải tỏa phục vụ dự án xây dựng đường mặt cắt 26m qua dự án Khu nhà ở An Đông, do Ban quản lý Phát triển Khu vực đô thị làm chủ đầu tư, cũng chây ỳ kéo dài thời gian bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công mà bà H được một lúc hai lô đất, thay vì một lô như quy định. Tiền đền bù tài sản trên đất cao hơn những hộ đi trước đã đành, hộ bà H còn “lần vô bếp” khi đòi được đền bù đúng với diện tích bị giải tỏa, dù cho phần diện tích đó không được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất. Do đó, với trường hợp này, lãnh đạo các địa phương liên quan không đồng ý với đòi hỏi quá đáng của bà H nên hiện đang hoàn tất các thủ tục theo quy định để tiến hành cưỡng chế.

Đây chỉ là hai trong số nhiều trường hợp cố tình chây ỳ trong việc bàn giao mặt bằng khiến các cơ quan, doanh nghiệp liên quan gặp không ít khó khăn. Nếu hộ nào trong diện giải tỏa di dời cũng cố tình kéo dài thời gian di dời, đòi hỏi không có cơ sở thì Nhà nước, đơn vị thi công không những gặp trở ngại về tiến độ, ảnh hưởng ngân sách mà còn tạo ra tâm lý xã hội không tốt, khi người dân nhìn nhau, hộ này chưa di dời thì hộ khác cũng làm theo và chắc chắn ở những dự án sau, công tác giải phóng mặt bằng càng khó thực hiện.

Điển hình như dự án giải tỏa Thượng thành đến nay vẫn dậm chân tại chỗ, sau hơn 3 năm xây xong chung cư ở Hương Sơ nhưng còn nhiều phòng trống chưa có người đến ở. Lý do là bởi, một số người dân đòi bố trí đất tái định cư thay vì hỗ trợ đến ở chung cư. Theo quy định, với những hộ dân ở đất lấn chiếm trên Thượng thành, chỉ được đền bù tài sản trên đất và hỗ trợ tái định cư tại chung cư, không được cấp đất. Song, do tâm lý trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng với sự thiếu cương quyết của cơ quan chức năng nên việc giải phóng mặt bằng vẫn còn dang dở.

Cần tạo sự công bằng

Trở lại với dự án chỉnh trang mở rộng đường Điện Biên Phủ, trong số các hộ dân cố tình không di dời, giải tỏa để bàn giao mặt bằng, UBND TP Huế đã ra quyết định cưỡng chế 5 hộ. Tuy nhiên, cả 5 hộ này sau khi có quyết định cưỡng chế, cộng với sự vận động, thuyết phục, đối thoại của cơ quan chức năng, đã tự nguyện tháo dỡ công trình trước khi cơ quan chức năng tiến hành cưỡng chế. Điều đó cho thấy, không phải người dân “nhờn luật”, mà do chính quyền chưa thật sự kiên quyết. Trường hợp ông L. là ví dụ điển hình, sau khi có quyết định phương án cưỡng chế khoảng 1 tháng, hộ ông L cũng tự nguyện bàn giao mặt bằng, dù trước đó, gia đình ông L. đã khiếu kiện nhiều nơi.

Chúng tôi cho rằng, cưỡng chế là việc cần thiết để đảm bảo tiến độ các dự án, sau khi đã rà soát tất cả các thủ tục để đảm bảo người dân không thiệt thòi. Song, khen thưởng đối với các hộ chấp hành tốt chủ trương của Nhà nước di dời sớm để bàn giao mặt bằng cũng là việc cần được cân nhắc để đảm bảo sự công bằng.

Tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của một số hộ di dời sớm để bàn giao mặt bằng cho Nhà nước triển khai các dự án chỉnh trang, mở rộng, di dời…, đa số đều thống nhất, chấp hành chủ trương chung là điều những công dân chân chính có trách nhiệm phải thực hiện. Song, cũng không ít người tỏ ra thất vọng, chưa bằng lòng với cách mà các cơ quan chức năng đang triển khai hiện nay đối với các dự án buộc phải giải tỏa, di dời các hộ dân.

Ngoài không được hỗ trợ, khen thưởng, những hộ di dời sớm còn thiệt thòi về giá đền bù, khi giá đất đền cho người đi sau luôn cao hơn người trước do giá đất biến động với một số dự án đang trong quá trình giải tỏa, đền bù. Đây là điều hoàn toàn đi ngược với xu hướng các nước tiên tiến đang thực hiện. Lẽ ra, giá đền bù phải được giữ ổn định trong quá trình triển khai dự án. Thậm chí những hộ chấp hành tốt còn được đền cao hơn so với hộ đi sau để khuyến khích người dân.

Với những hộ chấp hành tốt chủ trương, tự nguyện bàn giao mặt bằng trước hoặc đúng thời hạn cũng cần được đề xuất xem xét khen thưởng xứng đáng trước toàn dân và tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên dương và làm gương tốt cho người khác noi theo. Dù việc này chưa có tiền lệ, song nhiều người cho rằng, với những hộ gây khó khăn, kéo dài thời gian bàn giao mặt bằng, kiện tụng kéo dài lại được đề xuất tỉnh ban hành cơ chế đặc biệt, trong khi những người làm tốt hoàn toàn xứng đạt được hưởng điều này thì không được đề đạt? Nếu tình trạng này còn tiếp diễn, chắc chắn càng ở những dự án sau, việc giải tỏa càng khó, khi một số người cứ “được voi, đòi tiên”!

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế: Vận động người dân di dời sớm để khen thưởng

Theo quy định, với các dự án phải di dời, giải tỏa, sau 20 ngày có thông báo, người dân phải bàn giao mặt bằng cho cơ quan chức năng. Những hộ dân nào bàn giao mặt bằng trước ngày thứ 16, tức là sớm hơn thông báo 4 ngày, sẽ được thưởng 5 triệu đồng, ngày thứ 17 được thưởng 4 triệu đồng, ngày thứ 20 được thưởng 3 triệu đồng. Tuy nhiên, đa số người dân đều bàn giao sau thời điểm 20 ngày nên chưa có căn cứ để khen thưởng. Hơn nữa, ở mỗi dự án đều có từng giai đoạn, có giai đoạn thông báo sớm nhưng chưa thực hiện vì vướng mắc. Có giai đoạn thông báo sau nhưng thực hiện trước, do đó, việc khen thưởng chưa triển khai. Với các dự án sau này, chúng tôi sẽ tăng cường vận động người dân di dời sớm để được hưởng những ưu đãi của Nhà nước, trong đó có việc khen thưởng.

Ông Phan Vĩnh Phong, Phó Chủ tịch UBND phường Trường An: Tạo tiền lệ tốt

Dù không trực tiếp thực hiện công tác đền bù, giải tỏa, song là địa phương quản lý trực tiếp, chúng tôi khá vất vả trong việc cùng với các ban ngành đối thoại, vận động, thuyết phục người dân di dời để thực hiện dự án chỉnh trang, mở rộng đường Điện Biên Phủ. Lúc cao điểm phải họp giao ban đầu giờ sáng mỗi ngày với lãnh đạo TP Huế qua mạng nhằm thực hiện tốt các chỉ đạo của cấp trên. Khó nhất vẫn là công tác vận động, thuyết phục người dân bàn giao mặt bằng. Trường hợp nào chúng tôi cũng thông báo, nếu di dời sớm sẽ được Nhà nước thưởng. Thế nhưng, có hộ di dời sớm, chúng tôi đã làm danh sách đề nghị khen thưởng nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Chúng tôi thấy, nên khen thưởng đối với những hộ chấp hành tốt chủ trương, di dời sớm để bàn giao mặt bàn tạo thuận lợi cho đơn vị thi công, chủ đầu tư… sẽ là tiền lệ tốt để khuyến khích những hộ đi sau cũng như ở các dự án khác.

Linh Đan (thực hiện)

 

Bài, ảnh: Tâm Huệ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

KỶ NIỆM 154 NĂM NGÀY SINH VLADIMIR ILICH LENIN (22/4/1870 - 22/4/2024)
Tư tưởng của Lênin soi sáng con đường cách mạng Việt Nam

V.I. Lênin (1870 - 1924) là nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận chính trị kiệt xuất, lãnh tụ lỗi lạc của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động toàn thế giới. Được sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức ở thành phố Simbirsk (nay là Ulianovsk), Lênin đã sớm tham gia các hoạt động cách mạng chống lại sự tàn bạo, thối nát của chế độ Nga Sa Hoàng đương thời. Ông sớm nhận thấy bản chất cách mạng và khoa học của học thuyết C.Mác và đã phát triển học thuyết một cách toàn diện trên cả ba bộ phận hợp thành từ triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học.

Tư tưởng của Lênin soi sáng con đường cách mạng Việt Nam
Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 7: Điểm hẹn đảo đá Tây A

Đảo Đá Tây A nhìn từ xa như một chiếc bè lớn giữa biển khơi, nhưng khi đến gần, nhận ra ngay sự sống sôi động, sung túc từ những vườn cây, cho đến ánh mắt người và nụ cười của trẻ thơ. Điều bất ngờ là khi chúng tôi vừa đặt chân lên đảo, tiếng gà gáy sáng chợt vang lên kiêu hãnh. Từ lâu, đảo Đá Tây A được xem là điểm hẹn của ngư dân Việt Nam trên biển.

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 7 Điểm hẹn đảo đá Tây A
Cần giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông

Ngày 19/4, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội làm trưởng đoàn công tác đã khảo sát thực tế nút giao cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua địa bàn huyện Phong Điền; sau đó làm việc với UBND tỉnh về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Cần giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông
Return to top