ClockThứ Năm, 29/09/2011 04:10

Chờ bão

TTH - Một nhà thơ ở Huế đã viết rất hay, rằng“Mùa thu bắt đầu bằng những cơn bão/ và nước lớn trên những con sông…”. Câu thơ gợi nhớ cho người Huế mình thêm một “sắc màu’ khó quên nữa của mùa thu ở Huế, khởi đầu của những tháng ngày mưa bão.

Ví như chuyện hai đứa con tôi chỉ mới sau chưa đầy một tháng tới trường thì ngày mai, vẫn còn là mùa thu, đã có ngày nghỉ học đầu tiên trong quỹ chương trình dành cho những ngày bão lụt trong năm. Cơn bão số 4 chuẩn bị đến. Không biết là chỗ nào đây sẽ là tâm bão trong dải đất hẹp, kéo dài từ Quảng Bình đến Quảng Nam mà Huế là trung tâm.

Cũng rất tình cờ, trong cái đêm mưa gió này, lục tìm trong đống sách cũ của mình, tôi bắt gặp cuốn tạp chí Sông Hương số 16 phát hành cuối năm 1985, thời Tổng Biên tập là nhà thơ đáng kính Nguyễn Khoa Điềm và là năm xảy ra cơn bão số 8 lớn nhất trong vòng mấy mươi năm qua ở vùng đất Huế. Cuốn tạp chí in bằng loại giấy kém chất lượng, nhàu nát, úa vàng. Trong đó, Ban Biên tập đã dành 2 bài viết về cơn bão số 8. Một bài ký tên Sông Hương với đầu đề “Cơn bão số 8 và nghĩa tình bè bạn” và bài kia là một phóng sự của Nhà văn Nguyễn Quang Hà “Hương Phú- 30 ngày sau bão”. Tạp chí số này không có được nhiều bài viết, bởi trước đó Sông Hương đã có sáng kiến phát hành phụ trương đặc biệt “Huế- Bình Trị Thiên trong cơn bão số 8”. Và, câu chuyện về cơn bão số 8 xảy ra đã 26 năm, vậy nhưng đọc lại những bài viết, ta như bắt gặp lại cái cảm xúc như mới hôm qua thôi, lo lắng, bồn chồn và ngạc nhiên đến ngỡ ngàng bởi những gì phải trải qua và được chứng kiến. Phải nói rằng, cơn bão số 8 đổ bộ vào Huế- Bình Trị Thiên đã là một ác mộng lớn. Người Huế đã so sánh nó với cơn bão năm Thìn lịch sử cách đó 81 năm, một chu kỳ quá lớn so với đời người.

Người Huế lâu nay đã quen với cảnh sống với lụt như thế này. Ảnh: TL

 
Bão là chết chóc và đói khổ. Vậy nhưng, tôi hiểu, người Huế cũng như cư dân miền Trung lâu nay vẫn sống trong tâm trạng “chờ” bão, chờ lũ lụt đến. Như cái của nợ truyền kiếp, không có thì cũng chẳng thể yên. Cứ tưởng năm nay bão đến sớm. Ai ngờ, đối chiếu lại cơn bão số 8 năm 1985 mới hay, nó đã đổ bộ vào Huế cũng chính ở thời điểm này, vào đầu tháng 10. Nhớ lại cái đêm cơn bão số 8 quái ác kia đổ bộ vào Huế, cả nhà tôi ở quê đã có một đêm không ngủ. Một phần vì sợ, gió cứ rít lên từng hồi với những âm thanh ghê rợn. Phần nữa vì lo, lo nhà dột, nhà đổ, lúa ướt, đồ đạc hư hỏng lấy gì ăn, lấy chi dùng đây nên phải chống, phải đỡ, phải thu cất. Cứ tưởng bình yên, ai ngờ sáng mai thức dậy mới hay một nửa mái ngói của nhà mình đã bay đi. Cả xóm nhỏ tan hoang. Đạp xe chạy vội lên Huế, hãi hùng là cảnh hoang tàn, nhà sập, cây đổ. Tôi nhớ mãi con số 3.000 cây xanh cổ thụ Huế bị gãy đổ, một cuộc “đại tang” khiến cho cụ Nguyễn Tuân ở Hà Nội mà bị sốc luôn một thời gian dài.
 
Chờ bão, chờ lụt chuyện nghe cứ như đùa mà lại là một thực tế. Nó là tâm trạng thật khó cắt nghĩa hết và đầy đủ. Trong sự chờ đợi kia có cả nỗi lo và bao hàm luôn là sự cảnh giác, sự chủ động trong ứng phó của một vùng đất phải chịu cảnh sống chung với lũ bão như Huế của ta. Và tôi cũng đã nghĩ rằng, lâu dần nó đã trở thành một nét văn hoá ứng xử rất riêng của con người dải đất hẹp miền Trung và vùng núi Ngự, sông Hương. 
 

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top