ClockThứ Bảy, 12/03/2016 14:31

Chờ chứng nhận rau sạch

TTH - Sau một thời gian đi vào hoạt động, cửa hàng ở 44 Hai Bà Trưng (TP Huế) đã được người tiêu dùng đón nhận, song, để tạo niềm tin với khách hàng cũng như đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản sạch, cần chứng nhận của cơ quan chức năng.

Khách hàng hài lòng với nông sản sạch do Cửa hàng nông dân cung cấp 

 

Tự kiểm tra quy trình, chất lượng

Ở cửa hàng, tất cả các sản phẩm đều do người dân nuôi, trồng và tự kiểm tra quy trình, chất lượng theo sự hướng dẫn của Tổ chức Cầu châu Á Nhật Bản (BAJ), đơn vị hỗ trợ về vốn, kỹ thuật ban đầu và xây dựng chuỗi mô hình sản xuất-cung ứng cho các hộ dân tham gia. Thế nên, dù chỉ là một bó sả, mớ rau, vài quả trứng gà, vịt…, nhưng tất cả đều ghi tên chủ cơ sở trồng, nuôi để người dân kiểm chứng. Tất nhiên, giá các loại nông sản này cũng được niêm yết công khai, so với giá trị trường không chênh lệch đáng kể.

Theo đánh giá, ghi nhận của người tiêu dùng, cơ quan chức năng, mô hình cửa hàng nông dân đem lại lợi ích thiết thực không chỉ cho người nông dân mà cả khách hàng. Đó là, người nông dân được hưởng về giá vì không qua trung gian. Khách hàng được sử dụng nông sản sạch, an toàn cho sức khỏe. Ngành du lịch có thêm địa chỉ để phục vụ du khách, khi nơi đây ngoài cung cấp rau, củ, quả còn tổ chức chế biến, phục vụ ăn uống tại chỗ cho khách hàng. Nhiều gia đình và du khách đến từ Nhật Bản đã thưởng thức những món ăn được chế biến từ nông sản do người nông dân cung cấp. Trên trang facebook của cửa hàng, không ít lời khen ngợi cho ý tưởng thú vị này cùng những món ăn ngon, đảm bảo vệ sinh…

Các loại rau quả đều phải ghi tên, giá cả trên sản phẩm

Thế nhưng, người nông dân, kể cả chủ cửa hàng, Giám đốc BAJ tại Việt Nam, chị Katayama Emiko cũng đang loay hoay với việc làm thế nào để khách hàng yên tâm hơn với những sản phẩm do người nông dân cung cấp. Nhiều tour tham quan đến vườn rau, chuồng lợn của nông dân đã được tổ chức, song không phải khách hàng nào cũng có cơ hội được đến, chứng kiến, trải nghiệm và không phải lúc nào cũng có thể tổ chức tour. Do đó, người tiêu dùng dù thích nông sản sạch và vẫn tin dùng, song vẫn không khỏi e dè, còn người sản xuất thì ghi rõ tên, tuổi địa chỉ trên từng sản phẩm như là cách chứng minh cách làm ăn không gian dối, nhưng xem chừng để tạo được sự tin tưởng tuyệt đối, nụ cười mãn nguyện, tự tin của cả bên mua, lẫn bên bán cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.

Để nhân rộng mô hình

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dù việc cấp giấy chứng nhận chỉ mới thực hiện thí điểm ở hai TP là Hồ Chí Minh và Hà Nội, với số lượng không lớn, riêng trên địa bàn Thừa Thiên Huế chưa có tiền lệ. Song, Sở cũng khẳng định, chưa có tiền lệ hoặc ít hộ tham gia không có nghĩa ít là không thực hiện, khi mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản hướng dẫn. Do đó, người nông dân hoàn toàn có quyền hy vọng một ngày không xa, nông sản của họ sẽ được cấp giấy chứng nhận sạch, an toàn để tự tin đến tay người tiêu dùng mà không cần chứng minh, giải thích gì thêm.

Điều người nông dân cũng như người tiêu dùng cần là chứng nhận sản phẩm sạch của cơ quan chức năng. Chắc chắn, khi một sản phẩm được dán lên chứng nhận sạch sẽ được người tiêu dùng tin tưởng hơn. Trong lúc chờ ý kiến, thủ tục từ cơ quan có thẩm quyền, chị Katayama Emiko đã nghiên cứu, tìm tòi mẫu mã để khi được cấp sẽ dán lên nông sản.

Chia sẻ về điều này, chị Katayama Emiko cho hay, ở Nhật Bản, mô hình cửa hàng nông dân khá phổ biến. Khi người dân được hỗ trợ, tập huấn và nuôi, trồng theo quy trình đã được hướng dẫn, dựa vào đó, chính quyền địa phương có thể cấp một mã chứng nhận, có hình dáng như một tờ giấy nhỏ để dán lên sản phẩm thay vì phải ghi tên tuổi cụ thể của người sản xuất.

Tuy nhiên, khi trao đổi vấn đề này với lãnh đạo Phòng Kinh tế TP Huế, ông Đồng Sỹ Toàn, Trưởng phòng cho hay, hiện vẫn đang chờ ý kiến của các bên liên quan và phòng đang phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để tổ chức thực hiện quy trình chứng nhận rau sạch cho cửa hàng nông dân. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu hồ sơ, thủ tục.

Không chờ đợi, chị Katayama Emiko đang hướng dẫn cho người dân viết nhật ký trồng trọt, chăn nuôi hàng ngày. Phần mình, chị tìm các lô gô phù hợp như mô hình ở Nhật đã thực hiện để đính kèm trong hồ sơ xin làm thủ tục chứng nhận nông sản sạch cho nông dân. Emiko cho rằng, cách này sẽ nhanh hơn để người dân yên tâm sản xuất, khi đầu ra được bảo đảm, nông sản được người tiêu dùng lựa chọn. Chị cũng chớp lấy cơ hội khi trình bày dự án, dự định với lãnh đạo tỉnh, TP Huế trong cuộc gặp mặt mới đây với các doanh nghiệp trên địa bàn. Ý tưởng của chị được lãnh đạo tỉnh, TP Huế đánh giá cao và ghi nhận bằng sự chỉ đạo vào cuộc kịp thời của các cơ quan liên quan, như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế TP Huế bắt tay thực hiện. “Nếu thành công, chắc chắn mô hình sẽ thu hút thêm nhiều hộ nông dân tham gia, thay vì chỉ 9 hộ ở 3 phường Thủy Xuân, Thủy Biều, Hương Long như hiện nay”, chị Emiko kỳ vọng.

Thông tin mới nhất, hiện có thêm 3-4 hộ nông dân đã đăng ký tham gia mô hình cửa hàng nông sản, khi đủ lượng và đông khách hàng, dự kiến BAJ sẽ cũng với người dân hỗ trợ mở thêm cửa hàng nông dân ở một số địa điểm khác trên địa bàn TP Huế.

Bài, ảnh: Tâm Huệ

Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Sẽ chứng nhận cho người dân nếu sản xuất đúng quy trình

Chúng tôi vừa làm việc với Chi cục Quản lý nông lâm thủy sản để chỉ đạo phối hợp với Phòng Kinh tế TP Huế tổ chức hướng dẫn quy trình cho những hộ dân tham gia mô hình cửa hàng nông dân. Trước tiên phải làm bảng cam kết cho người dân nuôi trồng theo đúng quy trình. Chi cục Chi cục Quản lý nông lâm thủy sản sẽ theo dõi, giám sát. Nếu thực hiện đúng quy trình sản xuất nông sản sạch, chúng tôi sẽ ủy quyền để đơn vị này cấp giấy chứng nhận cho nông dân.

Thủ tục để thực hiện quy trình này không quá phức tạp, do đó, người dân có thể yên tâm thực hiện. Nếu có vướng mắc, chúng tôi sẽ hỗ trợ, giúp người dân tháo gỡ.

Ông Hoàng Thăng Long, Chủ tịch UBND phường Thủy Biều:

Xây dựng vùng chuyên canh

Mô hình cửa hàng nông sản bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng rau sạch, an toàn của người dân, cũng đồng thời tạo thu nhập ổn định cho người tham gia mô hình. Nếu được chứng nhận rau sạch, chúng tôi cho rằng, cần nhân rộng mô hình cửa hàng nông dân. Lúc đó, việc liên kết để tiêu thụ sẽ khá thuận lợi.

Để đảm bảo nguồn cung cấp rau, thực phẩm sạch, chúng tôi nghĩ cần tổ chức sản xuất theo hướng chuyên canh, ví dụ Thủy Biều trồng rau, Hương Long cung cấp củ quả, còn Thủy Xuân nuôi gà, vịt, lợn, bò… Sản xuất, nuôi trồng như hiện nay, chúng tôi e còn khá manh mún, khi hộ này có vài luống rau, ít con gà, đàn lợn… Nếu hộ nào cũng cung cấp như thế, chắc chắn nguồn thực phẩm khó tiêu thụ hết trong ngày và khả năng tồn đọng hàng hóa rất lớn. Do đó, hình thành vùng chuyên canh sẽ góp phần chuyên nghiệp hóa việc sản xuất, chăn nuôi theo mô hình sạch, an toàn.

Chị Nguyễn Thị Châu, ở Thủy Biều (TP Huế):

Mong muốn được tham gia mô hình

Thu nhập chủ yếu của gia đình tôi nhờ vào rau màu và thanh trà. Riêng thanh trà thu nhập khá ổn định, nhưng rau màu chủ yếu vẫn là tự sản xuất, tự tiêu thụ, tức là tự mang ra chợ bán hoặc bán tư thương nên nguồn thu không đáng kể. Một bó rau muống bán cho tư thương có 3.000 đồng nhưng họ bán lại hơn 5.000 đồng. Mới qua một tay đã mất 2.000 đồng/bó nên tôi tiếc công, tiếc của lắm. Vừa rồi có tham quan mô hình cửa hàng nông sản, tôi cũng như nhiều chị em khác ở Thủy Biều rất muốn tham gia mô hình. Chúng tôi sẵn sàng nuôi trồng theo đúng quy trình để có sản phẩm sạch, miễn là đầu ra ổn định, thu nhập cao hơn.

Linh Đan (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trồng rau sạch phát triển kinh tế

Để phát triển mở rộng quy mô nghề trồng rau ở địa phương, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Phú Bài, TX. Hương Thủy đã vận động hội viên phụ nữ tham gia tổ liên kết trồng rau sạch. Hội đã trợ vốn vay, hạt giống, kết nối thị trường để cùng hội viên xây dựng và mở rộng các tổ liên kết.

Trồng rau sạch phát triển kinh tế
Rau sạch ngày tết đáp ứng nhu cầu

Rau sạch VietGAP, hữu cơ hay theo hướng hữu cơ đang ngày càng thu hút người tiêu dùng như một sự lựa chọn tất yếu trước yêu cầu đảm bảo vệ sinh thực phẩm hiện nay.

Rau sạch ngày tết đáp ứng nhu cầu
Mô hình rau sạch đầu tiên do cá nhân đầu tư tại Hương Thủy

Mô hình rau sạch trồng trong nhà kính bằng công nghệ thủy canh của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thủy canh Huế (Hueponics) ra mắt ngày 1/1 tại P. Thủy Lương. Đây là mô hình đầu tiên được đầu tư 100% vốn cá nhân trên địa bàn TX. Hương Thủy.

Mô hình rau sạch đầu tiên do cá nhân đầu tư tại Hương Thủy
"GAP" hay không "GAP" như nhau

GAP là từ viết tắt tiếng Anh. Nghĩa của nó là thực hành nông nghiệp tốt. Tiêu chuẩn sản xuất an toàn của Việt Nam là Viet GAP, tiêu chuẩn sản xuất an toàn của thế giới là Global GAP.

GAP hay không GAP như nhau
Xây dựng thương hiệu "Rau hữu cơ Vinh Mỹ"

Đó là nội dung của dự án khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp tỉnh "Phát triển chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu Rau hữu cơ Vinh Mỹ" được Sở KH&CN tổ chức hội nghị vào chiều 2/4, giao trực tiếp cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc thực hiện tại xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc.

Xây dựng thương hiệu Rau hữu cơ Vinh Mỹ
Return to top