Thể thao

Chờ đá cầu & Jujitsu

ClockChủ Nhật, 11/10/2020 10:50
TTH - Những gì đã thể hiện, Jujitsu và đá cầu cho thấy những tiềm năng, triển vọng được dự báo.

Tuyển đá cầu giành 3 huy chương tại giải vô địch các đội mạnh quốc gia

Jujitsu Huế vẫn đang tập luyện theo dạng phong trào

Jujitsu – đẳng cấp của phong trào

Mới xuất hiện ở Huế chừng 4 năm, hoạt động theo dạng phong trào với số VĐV tham gia tập luyện thường xuyên chỉ 25 người, nhưng qua 2 giải vô địch toàn quốc năm 2019 và 2020, Jujitsu Huế vẫn giành đến 16 huy chương; trong đó, nếu năm 2019 chỉ giành 1 HCB, 1 HCĐ thì ở lần tham gia tiếp theo, Jujitsu Huế vọt lên giành 14 huy chương với 1 HCV, 4 HCB, 9 HCĐ.

Đáng nói, chưa nhắc đến 2 thành phố có phong trào mạnh là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nếu so với một số tỉnh, thành như: Đà Nẵng, Thái Nguyên, Bình Dương…, Jujitsu Huế đang có sự chênh lệch về đầu tư, định hướng ở bộ môn này.

Cụ thể, không có khả năng đào tạo tại chỗ, Bình Dương đã linh động mua hảo thủ các nơi về thi đấu cho mình. Trong khi đó, với truyền thống về vật, Thái Nguyên “điều quân” trong biên chế tuyển vật sang Jujitsu và gửi về Hà Nội tập luyện. Còn Đà Nẵng, bên cạnh chuyển VĐV Judo sang, thành phố này đã có định hướng tập luyện, thi đấu chuyên nghiệp ngay từ đầu, đi kèm những đầu tư nhất định.

Trở lại với giải vô địch Jujitsu toàn quốc lần thứ 2 diễn ra tại Huế hồi cuối tháng 9, dù phải đối đầu với những VĐV chuyên nghiệp, nhưng không ít VĐV Huế xuất thân là sinh viên, bác sĩ, công chức… vẫn có thể đứng trên ngôi cao cùng những tấm huy chương lấp lánh. Điều này phần nào chứng minh Jujitsu Huế có khả năng vươn tầm.

Hiện, Jujitsu đang chuẩn bị thành lập Liên đoàn, bên cạnh đó, ASIAD và SEA Games đều đã đưa bộ môn này vào nội dung thi đấu chính thức. Đây chính là điều kiện thuận lợi để Huế nghĩ đến việc thành lập và đào tạo Jujitsu chuyên nghiệp, tiến đến tham gia tranh tài ở các đấu trường châu lục, khu vực.

“Để hiện thực hóa điều này, bên cạnh trao đổi quân với các bộ môn vật, Judo, điều cần thiết là mở rộng tuyển chọn VĐV năng khiếu ở các địa phương có truyền thống vật, như: Quảng Điền, Phú Vang…, bởi giữa vật và Jujitsu có nhiều điểm tương đồng trong tập luyện, thi đấu và cả tố chất, cơ địa”, HLV Jujitsu Huế Chu Minh Tuấn chia sẻ.

Với việc Jujitsu Việt Nam nói chung, Jujitsu Huế nói riêng còn khá non trẻ so với một số nước trong khu vực khi mà Philippines, Thái Lan, Indonesia, Campuchia… đi trước cả thập niên, ngoài định hướng và đầu tư bài bản, có lẽ Huế nên “lách” bằng cách tập trung đầu tư vào nội dung nữ. Bởi ngoài thế mạnh sẵn có về vật nữ cả ở đội tuyển lẫn tiềm năng tại các địa phương, hiện, các nội dung Jujitsu nữ chưa được nhiều tỉnh, thành và nhiều nước “để ý”. Đây chính là nền tảng và cơ hội để Jujitsu Huế “tấn công” vào sân chơi này.

Đá cầu - sự ổn định của VĐV trẻ

Từ đầu năm đến nay, đá cầu Huế trải qua 2 giải đấu khá khắc nghiệt: giải vô địch bãi biển toàn quốc và giải vô địch các đội mạnh toàn quốc. Tuy cùng diễn ra trên sân nhà, nhưng điều này không thể giúp thầy trò HLV Nguyễn Văn Hiền chiếm ưu thế.

Bộ đôi VĐV Đông - Tuyết (trái) đã thể được sự ổn định mà các VĐV trẻ khác khó có được

Nguyên do, Huế không phải là địa phương mạnh về phong trào đá cầu bãi biển, nên việc làm quen với loại cầu đá dành riêng ở giải đấu trên khó khăn hơn so với nhiều tỉnh, thành bạn. Còn về giải vô địch các đội mạnh toàn quốc mới vừa kết thúc chiều 5/10, việc đối mặt với những tuyển thủ “già rơ” của các đơn vị bạn đã cho thấy độ chênh lệch kinh nghiệm của dàn VĐV trẻ Huế ở những thời khắc quyết định.

Tuy nhiên, qua những cuộc đối đầu ở 2 giải đấu trên, những VĐV trẻ trụ cột của tuyển đá cầu Huế cho thấy sự ổn định cao trong thi đấu. Đây là điều đáng mừng, bởi thông thường, tính ổn định chỉ có ở những VĐV đang trong độ chín sự nghiệp, trong khi đó, với dàn VĐV trẻ từ 17-19 tuổi, tuy kinh nghiệm, độ “lỳ” còn thua sút nhưng bù lại, sự ổn định đã giúp đá cầu Huế gặt hái những thành tích nhất định, và quan trọng hơn, là thấy được một tương lai sáng cho bộ môn đá cầu Cố đô. 

“Ở mùa giải trước, đôi VĐV đá cầu Huế là Đông – Tuyết đã chiến thắng cặp VĐV nổi tiếng của Đồng Tháp là Điền – Xuân để giành HCV. Tại giải vô địch các đội mạnh năm nay, tuy Đông - Tuyết chỉ giành HCB, nhưng trên hành trình đi tới chung kết, 2 VĐV trẻ của Huế tiếp tục đánh bại bộ đôi của Đồng Tháp. Còn về thất bại ở trận chung kết, nguyên do Đông – Tuyết trẻ, lại gặp đối thủ “già rơ” cùng lối đá khác nên các em chưa thể thích ứng cũng như thiếu độ “lỳ” cần thiết để vượt qua”, Trưởng bộ môn đá cầu Huế Nguyễn Văn Hiền lý giải.

Ngoài bộ đôi Đông – Tuyết, sự ổn định còn được thể hiện rất tốt ở cặp Lành – Nguyệt và VĐV trụ cột Nguyễn Thị Thùy Linh khi các VĐV này luôn nằm trong nhóm có huy chương. “Điểm yếu của dàn VĐV đá cầu Huế là thiếu độ “lỳ” khi gặp các đối thủ lớn tuổi, kinh nghiệm hơn. Nhưng ngược lại, từ sự ổn định của các em qua một số giải đấu trong năm, chỉ cần trui rèn thêm qua những lần cọ xát, đá cầu Huế phấn đấu trong năm 2021 sẽ có 2 -3 VĐV khoác áo tuyển quốc gia tham dự giải vô địch châu Á và thế giới, đồng thời mạnh dạn đặt chỉ tiêu 1 HCV tại ngày hội thể thao lớn nhất cả nước vào năm 2020”, ông Nguyễn Văn Hiền nói.

Bài, ảnh: Hàn Đăng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chạy vì những ngôi trường xanh

Từ những bước chạy để rèn luyện sức khỏe gắn với ý tưởng phủ xanh bóng cây ở các ngôi trường, hàng ngàn cây xanh đã được trồng mới với chương trình “Chạy vì những ngôi trường xanh”.

Chạy vì những ngôi trường xanh
Bóng đá ở làng

Từ trẻ em đến người lớn, từ cánh mày râu đến chị em phụ nữ, trái bóng tròn đã gắn kết tình làng nghĩa xóm, nâng cao tinh thần thể dục thể thao tại thôn Giáp Kiền (xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà).

Bóng đá ở làng
Đóng thế

Còn đến 2 trận đấu nữa vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á mới hạ màn, nhưng với thất bại nặng nề 0 - 3 trước Indonesia trên sân Mỹ Đình, HLV Philippe Trousser đã sớm phải kết thúc hợp đồng dẫn dắt cả 2 đội tuyển Quốc gia và tuyển U23 Quốc gia Việt Nam.

Đóng thế
Khi thể thao không khán giả

Ngoài động lực, là “liều dopping” cho mỗi VĐV, khán giả cùng sự cổ vũ cuồng nhiệt còn là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của bất kỳ giải thể thao nào theo cách trực quan nhất.

Khi thể thao không khán giả
Return to top