ClockThứ Sáu, 17/06/2016 14:25
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA ĐIỀN HẢI:

Chờ đầu tư để tái hoạt động

TTH - Từ đầu năm đến nay, Phòng khám đa khoa Điền Hải (huyện Phong Điền) không một bóng người. Công trình tiền tỉ này “bất động” trên một địa điểm “vị trí đắc địa” và đã có lúc đứng trước nguy cơ giải thể vì thiếu nhân lực cũng như trang thiết bị.

Không đủ điều kiện hoạt động

Phòng khám đa khoa (PKĐK) Điền Hải được đầu tư xây dựng mới cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị từ năm 2007 và được nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng cách đây 8 năm. Đây là cơ sở y tế tuyến dưới của Trung tâm Y tế huyện Phong Điền, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho bệnh nhân trên địa bàn 5 xã Ngũ Điền (huyện Phong Điền) là Điền Hương, Điền Môn, Điền Lộc, Điền Hòa, Điền Hải và Phong Hải.

Phòng khám đa khoa Điền Hải hiện tại chưa đủ điều kiện hoạt động

Ông Hoàng Văn Hùng, người dân xã Điền Hải cho biết: “Cách đây khoảng 5 năm, người dân ở 5 xã Ngũ Điền và bà con ở  xã Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền) đều đến phòng khám này để khám chữa bệnh. Những vụ tai nạn bất ngờ hay những sự cố đột xuất được đưa đến đây sơ cấp cứu kịp thời. Phòng khám mở ra bà con ai nấy phấn khởi vì có nơi để bệnh nhân ở địa phương yên tâm tìm đến”.

Hơn 1 năm trở lại đây, vì không được đầu tư nên trang thiết bị hư hỏng, xuống cấp. “Phòng khám có 10 giường bệnh và một máy điều hòa, máy điện tim, máy xét nghiệm nước tiểu và một số vật tư khác. Tuy nhiên đến nay, ngoại trừ giường và tủ, các thiết bị khác đều không sử dụng được”, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Đức Lợi, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phong Điền cho biết.

Khi Bộ Y tế bổ sung hướng dẫn về việc cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì PKĐK Điền Hải không còn đủ điều kiện hoạt động vì không đáp ứng được những yêu cầu cơ bản. Đầu năm 2016, Sở Y tế có văn bản yêu cầu Trung tâm Y tế huyện Phong Điền tạm ngưng hoạt động khám chữa bệnh của phòng khám. Từ đó đến nay, cơ sở y tế này ngưng hoạt động.

Đã có chủ trương cải tạo, sửa chữa

Huyện Phong Điền trước đây có 3 PKĐK khu vực là PKĐK Phong An, Phong Xuân và Điền Hải. Từ khi thành lập, các phòng khám này đáp ứng yêu cầu hỗ trợ ban đầu cho các trạm y tế. Tuy nhiên, sau quá trình hoạt động, PKĐK Phong An và Phong Xuân hoạt động kém dần nên đã giải thể. Riêng PKĐK Điền Hải, đánh giá, trên địa bàn xã Điền Hải tồn tại hai cơ sở y tế nhưng trong khi trạm Y tế xã Điền Hải được đầu tư về cơ sở vật chất thì phòng khám không được đầu tư, dẫn đến sự chênh lệch về chất lượng khám chữa bệnh. UBND huyện Phong Điền cũng đã có tờ trình xin giải thể phòng khám.

Ông Hoàng Văn Đức, Chánh Văn phòng Sở Y tế cho biết: Trước đây, PKĐK Điền Hải như cánh tay nối dài của bệnh viện tuyến huyện nhưng khi hệ thống y tế bắt đầu vững mạnh, hoạt động của các phòng khám bắt đầu chùng xuống. Sau quá trình đánh giá nhận thấy chất lượng phòng khám đi xuống, công suất thấp nên có chủ trương hợp thức Trạm Y tế xã Điền Hải và PKĐK Điền Hải thành một để nguồn lực mạnh hơn. Tuy nhiên, do chức năng của hai cơ sở y tế này chồng chéo nên không thể hợp thức hóa. 

“PKĐK Điền Hải không đủ điều kiện hoạt động nên tạm ngưng. Chủ trương của tỉnh là không giải thể phòng khám và đang chỉ đạo củng cố để hoạt động trở lại. Tuy nhiên, hiện nay cơ chế hoạt động của các cơ sở y tế là tự thu tự chi, để tạo nên phòng khám chất lượng, thu hút bệnh nhân thì e rằng rất khó nếu không được đầu tư”, ông Đức cho biết thêm.

Tháng 3/2016, Trung tâm Y tế huyện Phong Điền có tờ trình gửi Sở Y tế về việc xin chủ trương và kinh phí đầu tư cải tạo nâng cấp PKĐK Điền Hải và hồ sơ xin thống nhất chủ trương và quy mô đầu tư. Theo đó, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 3,4 tỉ đồng. “Chúng tôi đã thuê tư vấn để thiết kế quy mô đầu tư. Nếu được hỗ trợ kinh phí cải tạo nâng cấp để phòng khám hoạt động, chúng tôi sẽ điều động nguồn nhân lực và trang thiết bị để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của PKĐK Điền Hải”, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh.

Ông Hoàng Văn Đức cho hay: “Từ giờ cho đến cuối năm sẽ bảo đảm cho phòng khám đi vào hoạt động và Trung tâm y tế huyện Phong Điền phải đầu tư vào đó về nhân lực và trang thiết bị và các điều kiện để Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động”.

Theo Điều 24 Thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế về việc cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tháng 2/2016, phòng khám đa khoa phải đáp ứng ít nhất các điều kiện: Có ít nhất 2 trong 4 chuyên khoa nội, ngoại, sản, nhi; phòng cấp cứu; buồng tiểu phẫu; phòng lưu người bệnh; có hai bộ phận xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh; phòng cấp cứu có diện tích ít nhất 12m²; phòng lưu người bệnh có diện tích ít nhất 15m²…
Riêng đối với phòng khám đa khoa khu vực của Nhà nước phải bảo đảm tiêu chuẩn thiết kế quy định tại Quyết định số 1327/2002/QĐ – BYT ngày 18 tháng 4 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế; bảo đảm các điều kiện về an toàn bức xạ, quản lý chất thải y tế, phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật; bảo đảm có đủ điện, nước và các điều kiện khác để phục vụ chăm sóc người bệnh.

Lê Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng

Trước những chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các đơn vị liên quan đã có nhiều hoạt động phối hợp tăng cường kiểm tra các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng. Theo đó, chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước đã dần thu hẹp.

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng
Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động tín dụng

Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 có nhiều quy định kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động tín dụng là chia sẻ của ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh với Báo Thừa Thiên Huế.

Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động tín dụng
Return to top