ClockThứ Năm, 18/05/2017 05:46

Chợ đêm Thủy Thanh - tại sao không?

TTH - Xã Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy) có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, lượng khách hàng ngày tương đối ổn định và có nhu cầu vui chơi, tham quan về đêm. Đây là điều kiện tốt để địa phương hình thành một chợ đêm mang bản sắc riêng.

Hai bờ đi bộ cạnh con kênh ở khu vực cầu ngói Thanh Toàn sẽ được bố trí một số gian hàng nếu chợ đêm ra đời

Nhiều tiềm năng

Ông Nguyễn Mậu Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh cho biết, hiện trung bình mỗi ngày có khoảng 300 lượt khách du lịch nội địa và quốc tế về Thủy Thanh tham quan, vui chơi, tập trung chủ yếu ở khu vực cầu ngói Thanh Toàn, trong đó lượng khách quốc tế có xu hướng tăng. Dịp Festival Chợ quê ngày hội, có khoảng 2.000 lượt khách/ngày về Thủy Thanh. So với các địa phương làm du lịch cộng đồng trong toàn tỉnh, đây là điểm đến thu hút khách du lịch.

Kể từ khi nhà trưng bày nông cụ đi vào hoạt động (năm 2006) và các mô hình trải nghiệm: ẩm thực, nón lá, đánh bắt cá trên sông Như Ý… được áp dụng, du khách về Thủy Thanh nhiều hơn để trải nghiệm đời sống làng quê. Tại các kỳ festival, nhiều người khen chợ quê ban đêm thú vị. Họ cũng thắc mắc: “Liệu Thủy Thanh có thể xây dựng chợ đêm, ngoài dịp festival (?)”.

Hiện nay, Thủy Thanh có một điểm buôn bán về đêm ở bãi đất gần chợ, bày bán ốc, bánh canh, chè… và kinh doanh dịch vụ vui chơi cho trẻ, thu hút người dân địa phương và các vùng lân cận, như Phú Mỹ, Phú Hồ (Phú Vang), Thủy Châu (Hương Thủy) về chơi đêm. Do thiếu quy hoạch nên khu chợ đêm này khá nhếch nhác và chưa phù hợp văn hóa du lịch, khó thu hút du khách.

Dù có quy mô nhỏ nhưng hoạt động buôn bán về đêm tại Chợ quê ngày hội hưởng ứng Festival Nghề truyền thống Huế năm 2017 cũng thu hút đông khách    

Ông Hòa cho rằng, nếu một chợ đêm đúng nghĩa ra đời thì sẽ “lợi nhiều đường”. Theo tính toán của địa phương, chợ đêm Thủy Thanh có thể giải quyết việc làm cho khoảng 70 hộ, chủ yếu là người Thủy Thanh và một số người kinh doanh mặt hàng mà địa phương không có, như tò he, đồ chơi dân gian… “Chợ đêm cũng giúp quảng bá các sản phẩm truyền thống như nón lá, bánh tét... Nếu có chợ đêm, đời sống họ có thể được cải thiện hơn”, ông Hòa bày tỏ. Ở góc độ người kinh doanh, bà Nguyễn Thị Kiềm, chủ cơ sở nón lá, phấn khởi: “Cơ sở nón lá của tôi có nhiều người khuyết tật đang làm nón, nếu chợ đêm ra đời thì vừa quảng bá thương hiệu cho cơ sở mà cũng phần nào giúp họ có thêm thu nhập”.

Một số con đường từ TP. Huế về Thủy Thanh đã được sửa chữa, xây mới khá rộng và thoáng. Đây là điểm thuận lợi để thu hút du khách đi từ TP. Huế về cầu ngói Thanh Toàn. Những điều kiện nói trên là cơ sở để người dân và du khách đặt câu hỏi: “Chợ đêm Thủy Thanh, tại sao không?”.

Đậm bản sắc làng quê

Thủy Thanh đang ấp ủ xây dựng chợ đêm với ý tưởng chính là quy hoạch chợ đêm ở khu vực thường diễn ra Festival Chợ quê ngày hội. Những mặt hàng bày bán tại chợ đêm dân dã, tận dụng nghề nghiệp sẵn có của người dân, trong đó có dịch vụ ăn uống, như: chè, nước giải khát, bánh canh cá lóc, ốc, cơm - bún hến, bánh tét … các hoạt động bài chòi, trò chơi dân gian, giao lưu thơ ca hò vè, đi ghe thả hoa đăng trên sông và các mô hình du lịch cộng đồng trải nghiệm.

Ông Trần Viết Lực, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển du lịch (Sở Du lịch) cho rằng, với không gian hiện tại, địa phương có thể dựng các gian hàng tranh tre nứa lá, tổ chức các hoạt động trải nghiệm ban đêm, sản phẩm du lịch gắn với hình ảnh đồng quê. Để thu hút du khách, chợ đêm nên hoạt động một tháng hai lần vào dịp cuối tuần, vừa để các hộ gia đình kịp sản xuất các sản phẩm phục vụ tại chợ nhưng cũng tránh tần suất dày khiến du khách nhàm chán. “Cũng nên chọn một số loại, hoạt động về đêm như hò giã gạo, giao lưu thơ… để thay đổi luân phiên, tạo không khí mới lạ”, ông Lực nói.

“Sản phẩm du lịch cần có thời gian trải nghiệm. Khi xây dựng chợ đêm, địa phương không nên nóng vội mà phải chờ thời gian, lắng nghe ý kiến du khách và từng bước hoàn thiện. Tôi tin với tính lan tỏa mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông đại chúng, chợ đêm Thủy Thanh nếu xây dựng tốt sẽ có sức hút” - ông Trần Viết Lực, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển du lịch, Sở Du lịch.

Theo ông Hòa, ý tưởng chợ đêm nói trên khá hấp dẫn, được đa phần người dân và nhiều du khách ủng hộ. Tuy nhiên, do còn thiếu hệ thống điện chiếu sáng khu vực xung quanh cầu ngói và đường đi bộ nên chưa thể thực hiện. Ngoài ra, cũng cần phải có kinh phí hỗ trợ đội ngũ bảo vệ an ninh trật tự chợ đêm, vệ sinh môi trường... vì vậy cần sự quan tâm, đầu tư của các cơ quan, ban ngành hữu quan.

Ông Nguyễn Phương Toàn, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin (VH & TT) thị xã Hương Thủy cho biết, Phòng VH&TT và UBND thị xã đã nghiên cứu và có phương án triển khai hệ thống điện chiếu sáng, trước mắt ở một số điểm chính. Ngành văn hóa đang nghiên cứu thêm và sẽ tham mưu các cấp với mong muốn có thể giúp địa phương sớm hình thành được chợ đêm.

Giải pháp nói trên chỉ là bước đầu trong tiến trình xây dựng một chợ đêm mang đậm bản sắc làng quê. Muốn trở thành điểm đến hấp dẫn, cần phải có sự đầu tư hợp lý. Trong bối cảnh nguồn kinh phí ngân sách có hạn, việc hỗ trợ cho địa phương cũng ở mức giới hạn là điều tất yếu, vì vậy địa phương nên tính đến phương án xây dựng từng bước, kêu gọi xã hội hóa và vai trò của những hộ mong muốn tham gia kinh doanh chợ đêm. Bên cạnh đó có thể tìm hướng liên kết các doanh nghiệp làm du lịch để đầu tư cho chợ đêm ngày một hoàn thiện.

Nếu chợ đêm Thủy Thanh được hình thành và được xây dựng theo hướng mới lạ, đậm bản sắc làng quê thì sẽ rất tuyệt vời, điều này cần sự nỗ lực của chính quyền địa phương, người dân và sự quan tâm của các cấp, ban ngành.

Bài, ảnh: Lê Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hương Thủy: Phát động phong trào bơi an toàn

Lễ phát động bơi an toàn, phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em và khai mạc giải bơi học sinh phổ thông TX. Hương Thủy năm học 2023-2024 diễn ra ngày 23/3. Hoạt động do Phòng GD&ĐT và Trung tâm VH,TT&TT thị xã phối hợp tổ chức.

Hương Thủy Phát động phong trào bơi an toàn
Hương Thủy đóng góp nhiều vào sự phát triển chung của tỉnh

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đánh giá như vậy tại hội nghị quán triệt Chỉ thị 42/CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và thông tin về định hướng xây dựng Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Thường vụ Thị ủy Hương Thủy tổ chức ngày 12/3.

Hương Thủy đóng góp nhiều vào sự phát triển chung của tỉnh
Return to top