ClockThứ Tư, 18/07/2012 14:47

Chờ đến bao giờ?

TTH - Dù đã có chủ trương xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại làng bún Vân Cù (Hương Toàn, Hương Trà) gần 2 năm, nhưng đến nay, môi trường ở Vân Cù vẫn trong tình trạng ô nhiễm trầm trọng.

Dân chờ dự án triển khai

Về làng bún Vân Cù những ngày hè đầu tháng 7, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là mùi hôi chua của nước gạo, nước bún cứ xộc thẳng vào mũi. Nước thải từ các lò bún chảy lênh láng ra dọc các đường mương hở, vườn tược nổi màu đen đục, bốc mùi rất khó chịu.

Hàng trăm m3 nước thải qua các công đoạn sản xuất bún tươi ở làng bún Vân Cù được thải trực tiếp ra môi trường mỗi ngày

Cách đây gần 2 năm, người dân ở làng bún Vân Cù khấp khởi vui mừng khi hay tin UBND tỉnh ký quyết định đầu tư 5,3 tỷ đồng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Phương án đưa ra là xây dựng mới 10 tuyến mương có nắp đậy bê tông cốt thép thu gom nước thải tại 10 xóm với tổng chiều dài 3 km. Tại mỗi điểm thu của tuyến mương, có một hệ thống lắng chìm để xử lý nước thải đảm bảo tiêu chuẩn cho phép trước khi thải ra sông Bồ cách đó 20 m. Để đảm bảo thu gom và xử lý, tại mỗi hộ gia đình cần xây dựng hầm biogas, hồ sinh học và tuyến mương nhỏ dẫn nước từ các hộ đấu nối vào hệ thống mương chung.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - Bùi Cách Tuyến từng nhấn mạnh trong chuyến làm việc tại Thừa Thiên Huế gần đây: “Nếu không chú trọng đến bảo vệ môi trường ngay từ bây giờ, thì sau này, chúng ta sẽ phải đầu tư một nguồn vốn lớn hơn nhiều để khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường”.

Thời gian đó, dự án đã thực hiện các bước chuẩn bị như khảo sát, thiết kế, lập dự toán, họp dân. Nhưng đến nay, các bước tiếp vẫn chưa có động tĩnh, trong khi chất lượng môi trường nước mặt, nước ngầm ở làng Vân Cù ngày càng suy giảm, môi trường sống của bà con bị ảnh hưởng nặng. Nguyên nhân dự án chưa triển khai được là do thực hiện Nghị định 11 của Chính phủ về cắt giảm đầu tư công, nên đến nay, nguồn vốn xây dựng công trình trên vẫn chưa được bố trí.

Làng bún Vân Cù hiện có hơn 150 hộ gia đình tham gia sản xuất bún tươi. Mỗi hộ làm khoảng 1 tạ bún/ngày. Có khoảng 30 hộ sản xuất với quy mô lớn từ 2,5- 3,5 tạ/ngày. Hằng ngày, nước thải của một hộ sản xuất bún tươi thải trực tiếp ra môi trường từ 2 - 3m3 nước. Có hộ tận dụng đất vườn rộng, nên cho thải trực tiếp ra vườn. Lâu ngày, lượng nước đọng lại thành ao tù, tạo điều kiện cho côn trùng, ruồi muỗi sinh sôi. Những hộ không có đất vườn thì xả nước thải trực tiếp ra đường mương chung và cuối cùng, đều được đổ ra sông Bồ.

Nhiều hộ còn kết hợp chăn nuôi lợn, gà, vịt để tận dụng nguồn phế phẩm. Do chất thải từ chăn nuôi không được các hộ dân thu gom, xử lý hợp vệ sinh nên càng làm tăng mức độ ô nhiễm, gây phát sinh ruồi muỗi, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt trong khu dân cư. Một người dân trong làng chia sẻ: “Số hộ làm bún tươi chiếm hơn một nửa của làng. Nhà cách nhà là có một lò bún. Cùng là bà con, xóm giềng nên cũng khó ăn, khó nói, bởi đây là nghề mưu sinh được truyền từ đời này qua đời khác rồi!.

Kết hợp đầu tư “công- tư”

Ông Nguyễn Xuân Đạo, Trưởng thôn Vân Cù cho biết, hiện nay, do hoạt động chăn nuôi trong thôn giảm gần 60% nên môi trường còn dễ thở hơn nhiều so với trước đây. Hơn nữa, đã có khoảng 20% hộ gia đình trong tổng số hộ sản xuất bún có đầu tư hệ thống biogas và 10% hộ đầu tư máy móc hiện đại để làm bún, nên phần nào giảm bớt lượng phế thải và nước thải ra môi trường. Tuy nhiên, do tồn lưu từ nhiều năm nay, nên thực trạng ô nhiễm không hề thuyên giảm. Rất nhiều hộ dân vẫn từng ngày mong chờ dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải sớm được thi công để khắc phục hiện trạng trên.

Nước thải từ làm bún, chăn nuôi tù đọng lâu ngày gây ô nhiễm môi trường

Một số ý kiến cho rằng, để cùng chia sẻ, giải quyết khó khăn chung, việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại làng nghề sản xuất bún tươi Vân Cù cũng như ô nhiễm nguồn thải tại các làng nghề khác cần có sự kết hợp đầu tư “công - tư”. Làm như vậy, công trình dự án sẽ sớm được đẩy nhanh tiến độ, ý thức bảo vệ môi trường của các hộ làng nghề được nâng cao hơn.

Ông Nguyễn Sanh Kình, một trong những hộ sản xuất bún có quy mô lớn nhất ở làng bún Vân Cù nêu quan điểm: “Nếu phải đầu tư trọn gói thì chúng tôi chắc chắn không kham nổi. Nhưng chúng tôi sẵn sàng góp công, góp của cùng Nhà nước để làm sao sớm xử lý tốt nguồn nước thải. Bởi chính nguồn nước này không chỉ đang gây ô nhiễm, ảnh hưởng mỹ quan chung của làng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cả đời sống của gia đình”.

Ông Trần Kiêm Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà cho hay, sau khi Hội Nghề sản xuất bún tươi Vân Cù được thành lập vào tháng 3/2012, xã Hương Toàn đã xúc tiến đăng ký thương hiệu cho làng bún Vân Cù. Việc xây dựng thương hiệu cho làng nghề truyền thống vừa tạo chỗ đứng cho sản phẩm, tạo địa điểm du lịch cho du khách, nhưng đồng thời cũng là động lực để làng nghề quan tâm đến vấn đề bảo vệ và cải thiện môi trường. Việc xử lý ô nhiễm tại làng bún Vân Cù cũng là mục tiêu chung cần sớm giải quyết của xã, của thị xã để thực hiện tốt tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Để giải quyết dứt điểm ô nhiễm môi trường tại làng bún Vân Cù, đòi hỏi phải có sự vào cuộc hết sức quyết liệt của chính quyền địa phương, trong đó phải kết hợp vai trò, trách nhiệm của cộng đồng dân cư.

Bài, ảnh: Hoài Thương

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở

Cùng với cả nước, trong tháng 4 này, Thừa Thiên Huế đồng loạt ra quân và tăng tốc thực hiện điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024. Với sự trợ giúp từ phần mềm CAPI (một mô-đun phỏng vấn cá nhân và phỏng vấn thực địa chuyên dụng) trên thiết bị điện tử đã giúp các lực lượng điều tra viên “tăng tốc” trong quá trình thực hiện điều tra.

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở
163 đề tài tham gia Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh năm 2024

Sáng 14/4, tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương, Ban Tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tổ chức lễ khai mạc triển lãm và chấm thi Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh lần thứ XVII, năm 2024. Tham dự có ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành cùng giáo viên, học sinh các đơn vị dự thi.

163 đề tài tham gia Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh năm 2024
Nâng hạng chỉ số DTI

Những năm qua, Thừa Thiên Huế luôn nằm trong tốp đầu về chỉ số chuyển đổi số. Song năm 2023, qua rà soát, trong Bộ chỉ số chuyển đổi số có nhiều nhóm tiêu chí không đạt bền vững, do vậy cần những giải pháp căn cơ để chuyển đổi số trở thành chìa khóa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Nâng hạng chỉ số DTI
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Nông nghiệp huyện Phú Lộc đang từng bước chuyển dịch theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Sản xuất gắn với bảo quản, chế biến, quảng bá và liên kết tiêu thụ sản phẩm nên người dân yên tâm.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
Return to top