ClockThứ Ba, 29/06/2021 09:14

Cho đi yêu thương

TTH - Cô đồng nghiệp cũ bảo: “Chị nên thuê người dọn vệ sinh “sâu”, mỗi tuần một lần, lau chùi mọi ngóc ngách, cầu thang, cửa kính sáng bóng, để giữ nhà mới được lâu”. Ban đầu tôi từ chối, vì nhà cửa cũng chẳng to lớn, người trong nhà tranh thủ lau chùi, dọn dẹp cũng ổn. Thuê người làm gì cho tốn thêm một khoản chi tiêu.

Bạn: “Mỗi tháng 4 buổi, mỗi buổi 4 tiếng đồng hồ, chị ấy lấy tiền công 500 nghìn đồng. Mà chị ấy làm tận tâm, có trách nhiệm lắm, lại thật thà. Biết là thêm một khoản, nhưng so với thu nhập của tụi mình thì vẫn chấp nhận được. Tốn có “tí xíu”, mà đỡ mệt, nhà cửa được dọn “chuyên nghiệp” hơn. Với lại, tạo thêm cơ hội kiếm tiền cho người ta. Nghe đâu chồng chị ấy bệnh tật, không làm được việc nặng. Con gái còn đi học nên chị là trụ cột của gia đình. “Chị ấy đang làm cho mấy nhà, bây giờ nếu được thêm nhà chị nữa thì thu nhập tầm 5 triệu đồng mỗi tháng”.

Mấy câu cuối của bạn khiến tôi quyết định sẽ nhờ chị dọn dẹp nhà cửa vào mỗi ngày cuối tuần. Quả thật, chị làm việc rất tận tâm. Cửa kính, cầu thang cứ sáng bóng lên. Mọi ngóc ngách cũng chẳng còn hạt bụi. Ngoài số tiền công, tôi vui vẻ thưởng thêm chút ít, nhưng chị nhất quyết không nhận. Chị nói công việc của chị không phải ngày một ngày hai. Gia đình nào cũng phải lo toan bao nhiêu khoản, chị chỉ nhận đúng tiền công của mình. Nếu được, có mối nào cần, giới thiệu thêm cho chị đến làm, thì chị rất cảm ơn. Chị sẵn sàng bỏ thêm sức lao động.

Thấy chị làm tốt, nhiều gia đình mà chị đang làm giới thiệu cho người quen có nhu cầu dọn dẹp theo giờ. Bận rộn, vất vả hơn, nhưng chị vui lắm vì thu nhập cao hơn. Tính chị kín đáo, nên tôi cũng giữ ý, không hỏi han nhiều về cuộc sống gia đình chị. Trong một lần gặp, cô đồng nghiệp cũ giọng xúc động kể cho tôi điều cô mới biết thêm về “chị dọn nhà”. Chuyện là, con trai nhỏ của bạn có tiết luyện chữ tại nhà một cô gia sư ở khu vực khá xa trung tâm, nên buổi chiều muộn bạn thường đến đợi đón con. Thì ra, nhà “chị dọn nhà” cũng ở khu vực đó. Nhiều lần cô thấy chị mang đồ ăn nấu sẵn sang cho bà cụ nhà cạnh bên. Tìm hiểu mới biết, bà cụ không chồng con, sống bằng nghề bán vé số. Nay cụ tuổi càng nhiều sức khỏe càng không tốt, mưu sinh ngày có ngày không, nên chị thường xuyên hỏi han, chia sẻ.

Tôi đánh bạo hỏi chuyện. Chị “ngại ngần” bảo, gia đình ăn gì thì chia sẻ chút ít với bà cụ, cũng chỉ là rau dưa đạm bạc, có đáng là bao. Tôi muốn nói với chị là đáng lắm chứ,vì công việc lao động phổ thông vất vả, tiền kiếm được thật khó khăn, cũng không nhiều nhặn gì, nhưng chị sẵn lòng cho đi, sẻ chia với người khác. Thứ chị cho đi là yêu thương ấm áp, là niềm tin cuộc đời này còn có rất nhiều người tốt…

Duy Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Thấu hiểu để yêu thương

Mang đến những hiệu quả rõ rệt trong công tác tuyên truyền và bảo vệ quyền trẻ em, thời gian gần đây, Hội Bảo vệ quyền Trẻ em (BVQTE) tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tăng cường sự gắn kết, thấu hiểu giữa phụ huynh và con trẻ.

Thấu hiểu để yêu thương
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Return to top