ClockThứ Tư, 12/10/2011 21:03

Chợ Dinh bán áo con trai…

TTH - Trong lịch sử, từng có một phố chợ Dinh, một chợ Dinh, cùng một Dinh Ông. Khi lên ngôi, vua Gia Long đã cho đào kênh Đông Ba biến vùng đất ở phía bên kia bao bọc bởi một nhánh của sông Hương, có từ thời các chúa Nguyễn, thành ốc đảo và trên bản đồ thực hiện năm 1819, L.Rey gọi là đảo Chợ Dinh. Cũng chính vua Gia Long đã cho bắc cây cầu gỗ An Hội và sau đó năm 1837, vua Minh Mạng đổi thành Gia Hội. Đây là cơ sở cho sự ra đời của phố Chợ Dinh xưa, bắt đầu từ cầu Gia Hội (đường Chi Lăng hiện nay). Phố Chợ Dinh có “chợ Dinh bán áo con trai”. Và khi quan Thượng thư Trần Tiễn Thành đến xây dựng tư dinh ở phía bên kia đường đối diện thì chợ được đặt tên chợ Dinh.

Chợ Dinh xưa không phải là ngôi chợ xập xệ còn đến hôm nay. Chuyện thế này, sau năm 1954, một số dân di cư từ miền Bắc được chính quyền cũ đưa vào Huế và cho định cư tại khu vực Bãi Dâu, lập nên làng Đại Phong. Do nhu cầu dân sinh, một ngôi chợ đã được lập tại ven đường Chi Lăng, phía trên bến đò chợ Dinh. Chợ chỉ đông vào buổi sáng. Dân chúng còn gọi là chợ Phú Mỹ. Chợ Phú Mỹ nằm sát bến đò chợ Dinh nên gọi là chợ Dinh cũng đúng thôi.

Thời của “Chợ Dinh bán áo con trai” cũng là thời chiếc áo vải thô nặng trịch. Trong cảnh vạt áo vá vai, chuyện áo quần cho con trẻ, các bậc cha mẹ nghèo cũng không có cách nào hơn, thường phải tận dụng đồ phế thải của người lớn để may lại. Áo may đơn giản, không cầu kỳ trai gái, cốt có để mặc. Nắm bắt nhu cầu đó của người đời, một số kẻ tìm mua quần áo cũ đem về may lại đồ con nít đủ cỡ, rồi đem “bỏ chợ” như một nghề kiếm sống. Chiếc áo phi nam phi nữ kia, muốn cho dễ ngó thì có anh thợ nhuộm, cứ thuê nhuộm đủ màu để người mua tha hồ lựa chọn.
Tôi từng sống ở ngay trên nền đất cũ của chợ Dinh xưa. Đó là vào thời điểm những năm 1979 và 1980 của thế kỷ XX khi theo học nội trú chuyên văn tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) đặt tại Trường THCS Nguyễn Du. Lúc đó, nó là Trường Quang Hoa ở địa chỉ số 118 Chi Lăng, ngã rẽ từ đường Chi Lăng và đường Nguyễn Du hiện tại, và nay là một cơ sở mẫu giáo của phường Phú Cát. Sử cũ ghi lại, sau khi “Chợ Đông Ba đem ra ngoài giại” thì chợ Dinh cũng được dời lên khu chợ mới, sáp nhập với chợ Đông Ba. Trên nền đất của chợ cũ, Nhà nước cho xây một hí trường làm nơi giải trí cho viên chức Pháp- Việt. Sau đó bán lại cho người Hoa làm Trường Quang Hoa cho con em Hoa kiều đến học.

Một góc đường Chi Lăng hôm nay. Ảnh: Internet

 
Cũng mấy chục năm trước, tôi từng nhiều lần thả bộ dọc theo con đường Chi Lăng. Thời đó, chưa xây dựng cơi nới nhiều, đường phố Chi Lăng in sâu trong ký ức tôi dáng dấp của một khu phố cổ hiếm có vào bậc nhất nước Nam ta, nhiều bí ẩn với không ít phủ phòng của ông Hoàng bà Chúa Nguyễn Phước tộc, đền chùa của người Hoa xưa, rạp chiếu phim cùng những địa chỉ văn hoá đáng nhớ. Tôi đã không ngờ rằng, mình đã trải qua những tháng ngày đẹp ngay trên phố Chợ Dinh lịch sử, đã ở ngay tại Chợ Dinh “bán áo con trai” xưa và hằng ngày đối diện với Dinh Ông. Tất cả như một bất ngờ thú vị dành cho tôi khi đọc lại những trang sách sử.
Phố cổ Chợ Dinh xưa, phố Chi Lăng nay, mà có người từng đề xuất xây dựng nên một tour du lịch cho Huế, giờ còn có thêm danh xưng phố cũ khi những công trình kiến trúc nhà cửa ngày càng cũ kỹ theo thời gian nhưng lại thiếu những sự sửa chữa kịp thời. Cũng có những công trình, đặc biệt là nhà ở của dân được xây dựng mới trên con phố này, nhưng nó không hoà nhập được với không gian xưa, thành ra con phố giống như chiếc “áo con trai” màu mè và thô thiển xưa từng làm nên một danh xưng Chợ Dinh nổi tiếng. Nghĩ cũng đáng buồn…
 

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top