ClockThứ Bảy, 18/02/2017 12:56

Chợ Đông Ba: Cải tạo phần “xác”, thay đổi phần “hồn”

TTH - Với lịch sử gần 120 năm hình thành và phát triển, chợ Đông Ba không chỉ là nơi giao thương, mua bán trao đổi hàng hóa mà còn là điểm du lịch, văn hóa nổi tiếng của cả nước. Tuy nhiên, nếu không tính các giải pháp kịp thời, chợ Đông Ba có thể mất đi những giá trị cốt lõi.

“Sẽ khó giữ thương hiệu”

Cách đây chừng 5 năm, UBND TP. Huế đã từng tính tới giải pháp cải tạo xây mới lại chợ Đông Ba cho phù hợp với xu thế mới. Thế nhưng, chủ trương đó chưa thể thực hiện do lợi ích giữa chủ đầu tư với tiểu thương chưa hài hòa, hai bên chưa tìm được tiếng nói chung nên dự án phải dừng lại. Từ đó đến nay, nhiều lần những người trong cuộc, nhất là các nhà nghiên cứu Huế mỗi khi có dịp đều nhắc đến vấn đề này và chung mong muốn là tỉnh sớm có giải pháp đối với chợ Đông Ba.

Chợ Đông Ba là nơi mưu sinh của nhiều người. Ảnh: Ngọc Sơn

Sở dĩ việc cải tạo, sửa chữa, nâng cấp chợ Đông Ba được bàn tới là bởi quá trình hình thành và phát triển gần 120 năm qua của chợ Đông Ba đã bộc lộ nhiều bất cập, mà điển hình và đập vào mắt du khách là hình ảnh nhếch nhác, chật chội, lô hàng chính, hàng bạ ngày bành ra, lối đi giữa các gian hàng ngày càng chật hẹp…, chưa tương xứng với vị thế ngôi chợ mang tầm quốc gia và là một trong những điểm đến được du khách yêu thích.

Theo Ban quản lý chợ Đông Ba, từ sau 1987 đến nay, chợ Đông Ba gần như không được nâng cấp sửa chữa, các hạng mục đang sử dụng ngày càng xuống cấp. Có thể nhìn thấy điều này qua cầu thang, mái lợp, hệ thống điện, thoát nước… đều đã cũ kỹ, chưa đáp ứng nhu cầu của tiểu thương, người dân và du khách khi đến tham quan, mua sắm. Thế nên, quan điểm của đơn vị quản lý là ủng hộ chủ trương cải tạo, nâng cấp, thậm chí xây mới để phù hợp với xu hướng phát triển chung. Vấn đề là xây như thế nào và quản lý ra sao cho phù hợp, khi lượng tiểu thương buôn bán, kinh doanh trực tiếp tại chợ đã gần con số 3.000 người và chưa kể đến lao động gián tiếp sống nhờ vào thu nhập từ hoạt động kinh doanh, làm thuê tại chợ Đông Ba - ước tính cũng tương đương con số đó. Do thế, bài toán cải tạo, xây lại chợ Đông Ba dù đã được tính đến song đáp án, lời giải không chỉ cần đúng mà còn hợp lý cho đại đa số tiểu thương là điều cần được cân nhắc.

Tại buổi làm việc giữa lãnh đạo tỉnh với TP. Huế về tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 và kế hoạch năm 2017 diễn ra hồi đầu năm 2017, ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Sở Công thương đề nghị TP. Huế nên sớm có kế hoạch, giải pháp cho chợ Đông Ba, không thể kéo dài hoạt động như hiện nay, nếu không sẽ khó giữ được thương hiệu chợ Đông Ba. Ông Thanh cũng dẫn chứng những vấn đề tồn tại, trong đó, ngoài cơ sở vật chất xuống cấp, hàng bạ, hàng rong lấn chiếm, kiểu mua bán cũ vẫn chưa thể thay đổi, trong đó, điều mà ông Thanh đề cập đến là những tồn tại trong văn hóa kinh doanh, mà điển hình là tình trạng nói thách, hét giá vẫn khá phổ biến, dù cơ quan quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt đối với hành vi không niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.

Vấn nạn nói thách, hét giá, dù không mới, song hiện nay vẫn còn tồn tại và khá nhiều du khách tỏ ra lo lắng, ái ngại khi mua hàng hóa tại chợ Đông Ba. Đây là điều cần sớm loại bỏ ở một ngôi chợ vốn nổi tiếng bởi những nét đẹp trong văn hóa mua bán, kinh doanh có từ lâu đời như chợ Đông Ba.

Không chỉ là nơi mua bán

Lại nói về những nét đẹp trong mua bán, kinh doanh tại chợ Đông Ba, một số nhà nghiên cứu Huế cho biết, ngày xưa ở chợ Đông Ba, người bán hàng khá nhã nhặn, ăn nói nhẹ nhàng, trang phục lịch sự, các chị, các mẹ đều mặc áo dài. Khi đến mua hàng, tham quan, du khách, người mua cũng vì thế mà lịch sự, thân thiện, vui vẻ. Cũng ở chợ Đông Ba, gần như các sản vật nổi tiếng của Huế đều được trưng bày, bán cho du khách, người dân và chia từng khu vực cụ thể. Ai cần mua đặc sản gì của Huế làm quà tặng chỉ cần đến chợ Đông Ba là có mà giá cả phải chăng, không có tình trạng nói thách, hét giá, đánh tráo hàng, gian lận thương mại.

Cơ sở vật chất tại chợ Đông Ba chưa đáp ứng nhu cầu của người kinh doanh. Ảnh: T. Huệ

Thế nên, trong một cuộc tọa đàm, lấy ý kiến về việc phục dựng một số công trình trên địa bàn TP. Huế hay một số vấn đề về văn hóa, môi trường du lịch, khá nhiều ý kiến của những người yêu Huế đã đề cập đến vấn đề cải tạo lại chợ Đông Ba, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Trong đó, điều mà những nhà nghiên cứu, chuyên gia, người yêu Huế muốn gửi gắm là dần thay đổi văn hóa kinh doanh, mua bán tại chợ Đông Ba theo hướng lịch sự, văn minh như đã từng có, để chợ Đông Ba không chỉ là huyền thoại của thời xa xưa mà còn là nét đẹp của mô hình chợ kiểu mới, kiểu của văn minh, lịch sự, bán hàng đúng giá.

Liên quan đến vấn đề vừa nêu, trong một số diễn đàn, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân từng mô tả về chợ Đông Ba hiện nay bằng 4 từ: “Chật chội, nóng nảy, ồn ào và hôi hám”. Thế nên, ông khá đồng tình với việc cải tạo, xây mới, song phải đáp ứng các tiêu chí của một ngôi chợ hiện đại, trong đó cần loại bỏ hoàn toàn việc nói thách và tiểu thương cần biết tiếng Anh. Điều lưu ý khác, theo ông Xuân, khi cải tạo chợ Đông Ba là phải phù hợp với kiến trúc, cảnh quan hai bờ sông Hương. Do đó, cần có một mặt hướng ra sông để du khách sau khi đi thuyền ngắm cảnh sông Hương có thể lên chợ mua sắm hàng hóa. Chợ mới còn phải đáp ứng là nơi mua sắm các đặc sản Huế, shopping nhưng không phải là siêu thị.

Trở lại với buổi làm việc giữa lãnh đạo tỉnh với TP. Huế, khi kết luận các vấn đề liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cho hay, trong đề án phát triển thương mại tỉnh đến 2020 đã đưa chợ Đông Ba vào kế hoạch cải tạo, sửa chữa. Tuy thế, việc này cần có kế hoạch cụ thể và với chủ trương xã hội hóa trong kêu gọi đầu tư. Trước đây đã có doanh nghiệp tính toán kết hợp cải tạo chợ Đông Ba với chợ đầu mối khu vực Chương Dương, tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, song do một số vướng mắc nên tỉnh chưa đồng thuận giao doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư. Hiện tỉnh đang xem xét kêu gọi đầu tư, nếu có doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu, nhất là hài hòa lợi ích giữa tiểu thương, doanh nghiệp sẽ triển khai dự án.

Tuy thế, theo ý kiến của phần đông người được hỏi về việc cần làm trước mắt để “giữ” chợ Đông Ba trong lòng du khách không hẳn là nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất mà cần thiết phải thay đổi văn hóa kinh doanh, mua bán, khi chính điều đó mới làm nên giá trị đích thực, giúp hình ảnh chợ Đông Ba luôn đẹp trong lòng du khách, để mỗi khi nhắc đến không chỉ người Huế mà cả nước phải tự hào về khu chợ có truyền thống văn hóa lâu đời ở Việt Nam.

TÂM HUỆ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thay đổi mạnh mẽ nhận thức, hành động từ học Bác

Với Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Quảng Điền, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được cụ thể hóa vào công việc thường nhật, phù hợp với nhiệm vụ chính trị và chuyên môn được giao.

Thay đổi mạnh mẽ nhận thức, hành động từ học Bác
Người tốt ở Đông Ba

Những hành động tử tế tại chợ Đông Ba giúp ngôi chợ hơn 124 tuổi ngày càng xây dựng được hình ảnh thân thiện, văn minh.

Người tốt ở Đông Ba
Huế xưa Huế mới

“Huế cổ kính, mà luôn luôn mới mẻ, bất ngờ. Ai đã từng dành trọn buổi sớm mai sương khói hay buổi chiều tà mát mẻ đi một vòng dọc hai bờ sông Hương mới cảm nhận được sức sống kỳ diệu của thành Huế bây giờ… Huế đi lên từng ngày, dần xứng tầm là một đô thị di sản, một trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu tương lai của nước nhà, của khu vực” - Đó là những cảm nhận sâu sắc của một người bạn xa về một Huế “muôn đời đẹp và thơ”.

Huế xưa Huế mới
Return to top