ClockChủ Nhật, 27/06/2021 11:33

Chờ giải pháp vĩ mô

Hỗ trợ gia hạn nộp thuế bằng phương thức điện tửHỗ trợ khách hàng khó khăn do dịch COVID-19Ảnh hưởng do dịch Covid-19, doanh nghiệp mong sự hỗ trợ trực tiếpTăng tốc phát triển kinh tế- xã hội trong trạng thái mớiHỗ trợ chính sách thuế theo hướng thích ứng

Câu chuyện doanh nghiệp (DN) khó tiếp cận chính sách hỗ trợ có lẽ không chỉ xảy ra ở thời điểm hiện tại, trong tình hình dịch COVID-19. Rất nhiều chính sách trước đó, như gói hỗ trợ tín dụng của Chính phủ 30 ngàn tỷ đồng hỗ trợ vay mua nhà ở, gói hỗ trợ an sinh xã hội 63 ngàn tỷ đồng… không chỉ DN mà người dân cũng rất khó tiếp cận. Gần như các gói hỗ trợ vừa nêu đều kéo dài tiến độ giải ngân do vướng rất nhiều thủ tục buộc phải bổ sung, điều chỉnh. Gần đây, các hỗ trợ về giảm lãi suất, điện nước, thuế, phí… được đánh giá là kịp thời, hữu ích song không phải DN nào cũng tiếp cận được, do khoảng cách từ chủ trương đến thực tế còn quá xa. Phần khác dù có DN được hỗ trợ, song do ngừng hoạt động nên những chi phí điện, nước không đáng kể.

Theo số liệu từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cả nước có hơn 87% DN bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19. Trong đó, các lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bao gồm dệt may, thông tin truyền thông, DN có vốn đầu tư nước ngoài, DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch - dịch vụ… Đó cũng là lý do khiến lượng DN rút khỏi thị trường đạt con số kỷ lục: 100.000 DN trong năm 2020, kéo theo hệ lụy khiến cho mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm này ở mức thấp nhất, chỉ bằng khoảng một nửa so với những năm trước.

Tại Thừa Thiên Huế, dù số lượng DN không nhiều, khoảng hơn 7.000 DN và đa số là nhỏ và siêu nhỏ, song số lượng DN giải thể, ngừng hoạt động trong những tháng đầu năm nay đã hơn 700, chiếm tỷ lệ khoảng hơn 10% trên tổng số các DN đang hoạt động. Điều đó đã phần nào cho thấy những tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với DN. Tuy nhiên, đó chưa phải là con số cuối cùng, bởi rất nhiều DN dù chưa thông báo giải thể, ngừng hoạt động nhưng đã trong tình trạng “ngắc ngoải, chết lâm sàng”, nhất là các DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, trong đó có vận tải du lịch.

Theo thống kê từ Sở Giao thông vận tải, toàn tỉnh hiện có 5 DN vận tải du lịch có quy mô lớn, riêng các DN quy mô nhỏ thì số lượng khá nhiều. Song, có điểm chung là đa số các DN đều tạm thời ngưng hoạt động do ảnh hưởng của COVID-19, khách du lịch không thể đến Huế. Đại diện một số DN cho hay, chỉ riêng việc trả gốc, lãi ngân hàng trong thời gian ngừng hoạt động, không có nguồn thu đã khiến họ “hụt hơi”. Về các khoản hỗ trợ, theo lãnh đạo một DN vận tải du lịch, dù đã thống kê, gửi báo cáo 3 lần sau ba đợt dịch trước, song đến nay họ vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ nào. Đó có lẽ là câu chuyện không chỉ riêng DN hoạt động ở lĩnh vực vận tải du lịch.

Tại hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn về chính sách để DN vượt qua COVID-19 do VCCI tổ chức giữa tháng 3 vừa qua, đa số DN đánh giá cao sự vào cuộc kịp thời của Chính phủ bằng những chủ trương, chính sách rất thiết thực. Tuy nhiên, việc tiếp cận các chính sách còn gặp nhiều trở ngại. Đại đa số DN chỉ tiếp cận được các chính sách về tài khóa như gia hạn đóng thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng. Các chính sách khác rất khó tiếp cận, trong đó có chính sách tiền tệ về việc vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động.

Rõ ràng, câu chuyện DN khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ là thực tế cần được nhìn nhận thấu đáo để sớm có giải pháp tháo gỡ ở tầm vĩ mô. Mà cụ thể ở đây là các thủ tục cần được cải cách theo hướng cụ thể, đơn giản nhất. Thời gian thực hiện các quy trình, thủ tục cũng cần được rút ngắn tối đa, tránh trường hợp từ khi đề xuất hỗ trợ đến khi được hỗ trợ thì DN đã phá sản.

Về phía DN, ngoài chờ đợi sự hỗ trợ từ Nhà nước (giải pháp ngắn hạn) cũng cần có chiến lược dài hơi (giải pháp lâu dài) để tồn tại và phát triển, trong đó, chuyển đổi mô hình hoạt động và tìm hướng đi phù hợp trong trạng thái bình thường mới là giải pháp cốt lõi, nếu không muốn đứng bên bờ vực phá sản.

TÂM HUỆ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đề nghị thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh và làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu có hành vi thao túng thị trường.

Đề nghị thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng
Giảm thiểu nguy cơ mất an toàn trong tiếp cận thông tin tài chính

Tăng hiểu biết cho người dân, nhất là đối tượng người yếu thế, người già, phụ nữ, các đối tượng chính sách, người dân vùng sâu, vùng xa… về tài chính không chỉ tăng khả năng tiếp cận tín dụng giúp họ độc lập trong phát triển kinh tế, mà còn giảm thiểu được những rủi ro tài chính, nguy cơ mất an toàn trong tiếp cận thông tin tài chính.

Giảm thiểu nguy cơ mất an toàn trong tiếp cận thông tin tài chính
Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống

Các nước trên toàn thế giới đã dành 2 năm qua để soạn thảo một hiệp ước quốc tế về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Nhưng hiện vẫn còn khá xa để đạt được đồng thuận về các vấn đề quan trọng như công bằng vaccine và giám sát mầm bệnh.

Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống
Return to top