ClockThứ Bảy, 11/07/2015 12:04

Chợ giữa trùng khơi

TTH - Giữa nhịp sống Biển Đông sôi động, không chỉ có những tàu cưỡi sóng đánh bắt cá tôm, mà còn có thêm những “đội quân” dịch vụ hậu cần nghề cá. Việc phối hợp, hỗ trợ nhau làm ăn trên biển đã giúp những chuyến tàu vươn khơi xa, tiết kiệm chi phí đánh bắt…

Nhộn nhịp bán mua

Gặp được những ngư dân là chủ tàu dịch vụ hậu cần nghề cá không phải dễ. Ông Phan Văn Chinh, Chủ tịch Hội nghề cá thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) nói, họ ở trên thuyền, nơi cảng cá nhiều hơn ở nhà. Buổi sáng họ ra khơi, vài ngày sau, trưa mới về tới cảng, tất bật bán mua nên không lúc nào rảnh.
Thương lái thu mua cá tại cảng Thuận An từ các tàu hậu cần
Giữa trưa, cảng Thuận An nắng rát mặt người, vẫn không ngăn được bước chân của những ngư dân đánh trần trùng trục, bốc dỡ từng mẻ cá từ thuyền lên, Ngơi tay, anh Lê Văn Ngọc (41 tuổi, trú thôn Tân Bình, chủ tàu dịch vụ hậu cần số hiệu TTH 94899) cho biết: “Tàu tui đi chuyến này là trọn một tuần, sáng nay mới vô tới. Vừa bán xong mẻ cá 30 tấn cho các thương lái tại cảng, lao động trên thuyền đang chuẩn bị xay đá, mua nhu yếu phẩm để chuẩn bị cho chuyến ra khơi tiếp theo.”
Tàu anh Ngọc công suất 500 CV, là loại tàu vừa kết hợp dịch vụ hậu cần với chiếu đèn vây lưới đánh bắt trên biển. Một chuyến đi của tàu anh Ngọc với 10 lao động thường kéo dài ít thì 3-4 ngày, nhiều khi lên 9-10 ngày, vì thế hàng hóa bốc dỡ gồm đá và nhu yếu phẩm mang ra “chợ” giữa biển bán thường 3-4 tấn.
Anh Ngọc nhẩm tính: “Mỗi chuyến đi “ngốn” hơn cả 1.000 lít dầu cùng nhiều chi phí khác, nên tàu tui phải kết hợp bán thêm nhu yếu phẩm trên biển; rồi thu mua cá từ các tàu ở Huế, Quảng Bình, Bình Định vào bán cho thương lái tại cảng mới có lãi. Cứ 1 tấn cá lãi 2-3 triệu đồng (tùy loại), nên thuyền chở trên 30 tấn mới có ăn. Mỗi chuyến thu khoảng 100 triệu đồng, chi phí hết 35 triệu đồng, còn lại ăn chia với 10 lao động trên tàu.”
Trước đây, gia đình anh Ngọc vốn đi ghe đánh bắt gần bờ, hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2013, anh em hùn vốn, anh Ngọc vay thêm 200 triệu đồng từ ngân hàng, đầu tư 1,6 tỷ đồng mua tàu 500 CV làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Cũng như nhiều chủ tàu khác, ngư dân Trần Văn Nam (32 tuổi, thôn Tân Bình, chủ tàu dịch vụ hậu cần số hiệu TTH 90223) sau khi “tiếp quản” tàu từ bố là ông Trần Văn Lu, anh Nam đã đầu tư, nâng cấp công suất tàu để làm dịch vụ hậu cần kết hợp bám biển. Tàu anh Nam công suất 450CV, mỗi chuyến vào bờ tàu anh đều mua lương thực, nước ngọt, rau tươi và đá ra để bán lại cho các tàu đánh bắt trên biển. Tàu anh Nam cũng có đầu tư thêm máy phát điện công suất lớn để kết hợp với các chủ tàu cá khác chiếu đèn vây lưới đánh bắt cá, ăn chia lợi nhuận với các chủ tàu cá bạn.
Anh Nam tâm sự: “Mỗi chuyến ra khơi, mình mua vài tấn hàng hóa nhu yếu phẩm, dầu, nước ngọt ra bán hoặc “mua giùm” cho các chủ tàu. Mình kết hợp với việc sau khi bán nhu yếu phẩm cho họ thì chủ tàu bán cá lại cho mình. Làm như thế sẽ tiết kiệm chi phí đánh bắt, đi được dài ngày hơn. Ngoài ra, mình chiếu đèn vây lưới cá, mỗi đợt đánh bắt từ 5-7 tấn cá gai, ăn chia hoặc mua lại số cá vào bán tại cảng từ 10-11 nghìn đồng/kg cũng có lãi.”
Anh Nam thường kết hợp làm ăn với các chủ tàu cá như các ông Ngô Đức Xuyên, Ngô Đức Pháp (xã Phú Thuận). Việc kết hợp bán buôn trên biển không chỉ các tàu hậu cần có lãi, mà còn giúp các chủ tàu cá xa bờ đi hết tuần trăng, giảm chi phí xăng dầu, tăng hiệu quả đánh bắt.
 
Hỗ trợ để vươn khơi xa
“Toàn thị trấn có 62 chiếc thuyền công suất từ 90CV trở lên, sản lượng đánh bắt đạt 7.650 tấn/năm. Trong đó, đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá có 23 chiếc. Thời gian qua, sự hỗ trợ nhau giữa các tàu dịch vụ hậu cần cùng các tàu xa bờ đã làm giảm chi phí, giúp các chủ thuyền bám biển dài ngày hơn.”.
Ông Hà Thanh Hoài, Cán bộ phụ trách nông-lâm-thủy sản thị trấn Thuận An cho biết
Các chủ tàu hậu cần thường kết hợp đánh bắt xa bờ, nên việc hỗ trợ nhau trên biển rất cần thiết. Ngồi nhớ lại những lần ngư dân hỗ trợ nhau, anh Lê Văn Ngọc nói như tri ân: “Việc hỗ trợ nhau trên biển đã có từ xưa, nhưng từ khi vào Tổ đội đoàn kết mới thực sự hiệu quả. Năm 2014, tàu công suất 500 CV của tui không may bị gãy bánh lái khi cách bờ hơn 100 hải lý. Liên lạc qua bộ đàm, may sao có tàu dịch vụ hậu cần gần đó của ông Trần Văn Hải (thôn Hải Bình) kéo vào cảng Thuận An. Đợt đó, tàu tui đi được 6 ngày, mua 38 tấn cá bánh lái, cá gai. Nếu không có tàu anh em hỗ trợ kéo vào cảng để kịp bán số cá đó thì chuyến đó tàu mình lỗ cả trăm triệu bạc.”
Ngoài hỗ trợ nhau trong lúc hoạn nạn, các chủ tàu dịch vụ hậu cần còn mua giúp các chủ tàu cá đánh bắt trên biển các vật dụng, nhu yếu phẩm từ đất liền ra để giúp họ đánh bắt dài ngày. Đổi lại, các chủ tàu cá này bán cá trực tiếp cho tàu hậu cần. Đây là cách kết hợp làm ăn hiệu quả trên biển.
Ngư dân Trần Văn Nam cho biết: “Nếu mình làm ăn đơn lẻ, không có mối mua cố định rất dễ bị ép giá. Anh em hỗ trợ nhau có điểm lợi là có khi tàu mình mới mua chỉ được 3-4 tấn cá thôi; không biết hôm sau có mua được nữa không nếu để số cá dài ngày sẽ hư hỏng, không bán được; nên các chủ tàu dịch vụ thường kết hợp với nhau, có tàu nào vào thì mình “gửi” số cá đó theo tàu vào cảng, trong đó có vợ con tiếp nhận, bán lên các chợ đầu mối. Kết hợp làm ăn sẽ không thua lỗ.”
Không chỉ hỗ trợ nhau trên biển, các thương lái mua cá cố định ở các tàu hậu cần nơi cảng Thuận An còn đầu tư tiền bạc và hợp đồng ăn chia với các chủ tàu cá này. Bà Dương Thì Ngọt (59 tuổi, trú thôn Tân Lập), một thương lái cho hay: “Để có mối mua cá cố định, tui đầu từ 400 triệu đồng cho 4 chủ tàu cá hậu cần tại cảng. Ngoài việc các tàu này sau khi thu mua cá phải bán cho mình; đến cuối mùa trăng, mình ăn chia lợi nhuận với chủ tàu. Cách làm này giúp các chủ tàu kẹt vốn có thể linh động làm ăn được.”
Mỗi ngày bà Ngọt thu mua từ 4-5 tấn cá các loại mang bán lại cho các chủ cửa hàng cá ở chợ đầu mối. Nhờ cách kết hợp làm ăn này, nhiều chủ tàu hậu cần không chỉ có “đầu ra” cố định mà còn tạo điều kiện làm ăn cho hàng trăm lao động trên các tàu.
Bài, ảnh: Hà Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng

Trước những chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các đơn vị liên quan đã có nhiều hoạt động phối hợp tăng cường kiểm tra các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng. Theo đó, chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước đã dần thu hẹp.

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng
Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Sáng 24/4, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã tham dự buổi họp trực tuyến với Chính phủ về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) quý I, nhiệm vụ quý II năm 2024. UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Tăng cung để hạ nhiệt giá vàng

3.400 lượng vàng đã trúng thầu trong phiên đấu thầu vàng đầu tiên sau 11 năm tạm ngừng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ghi nhận trên thị trường, giá vàng đã giảm khá mạnh do ảnh hưởng từ thị trường thế giới cũng như thông tin về đấu thầu vàng miếng thành công.

Tăng cung để hạ nhiệt giá vàng
Return to top