ClockThứ Năm, 27/10/2011 05:58

Chợ làng thoáng gặp

TTH - Ngôi chợ làng đầu tiên ở Huế mà tôi biết là chợ Hôm- Dạ Lê. Đơn giản, đó là ngôi chợ của làng quê tôi, nằm ven trên Quốc lộ 1A. Chợ đông vào buổi chiều và kéo dài đến chạng vạng tối. Ngày còn bé sống ở quê, nhà tôi ở gần chợ, mẹ vẫn thường sai tôi đi chợ, kiểu như mua cục đường, tý muối…mà đôi khi vì bận rộn việc đồng áng hay đi chợ mà mẹ quên không nhớ. Không hiểu từ bao giờ, tôi thích cái không gian chợ làng, mơ mình sau này có căn nhà ở chợ để có thể đêm ngày chứng thực không khí tấp nập và đông vui với người mua và kẻ bán.

Lớn lên một tý, tôi hiểu được rằng, không chỉ làng tôi có chợ mà hầu như làng quê nào trên mảnh đất xứ Thần kinh này cũng đều có chợ. Nơi nào không có chợ thì khổ lắm, buồn lắm và cũng kém phát triển lắm. Tôi thích và ấn tượng bởi cách đặt tên chợ ở các làng quê Huế. Nó có thể đặt theo tên sông đi qua, đặc điểm địa hình, đặc điểm sinh hoạt kinh tế văn hoá, tên tục của làng…và thường có 2 tên gọi khác nhau, kiểu như chợ Phú Lễ (tên làng ở Quảng Điền) còn có thêm một tên gọi là Bái Đáp (tên sông) hay như chợ Đan Lương còn gọi là chợ Cầu.

Rõ ràng, đã có sự khôn ngoan và hợp lý đến lạ lùng của người Huế xưa trong chọn vị trí đặt chợ làng. Chợ thường nằm ở đầu hay giữa làng, thuận lợi về mặt giao thông thuỷ, bộ. Một số chợ nổi tiếng trong lịch sử tập trung gần các trung tâm chính trị, như chợ Hương Cần gần phủ Phước Yên, chợ Hạ Lang nằm gần phủ Bác Vọng hay chợ Được, chợ Dinh nằm gần kinh thành Phú Xuân. Chợ chủ yếu thuộc phạm vi chợ làng. Có thể do nhu cầu phát triển mà chợ làng trở thành chợ liên làng, kiểu như chợ Ngũ Xã ở Quảng Điền, nhưng nó tuyệt nhiên không hề có kiểu chợ huyện, chợ phủ áp đặt đúng nghĩa theo lối tư duy hành chính.

Chợ nón Dạ Lê. Ảnh: Internet

 
Sự năng động của các chợ làng còn đặc biệt thể hiện ở thời gian họp chợ. Ở các địa phương thuộc Huế, chợ chủ yếu họp hằng ngày. Có chợ họp buổi chiều như chợ Hôm- Dạ Lê của tôi, chợ Mai- Thanh Thuỷ Thượng (Hương Thuỷ) hay Mỹ Lợi (Phú Lộc) xưa họp vào buổi sáng. Cũng có chợ họp cả ngày đêm, lại có chợ họp vào thời gian rất kỳ lạ, vào buổi trưa như chợ Thanh Kệ, hay vào lúc nửa đêm như chợ Đan Lương ở Quảng Điền, phù hợp với nhu cầu mua sắm, các loại hàng hoá bày bán trong các chợ.
 
Có dịp đi về các làng xã, tôi vẫn có thói quen dạo quanh một vòng ở chợ quê. Với tôi, đó hình ảnh thu nhỏ của cả một vùng đất, là hồn quê với những bản sắc văn hoá phong phú và đa dạng cần khám phá. Chợ làng hình thành trước hết do những nhu cầu thiết yếu của người dân vùng quê, do chính các làng xã tự quản lý thông qua hương ước hoặc lệ họp chợ. Còn theo các nhà nghiên cứu, chợ làng chính là mạng lưới thương nghiệp nông thôn hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế tiểu nông, củng cố hơn nữa sự cố kết nông- công- thương nghiệp vốn đã rất bền vững của tổ chức làng xã ở Huế nói riêng và cả nước nói chung trong lịch sử.
 
Cái chợ làng vẫn còn đó và gần như còn nguyên vẹn những giá trị xưa. Huế đang có thêm nhiều siêu thị, phố chợ… và cũng đang cần có thêm những chợ làng mới, những không gian mới cho chợ làng một thuở. Vậy nên, hơn lúc hết cũng cần hiểu cái chợ làng xưa như một khía cạnh và sắc thái của con người và tâm hồn Huế.
 
Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top