ClockChủ Nhật, 03/01/2016 10:54

Cho một sự vững bền

TTH - Vậy là một năm cũ đã khép lại để bắt đầu một năm mới, nhưng ý nghĩa hơn, đây là sự mở đầu của một thời kỳ mới với rất nhiều thay đổi và kỳ vọng. Đại hội tỉnh đảng bộ Thừa Thiên Huế nhiệm kỳ XV (2015-2020) lần đầu tiên trong lịch sử đã đưa di sản và văn hóa lên thành mục tiêu hàng đầu cho sự phát triển của Cố đô Huế. Đối với công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế, đây là điều hết thuận lợi nhưng cũng là áp lực: Làm sao để di sản văn hóa Huế được bảo tồn bền vững nhưng phải thật sự là nền tảng, là động lực cho sự phát triển!

Khởi động kích cầu du lịch

Ngày càng đẹp hơn

Năm 2015 là một năm rất thành công của di sản Huế trên nhiều phương diện. Trong tình hình cả nước gặp rất nhiều khó khăn, nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa bị cắt giảm còn gần như không đáng kể, nhưng Cố đô Huế vẫn được quan tâm đầu tư lớn với tổng mức đầu tư cho trùng tu di tích đạt 150 tỷ đồng, bằng 166% so với năm 2014, và 250% so với năm 2010 (trong đó nguồn đầu tư từ Trung ương là 95 tỷ đồng, nguồn địa phương – lấy từ nguồn nộp ngân sách từ thu phí tham quan di tích là 55 tỷ đồng). Với nguồn lực ấy, hàng chục công trình quan trọng tập trung tại khu vực Hoàng cung và các khu lăng hoàng gia được trùng tu hoàn nguyên giá trị, như: Triệu Miếu, hệ thống trường lang Tử Cấm Thành, Nhật Thành Lâu, vườn Thiệu Phương, Tả Tùng Tự (khu vực hoàng cung), lầu Tàng Thơ, sông Ngự Hà (khu vực Kinh thành), điện Gia Thành (lăng Gia Long), Tả Hữu Tùng Viện (lăng Thiệu Trị), Dũ Khiêm Tạ, Xung Khiêm Tạ, Khiêm Cung Môn, hồ Lưu Khiêm, hồ Tiểu Khiêm (lăng Tự Đức), điện Ngưng Hy (lăng Đồng Khánh)...

Bên cạnh đó, hàng chục tỷ đồng cũng được đầu tư cho công tác tu sửa nhỏ, tôn tạo cảnh quan môi trường khu di sản, cải tạo hệ thống bia biển chỉ dẫn, thuyết minh, nâng cấp hệ thống an toàn và trưng bày cổ vật, tổ chức trình diễn nhã nhạc… Chính những hoạt động đó khiến bộ mặt khu di sản Huế ngày càng khang trang và đẹp lên rất nhiều trong mắt du khách và cộng đồng Nhân dân địa phương. Điều quan trọng nhất vẫn là nhân tố con người. Đề án nâng cao chất lượng phục vụ trên địa bàn khu di sản Huế do Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế (gọi tắt là Trung tâm) triển khai từ năm trước đã được đẩy mạnh hơn trong năm 2015 không chỉ nhằm chỉnh trang diện mạo khu di sản, mà buộc tất cả những người đang làm việc tại di tích Huế, từ người bảo vệ, nhân viên bán vé, thuyết minh viên, người bán hàng lưu niệm, người phục vụ cho đến cán bộ công nhân làm công tác trùng tu trên công trường phải nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần phục vụ. Gắn liền quyền lợi với trách nhiệm và đặt trong sự kiểm tra giám sát chặt chẽ, thường xuyên đã cải thiện rất tích cực lề lối làm việc cùng cung cách phục vụ của đội ngũ cán bộ viên chức, người lao động thuộc Trung tâm và những đơn vị, cá nhân liên quan. Huế luôn luôn mới lại được bắt đầu từ chính những di sản của quá khứ!

Trùng tu tiền điện Triệu Miếu

Chính những thay đổi tích cực đó đã làm nên những hiệu quả thật bất ngờ! Du khách đến thăm khu di sản Huế tăng lên với số lượng đáng kể mặc dù, theo thống kê, lượng du khách chung đến Thừa Thiên Huế có giảm. Tính đến cuối tháng 12/2015, đã có hơn 2 triệu lượt du khách đến thăm khu di sản, và đây là năm đầu tiên lượng khách quốc tế có số lượng nhiều hơn khách Việt Nam (tăng khoảng hơn 13% so với năm 2014). Năm 2015, doanh thu từ vé tham quan di tích đạt 200 tỷ đồng (bằng 117,6% kế hoạch giao - 170 tỷ đồng), tăng hơn 60 tỷ đồng so với năm 2014 và bằng 250% so với doanh thu năm 2010. Du khách tăng, doanh thu tăng nhưng điều quan trọng hơn là sức hấp dẫn và vị thế của khu di sản Huế ngày càng tăng lên cùng với tình cảm yêu mến của du khách và cộng đồng.

Thách thức bảo tồn di sản bền vững

Những khó khăn và áp lực đòi hỏi phải vượt qua của di tích Huế cũng còn không ít. Đó là nguồn vốn từ ngân sách dành cho trùng tu bảo tồn các di sản ngày càng hạn hẹp, trong khi nhu cầu về trùng tu bảo tồn hàng trăm công trình di tích ngày càng bức thiết. Việc hàng ngàn hộ dân sống trong vùng lõi các di tích không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến di sản mà còn gây ra vô vàn vấn đề về đô thị, môi trường tự nhiên và xã hội. Vậy nên, làm sao phải có những giải pháp hữu hiệu để huy động được các nguồn lực nhằm bảo tồn di sản bền vững và góp phần giải quyết các vấn đề về xã hội, đô thị và môi trường.

Dưới sự lãnh đạo của tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng sự phối hợp của các ban ngành liên quan, Trung tâm đã và đang xây dựng Kế hoạch trung hạn (2016-2020) với những nội dung và giải pháp cụ thể được tổng hợp từ thực tiễn của công cuộc bảo tồn di sản Huế mấy chục năm qua. Theo đó, nguồn vốn đầu tư cho trùng tu các di sản sẽ đạt khoảng 1.200 tỷ đồng (tương đương mức đầu tư 20 năm trước đó, 1996-2015), trong đó phân nửa là nguồn vốn địa phương lấy từ việc thu phí tham quan di tích Huế và huy động từ các nguồn lực xã hội. Trung tâm cũng đồng thời xây dựng dự án vay vốn từ nguồn trái phiếu Chính phủ thông qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam để huy động khoảng 2.000 tỷ đồng nhằm thực hiện việc di dời ổn định cuộc sống cho hơn 1.000 hộ dân cư hiện sinh sống tại khu vực Kinh thành, Hộ thành hào, chỉnh trang đô thị và tiến hành trùng tu bảo tồn các di sản quan trọng tại khu vực này.

Trung tâm cũng đang nỗ lực nghiên cứu, thử nghiệm để sắp xếp lại mô hình hoạt động của các đơn vị trực thuộc theo hướng tinh gọn, hiệu quả và đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động dịch vụ, phục vụ. Trong thời gian tới, địa bàn khu di sản Huế sẽ được lắp đặt hệ thống Audio guide (thuyết minh tự động) bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, hệ thống bán vé tự động, hệ thống camera giám sát chung và các điểm quan trọng… Tất cả sự đầu tư này đều dùng nguồn xã hội hóa để tiết kiệm tối đa ngân sách.

Công cuộc bảo tồn di sản văn hóa Huế đang được vận hành đúng quỹ đạo và đã đạt được những kết quả đáng tự hào. Vượt qua những khó khăn và áp lực, di sản vô giá ấy sẽ được bảo tồn vững bền cho hiện tại và các thế hệ tương lai.

TS. Phan Thanh Hải (Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể

Cách đây vài năm, khi ngành văn hóa Huế tiên phong trong việc phục hưng áo dài truyền thống đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau, kể cả trái chiều. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự kiên trì, đồng lòng của tập thể cán bộ, sự đồng hành của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và người dân, đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” bước đầu đã gặt hái được những thành quả nhất định.

“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể
Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực

Mới đây, một sự kiện thu hút sự quan tâm của những ai yêu ẩm thực chính là lễ hội phở vừa được tổ chức tại Nam Định, từ 15-17/3. Một festival khiến chúng ta nghĩ đến bún bò của Huế - một đặc sản ẩm thực nổi tiếng có lẽ không kém phở.

Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực
Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đang là thách thức đối với du lịch Việt Nam trước yêu cầu hội nhập quốc tế. Thừa Thiên Huế xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, để phát triển du lịch, phải đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực.

Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực
Du lịch không thể phát triển một mình

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng khẳng định: “Du lịch không thể phát triển một mình”. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và để phát triển được du lịch phải có sự đồng hành của nhiều ngành, nhiều người.

Du lịch không thể phát triển một mình
Return to top