ClockThứ Ba, 30/11/2021 09:40

Cho mục tiêu lớn hơn

TTH - Thôi vẫn thỉnh thoảng qua nhà tôi phụ giúp những việc lặt vặt theo yêu cầu. Có những việc chưa bao giờ là chuyên môn của em, nhưng lúc nào cũng thấy em nhiệt tình nhận lời. Nhẫn nại và có phần hơi chậm một chút nhưng những công việc mà chồng tôi giao bao giờ em cũng hoàn thành, dù không phải lúc nào cũng “hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Tôi vẫn thường nghe chồng nhắc nhở, có khi la mắng khi em làm sai, không đúng ý nhưng đáp lại luôn là sự im lặng, đôi khi chỉ là những từ dạ nghe rất nhỏ hoặc gật đầu. Chưa bao giờ thấy em giận dỗi, cãi lại hoặc bỏ giữa chừng như đã từng thấy ở vài người thợ phụ khác của chồng. Có lẽ đó cũng là lý do mà dù có bất kỳ công việc gì chồng tôi cũng gọi em.

Là tôi đoán thế, nhưng khi ướm hỏi người bạn đồng hành cùng nhà thì lý do không hẳn vậy. Thôi có vợ và ba đứa con. Vợ làm tạp vụ ở một trường mầm non. Dịch giã kéo dài khiến vợ em thất nghiệp, một mình Thôi lo cơm áo gạo tiền cho năm miệng ăn quả không dễ dàng gì. Các con của Thôi cũng đang tuổi đi học, chúng cần nhiều hơn ngoài no bụng. Thôi cũng vừa ứng lương để mua cho con cái laptop để cháu học online. “Mấy tháng phải học ké bạn, bây giờ nhà bạn phải ưu tiên cho người quen nên mấy hôm rồi cháu chỉ học chay, chờ bạn học xong mượn vở chép”, Thôi nói về lý do ứng trước lương tháng này.

“Hàng tháng muốn thưởng thêm phải ít nhất đảm bảo trên 26 ngày công. Nếu tuần nghỉ 4 ngày chủ nhật thì nó (Thôi) không được thưởng. Mà một ngày thưởng bằng ba ngày làm việc bình thường. Cho nên mình phải kiếm cớ cho nó có thêm ngày làm việc”, chồng tôi giải thích về lý do chủ nhật nào Thôi cũng có mặt ở nhà tôi và đôi khi chỉ làm chưa được nửa buổi sáng là hết việc.

Tôi “hiến kế”, mình làm chủ, muốn thì ghi thêm cho người ta một ngày công cũng được vì đằng nào mình cũng trả tiền. Chồng tôi chỉ cười và bảo, việc đó có khó gì đâu nhưng nếu làm thế sẽ vô tình “tiếp tay” cho sự lười biếng và ỷ lại. Hơn nữa, mình sẽ làm giảm động lực phấn đấu của người ta. Mà với bất cứ công việc gì, nếu thiếu những điều đó sẽ không bao giờ đạt kết quả tốt. Dù là lao động chân tay hay trí óc thì đều cần sự siêng năng, chịu khó và nỗ lực phấn đấu không ngừng. Ở mỗi công việc đều có những yêu cầu riêng nhưng chung quy lại vẫn là tinh thần, thái độ và trách nhiệm từng phần việc hoặc nhiệm vụ mà mình được giao đảm nhận. Nếu không làm tốt được tất cả những việc ấy thì ít nhất là đừng vì mình mà ảnh hưởng đến người khác, đến tập thể...

Thôi không được trời phú cho sự thông minh, sắc sảo nhưng bù lại em rất cần cù, chịu khó, không ngại làm những việc chưa từng kinh qua. Đó có lẽ là lý do mà chồng tôi giao toàn việc mới, cũng là để em có thêm kinh nghiệm ngoài mục đích tăng thu nhập giúp em trang trải cuộc sống gia đình.

Cũng ít khi có cơ hội tiếp xúc, trò chuyện nhưng mỗi lần tôi hỏi về công việc, về “sự khó tính của ông chủ”, Thôi chỉ cười và bảo: “Em học từ từ. Cái chi chưa làm được thì em hỏi, em làm lại. Làm đến lúc mô được thì thôi”. Tất nhiên, không phải việc nào sai cũng có thể làm lại. Có những cái sai phải trả giá bằng cả đời người, đôi khi là cả mạng sống, là danh dự, là niềm tin...

Song, ở khía cạnh của Thôi, tôi lại thấy nếu bằng sự kiên trì, nhẫn nại và tinh thần ham học hỏi thì có lẽ cơ hội sẽ không thiếu cho em. Tất nhiên nó còn phải đi kèm với thái độ cầu thị, nhún nhường và biết hy sinh một chút cho những mục tiêu lớn hơn.

Hồng Tâm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Du lịch cắm trại “bùng nổ”

Du lịch cắm trại đang thu hút nhiều người tham gia, chủ yếu là các bạn trẻ. Ngày hè, vào dịp cuối tuần hay vào các kỳ nghỉ ngắn ngày, nhiều nhóm bạn, gia đình, người thân tìm nơi tĩnh lặng để được hòa mình vào thiên nhiên, cảm nhận cuộc sống yên bình…

Du lịch cắm trại “bùng nổ”
Return to top