ClockThứ Tư, 13/05/2015 10:28

Cho ngân sách vay từ Quỹ ngoại hối: Nên hay không?

TTH.VN - Theo nhiều chuyên gia, nên để Quỹ dự trữ ngoại hối được dùng đúng mục tiêu của nó, và có nhiều cách khác huy động vốn cho ngân sách mà hiệu quả hơn.

Chính phủ vừa giao Ngân hàng Nhà nước cùng Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho ngân sách vay từ nguồn dự trữ ngoại hối nhằm bổ sung vốn đầu tư phát triển, đảm bảo an toàn tài chính, tiền tệ quốc gia. Song, nhiều chuyên gia cho rằng, không nên sử dụng giải pháp này.

Cho ngân sách vay là chưa đúng mục tiêu Quỹ dự trữ ngoại hối

Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia về dịch vụ tài chính-ngân hàng, Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV, “đây là yêu cầu của Chính phủ để nghiên cứu, còn có khả thi hay không thì cần phải nghiên cứu, phân tích kỹ những hơn thiệt trước khi có thể đưa ra quyết sách chính thức”.


TS Cấn Văn Lực: nên để Quỹ dự trữ ngoại hối được sử dụng đúng như mục tiêu của nó, cũng là cách làm theo thông lệ quốc tế

Giải thích rõ hơn, TS Lực cho biết: Quỹ dự trữ ngoại hối là “tấm phòng chắn rủi ro”. Về cơ bản, Quỹ này để xử lý các tình huống cấp bách, bất thường; là nguồn vốn để xử lý các giải pháp mang tính chất tạm thời và ngắn hạn.

Hiện, theo ông Lực, “chưa rõ việc ngân sách vay từ Quỹ này thì dùng đầu tư cho chi thường xuyên hay chi đầu tư phát triển. Chi tiêu thường xuyên không phải việc cấp bách, đâu tư cho phát triển cũng không phải việc cấp bách mà là đầu tư trung và dài hạn. Do đó, nếu đối chiếu mục tiêu của Quỹ dự trữ ngoại hối với chủ định dùng nó vào việc cho ngân sách vay là chưa đúng mục tiêu của Quỹ này”.

Quỹ dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng lên khá mạnh trong thời gian qua, theo công bố của các tổ chức quốc tế, hiện có thể lên tới 36-38 tỷ USD. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế, năm 2015, Quỹ này của Việt Nam có thể lên mức 48 tỷ USD. “Mức này chưa phải quá cao, quá nhiều, mới tương đương khoảng 3 tháng nhập khẩu của Việt Nam. Đây là mức tối thiểu mà IMF quy định cần phải có để duy trì”- ông Lực đánh giá.

Cũng theo ông Lực, hiện nay các quy định hiện hành của Việt Nam liên quan đến việc cho phép dùng Quỹ dự trữ ngoại hối cho ngân sách vay để đầu tư sang việc khác là chưa rõ. Nhưng căn cứ mục tiêu của Quỹ thì nếu thực hiện như đề xuất là chưa phù hợp. Việc sử dụng Quỹ dự trữ ngoại hối cho ngân sách vay cũng không đúng với thông lệ quốc tế. Cho nên, theo ông Lực, “nên để Quỹ dự trữ ngoại hối này được sử dụng đúng như mục tiêu của nó, cũng là theo thông lệ quốc tế”.

Đồng quan điểm với TS Cấn Văn Lực rằng, việc cho ngân sách vay từ Quỹ dự trữ ngoại hối để đầu tư cho phát triển là không đúng, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, thẳng thắn: “Đây là cách làm không giống ai, chưa thấy có tiền lệ trên thế giới. Về mặt kỹ thuật thì không làm được, về chủ trương thì càng không nên làm. Cách làm này không đúng nguyên tắc về kinh tế. Vì lấy USD dự trữ ra thì chuyển hóa thế nào để thành nguồn đầu tư? Vì vay thì lại vẫn phải trả lại dự trữ. Không có quốc gia nào lấy vốn dự trữ để làm vốn đầu tư, chỉ dùng nó vào việc cấp bách, cứu trợ”.

Theo TS Lưu Bích Hồ, đề xuất này mới chỉ là ý kiến có tính chất sơ khởi, chưa có nghiên cứu kỹ. TS Hồ cho biết, bản thân ông trước đây từng đề xuất dùng vốn từ Quỹ dự trữ ngoại hối này để xử lý nợ xấu, cứu doanh nghiệp nhà nước đang nguy cơ phá sản hoặc doanh nghiệp khác gặp khó khăn. Nhưng đề xuất này đã bị phản đối và khẳng định, Quỹ này chỉ dùng vào việc cấp bách, cứu trợ thiên tai... chứ không phải để đầu tư, không thể dễ dàng chuyển đổi như thế.  

Lấy ví dụ bài học từ Trung Quốc, TS Lưu Bích Hồ cho biết: Quốc gia này đã từng bán dự trữ ngoại hối ra nước ngoài, lấy trái phiếu, nhưng họ vẫn có quyền chủ động, khi nào cần thì đòi. Nhưng còn Việt Nam, nếu lấy dự trữ này ra dùng vào việc khác, trả không dễ. Thực tế, lượng dự trữ của Việt Nam như hiện có chưa gọi là “xông xênh”, chưa ăn thua gì. Vì bản thân chỉ số nợ công của Việt Nam hiện cũng đã gần tới hết ngưỡng an toàn.

Cần đẩy mạnh cải cách thể chế, huy động vốn từ các kênh ngoài nhà nước

Thay vì sử dụng vốn vay từ Quỹ Dự trữ ngoại hối, TS Cấn Văn Lực cho rằng, có rất nhiều cách khác để huy động vốn mà hiệu quả hơn, đúng mục tiêu hơn. Trong đó, có thể kể đến như phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế ở dạng trung và dài hạn; cần có chính sách phân bổ, sử dụng ngân sách hợp lý hơn, hiệu quả hơn (chi tiêu thường xuyên thì cần tiếp tục giảm, ít nhất là không tăng; chi cho đầu tư phát triển phải ở mức độ nhất định, đúng chỗ, đúng kiểu để có hiệu quả); tiếp tục vay ODA (các nhà tài trợ vẫn cam kết sẵn sàng cho Việt Nam vay phục vụ các dự án có hiệu quả).

Còn TS Lưu Bích Hồ đề xuất: Cách hiệu quả nhất để có thể huy động nguồn lực phục vụ đầu tư cho phát triển, thay vì sử dụng Quỹ dự trữ ngoại hối, là phải thực hiện cải cách. Đó là cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huy động người dân tự bỏ vốn tham gia vào đầu tư phát triển, như thế bớt đi gánh nặng cho Chính phủ. Còn nếu Chính phủ đứng ra làm làm thiếu vốn thì dùng hợp tác công – tư.

Ông Hồ dẫn ví dụ, ông làm công trình giao thông, nên phát huy vốn đầu tư theo đối tác công – tư. Nhưng muốn thế, cần có cơ chế phù hợp để đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư. Đồng thời, giảm thủ tục rườm rà, tính toán giá cả và lợi ích cho hợp lý. Ngay như Bộ Giao thông Vận tải từng đề xuất bán quyền khai thác đường giao thông, sân bay.... Nhưng bán không dễ. Nếu bán được chăng nữa, cần có thể chế đảm bảo được lợi ích của quốc gia. “Chuyển hóa dần vốn đầu tư phát triển là từ khu vực công sang khu vực tư là đúng đắn. Những muốn làm được, phải có thể chế đủ tầm” – ông Hồ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, TS Lưu Bích Hồ đặc biệt đề xuất phải quyết liệt cân đối thu chi ngân sách, giảm chi thường xuyên, nhất là chi cho bộ máy hành chính nhà nước hiện quá cồng kềnh./.

Theo VOV
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
AgriDrone tư vấn máy bay phun thuốc sạ lúa rải phân DJI T50

Máy bay phun thuốc sạ lúa rải phân DJI T50 là một công cụ không thể thiếu cho ngành nông nghiệp hiện đại. Với công nghệ tiên tiến và hiệu quả vượt trội, máy bay DJI T50 giúp nâng cao năng suất, giảm chi phí và bảo vệ môi trường. Hãy cùng AgriDrone tìm hiểu chi tiết về sản phẩm này nhé.

AgriDrone tư vấn máy bay phun thuốc sạ lúa rải phân DJI T50
THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Khang Võ - Đơn vị tư vấn và thi công thiết bị bếp công nghiệp uy tín

Thiết bị bếp công nghiệp là những sản phẩm không thể thiếu trong các bếp ăn công nghiệp. Tất cả các sản phẩm thiết bị bếp được sản xuất chính hãng sẽ đảm bảo mang lại năng suất hiệu quả cao. Công ty Khang Võ là đơn vị tư vấn và thi công thiết bị bếp công nghiệp uy tín được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn hiện nay.

Khang Võ - Đơn vị tư vấn và thi công thiết bị bếp công nghiệp uy tín
Tiếp nhận 5 cá thể rùa quý

Ngày 25/4, Hạt Kiểm lâm (HKL) TP. Huế tiếp nhận một cá thể rùa hộp trán vàng miền Trung từ ông Đỗ Văn Minh ở phường An Đông tự nguyện giao nộp.

Tiếp nhận 5 cá thể rùa quý
Return to top