ClockThứ Hai, 03/02/2014 07:48

Chợ phiên Quảng Ngạn

TTH - Đầu năm, các gia đình háo hức đi cầu lộc, cầu tài, mua những điều may mắn cho năm mới. Đó cũng là đặc trưng của chợ cổ truyền ngày tết Quảng Ngạn (Quảng Điền).

Theo các cụ cao niên trong làng, ngôi chợ này có truyền thống cả trăm năm nay. Mỗi năm, cứ vào đúng mồng một Tết là người dân trong vùng lại tụ tập về đây để họp chợ. Chợ không đông đúc như các chợ trong vùng. Nằm án ngự ven đường, trên một vạt đất nhỏ của thôn Tân Mỹ, chợ chỉ họp trong 3 ngày Tết, từ ngày mồng một cho đến hết ngày mồng ba. Có lẽ vì thế nên chợ còn có một cái tên khác: “Chợ phiên”.

Chợ cổ truyền lưu giữ những nét văn hoá truyền thống

Xã tôi là láng giềng của xã Quảng Ngạn nên năm nào cứ đúng mồng một Tết, tôi lại cùng mấy đứa bạn rủ nhau tản bộ khắp khu chợ này. Vừa rồi, đứa bạn thân ở xa gọi điện báo “Tết tau không về, mi đi chợ phiên với mấy đứa tê hí”. Lòng chợt buồn, vì mọi năm cứ đúng 7h, ngày mồng một Tết thì y như rằng nó lại điện thoại rủ tôi cùng cả nhóm đi chợ phiên. Ngày đó chẳng có xe máy như bây giờ, chúng tôi phải đi xe đạp, có khi đi bộ gần 6 cây số để về chợ phiên. Cũng chẳng nghĩ ngợi đến chuyện cầu lộc, cầu tài mà chỉ đơn giản là vui. Vì thế, mỗi lần nhắc đến chợ phiên trong tôi lại dâng lên những cảm xúc thân quen đến lạ thường.

Ở phiên chợ, hàng hóa chính là những sản phẩm nông nghiệp mà người dân làm ra, có khi chỉ là mớ rau, vài quả đu đủ... Họ đưa ra chợ bán, mong có được cái duyên, cái lộc đầu năm mới cho gia đình và những người xung quanh. Mặt hàng bán nhiều nhất là cau trầu, bởi theo suy nghĩ của nhiều người, đầu năm đi chợ mua cau trầu là mua cái lộc. Không chỉ các cụ già, những người cao tuổi mới đi chợ mà rất nhiều thanh niên cũng đến chợ này. Họ đến để hiểu thêm nét đẹp văn hóa truyền thống và mua cho mình chút lộc đầu năm. Chợ bắt đầu đông khách vào sáng sớm đến khoảng 10h trưa thì bắt đầu vắng khách, sáng mai lại đông trở lại.

Dưới cái lành lạnh của những ngày đầu năm, giữa những bộn bề của cuộc sống, nhiều người vẫn tìm đến chợ phiên để đưa mình về với tuổi thơ. Vì lẽ đó, đồ chơi trẻ em trở thành một trong những món hàng được bày bán nhiều nhất và nhiều người dân quan tâm nhất. Người lớn dẫn con nhỏ đến chợ không chỉ du xuân mà để dạy cho con biết yêu quý truyền thống. Còn những đứa trẻ này, bây giờ chỉ nghĩ đến chuyện được khoe áo mới, được mua đồ chơi, nhưng mai này lớn lên hình ảnh những chợ phiên ngày Tết sẽ trở thành một hồi ức đẹp mà chúng sẽ mang theo đến cuối cuộc đời.

Nhìn dòng người tấp nập, người bán hàng bán những sản vật do mình làm ra với mong muốn một năm “mua may, bán đắt”, còn người mua thì mua cái may mắn, cái lộc đầu năm.... Vì lẽ đó, không hề có sự mặc cả, trả giá thay vào đó là những tiếng cười nói, lời chúc nhau đầu năm. Để đến với chợ phiên, những người bán hàng phải tranh thủ đi từ tờ mờ sáng tìm một chỗ ngồi nho nhỏ bày hàng, còn những người đi chợ cũng tranh thủ đến sớm lựa chọn cho mình những món hàng, những sản vật ưng ý. 

Chợ phiên Quảng Ngạn có một sức hấp dẫn kỳ lạ đối với nhiều người. Sức hấp dẫn được tạo nên từ những nét văn hóa rất độc đáo khiến không khí đón xuân thêm sinh động và ý vị. Không những thế, không khí nhộn nhịp của chợ phiên còn phản ánh sự phồn thịnh và khát vọng về một cuộc sống ấm no. Đến đây, tôi lại nhớ một câu của nhà văn Vũ Bằng: “Chợ Tết có một sức hấp dẫn hết sức kỳ lạ, muốn về nhưng lại muốn đi, đi để xem thiên hạ mua bán, đi để xem bao nhiêu cái ngon, cái đẹp của quê hương, đi để xem... chợ Tết. Bởi, chợ Tết là hiện thân của những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Không những thế, chợ Tết còn là biểu hiện cho sự sinh động của cuộc sống và cái đẹp. Một cái đẹp bình dị trong sáng nhưng cũng lý thú và thi vị”.

Trải qua hàng trăm năm, chợ cổ truyền Quảng Ngạn vẫn tồn tại và mang theo một nét văn hóa riêng của cư dân miền biển Quảng Ngạn. Ông Nguyễn Chiến, Chủ tịch UBND xã Quảng Ngạn, cho biết: “Chợ phiên ngày Tết Quảng Ngạn là một nét đẹp văn hóa riêng có của cư dân vùng biển của 2 xã Quảng Công và Quảng Ngạn. Việc duy trì và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của chợ là một việc làm mà chính quyền địa phương rất quan tâm. Chúng tôi rất mong chính quyền cấp trên quan tâm hơn trong việc quy hoạch xây dựng chợ cổ truyền của địa phương, để nét văn hóa này mãi được lưu giữ, để con cháu sau này vẫn được ngắm chợ cổ truyền những ngày Tết. 

Hoàng Loan
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn

Ngày 19/4, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, trong 24 giờ qua, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng, có nơi đặc biệt gay gắt.

Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn
Thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã giúp nhiều hội viên, nông dân (HVND) Phong Sơn (Phong Điền) có điều kiện thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống
Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân

Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), Hội Nông dân (HND) các cấp đã giải ngân, tổ chức nhiều dự án (DA) sinh kế mang lại hiệu quả thiết thực cho hội viên, nông dân (HVND).

Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân
Return to top