ClockThứ Bảy, 13/05/2017 13:16
THI CÔNG DỰ ÁN CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG NƯỚC TP. HUẾ LÀM NỨT NHÀ DÂN:

Chờ phương án đền bù

TTH - Nứt thành, cổng, lún nền, bong tróc la phông, nứt chân cầu thang... là những điều người dân phản ánh ở những tuyến đường đã và đang thi công dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế.

Hệ thống thoát nước, sân của nhà dân bị hư hỏng hoàn toàn

Nhiều tuyến đường bị ảnh hưởng

Đường Dương Văn An không dài và chỉ thi công đường cống thoát nước đoạn từ đường Hà Huy Tập đến cuối đường (tiếp giáp với đường Nguyễn Lộ Trạch) nhưng đến nay, sau hơn 3 tháng triển khai, đơn vị thi công chỉ mới thi công được một đoạn.

Điều làm người dân lo lắng là hầu hết nhà dân ở sát hai bên đường đều có dấu hiệu bị nứt, sụt lún. Nhà ông Lê Văn Toàn ở 54 Dương Văn An bị nứt toàn bộ tường mặt trước. Phía đối diện, nhà chị Như Nguyệt bị lún nền, nứt vách, quán cắt tóc, gội đầu do chị làm chủ phần mái đóng la phông bị bong tróc gần hết, một số vật liệu rơi xuống làm vỡ kính khiến công việc của chị gặp khó khăn.

Nhiều nhà khác cũng bị nứt tường, sân, cầu thang do ảnh hưởng thi công hệ thống cống thoát nước mà cụ thể là do xe múc có trọng lượng hàng chục tấn chạy liên tục và việc đào, đóng cừ tác động đến địa chất khiến kết cấu công trình trong khu vực bị ảnh hưởng.

Sau khi có phản ánh, đơn vị tư vấn đã đến hiện trường kiểm tra và yêu cầu đơn vị thi công phối hợp với bảo hiểm kiểm tra, đánh giá, ghi nhận hiện trạng. 

 Tình trạng ảnh hưởng nhà dân ở các tuyến đường khác như Nguyễn Công Trứ, Lê Lợi, Nguyễn Thị Minh Khai,... cũng tương tự.

Sẽ có phương án đền bù

Ông Nguyễn Thanh Tuấn Anh, Giám đốc Ban quản lý dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế khẳng định, chủ đầu tư sẽ phối hợp và yêu cầu nhà thầu lập phương án để đền bù cho người dân bị nứt nhà và các công trình khác. Thuận lợi là nhà thầu đã mua bảo hiểm trong quá trình thi công nên việc đền bù sẽ do bảo hiểm chi trả. Với những khu vực chưa được mua bảo hiểm, chủ đầu tư cùng với nhà thầu có giải pháp chi trả đền bù phù hợp cho người dân.

Có hai phương án đền bù, hỗ trợ cho người dân được đưa ra. Một là, phía đơn vị thi công trực tiếp xây dựng, sửa chữa lại những hạng mục hư hỏng để trả lại hiện trạng ban đầu. Hai là, người dân được khảo sát, lập dự toán để tính giá trị hư hỏng và được bồi thường bằng tiền để tự khắc phục.

Mới chỉ đền bù cho một, hai trường hợp bị ảnh hưởng

Sau khi có phản ánh của người dân về hiện tượng nứt tường, cổng, thành, nhà, Ban quản lý dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế phối hợp với nhà thầu, đơn vị giám sát tiến hành kiểm tra ghi nhận hiện trạng, song chỉ thực hiện một vài nhà và việc lập biên bản, thống kê giá trị thiệt hại cũng như số hộ bị ảnh hưởng hầu như chưa được thực hiện. Đơn vị thi công cho biết, từ khi triển khai thi công đến nay, mới đền bù cho một, hai trường hợp bị ảnh hưởng.

Theo khảo sát, đa phần người dân đều muốn được bồi thường để chủ động sửa chữa; tránh trường hợp thời gian thi công kéo dài, phải đợi lúc kết thúc công trình mới sửa chữa làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất kinh doanh của người dân.

Chị Như Nguyệt cho hay, gia đình chị có nhu cầu sửa chữa lại nhà và quán cắt tóc nhưng do chưa được hỗ trợ đền bù nên chưa thể tiến hành. Vì thế, lượng khách đến quán giảm, làm ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình chị. Bên cạnh đó, nguy cơ rơi vỡ các vật liệu trên trần nhà xuống nền luôn rình rập và có khả năng gây thương tích khiến gia đình lo lắng.

Gia đình ông Lê Văn Toàn cũng chờ đợi sự hỗ trợ từ phía đơn vị thi công để sửa lại toàn bộ phần nền, sân phía trước bị hư hỏng cũng như tính phương án khắc phục bức vách phía trước khỏi nứt.

Chị Trương Thị Anh Tâm lo lắng vết nứt ở chân cầu thang có thể ảnh hưởng đến toàn bộ kết cấu công trình nhà chị, song đến nay sau hơn một tháng xảy ra sự việc, chưa có đơn vị nào nhận trách nhiệm về việc này. Thế nên, gia đình chị vẫn chưa sửa chữa, khắc phục các vết nứt.

Ngoài ra, các hộ dân sống hai bên đường Dương Văn An cũng như một số tuyến đường khác bị ảnh hưởng do quá trình thi công dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế cũng đang trong tình trạng chờ đợi hỗ trợ để khắc phục hư hỏng.

Ban quản lý dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế cho hay, do đường Dương Văn An phải thi công 2 tuyến cống thoát nước, một tuyến cống chung và một tuyến cống bao nên thời gian thi công khá dài. Phải đợi thi công hoàn thành hai tuyến thoát nước và hoàn trả mặt bằng hoàn chỉnh mới hỗ trợ đền bù, sửa chữa cho người dân để tránh trường hợp phải đền bù, sửa chữa nhiều lần.

Bài, ảnh: TÂM HUỆ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sớm đền bù nứt nhà cho người dân khi thi công kè sông Như Ý

Trong quá trình thi công gói thầu H/LCB/6 – Kè sông Như Ý đoạn từ Đập Đá đến cầu Vân Dương (TP. Huế), hàng chục nhà dân đã bị nứt, hư hỏng. Chủ đầu tư cùng các đơn vị liên quan đã đánh giá hiện trạng nhà ở và các công trình vật kiến trúc của các hộ dân bị ảnh hưởng nhằm sớm có phương án đền bù cho người dân.

Sớm đền bù nứt nhà cho người dân khi thi công kè sông Như Ý
Hơn 480 tỷ đồng giải phóng mặt bằng mở rộng đường Bà Triệu

Đó là thông tin được lãnh đạo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng khu vực TP. Huế chia sẻ vào sáng 26/8 về dự án (DA) nâng cấp mở rộng đường Bà Triệu dài hơn 920m, với tổng kinh phí đầu tư hơn 540 tỷ đồng, thực hiện trong thời gian 2022-2024.

Hơn 480 tỷ đồng giải phóng mặt bằng mở rộng đường Bà Triệu
Giải quyết đơn của ông Lê Văn Lợi về việc đền bù chưa thỏa đáng:
Ông Lê Văn Lợi được xác nhận không sinh sống tại địa chỉ đất thu hồi

Sau khi Báo Thừa Thiên Huế nhận được đơn của ông Lê Văn Lợi về việc đền bù chưa thỏa đáng tại dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1, Kinh thành Huế, phóng viên Báo đã tìm hiểu thực tế, lấy ý kiến từ các hộ dân sống lân cận và chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan...

Ông Lê Văn Lợi được xác nhận không sinh sống tại địa chỉ đất thu hồi
Return to top