ClockThứ Hai, 27/01/2020 06:20

Chờ tiếng chuột reo

Năm hợi xem vẽ lợnTriển lãm tranh mừng xuân và con giáp

… Khuya ngủ say, tôi bị đánh thức bởi “rầm” một cái. Mắt nhắm, mắt mở vì ngái ngủ, tôi giật mình thấy mạ cầm cái đùi to, ngồi rình nơi két lúa, trông có vẻ rất căng thẳng và giận dữ. Tôi nghe mạ càm ràm: “Mệ nội mấy con chuột quá trời quá đất, rột roạt và phá cả đêm, không cho ai ngủ”. Thì ra, mạ tôi rình đập chuột… Nửa thế kỷ trôi mau, giờ đã chuẩn bị thành ông già rồi, tôi vẫn không quên được dáng vẻ của mạ buổi khuya hôm đó. Nhìn thấy vừa thương, vừa tội, lại vừa tức cười…

Tranh dân gian Đông Hồ

Khi tôi lên 7 thì ba mất. Nội ngoại nhà cửa rộng rãi nhưng phiền, mạ không thích, vậy là giữa lúc chiến tranh ác liệt, mạ tôi dựng nhà. Đất đai của hai bên nội ngoại không thiếu, nhưng mạ quyết định về nội, làm ngôi nhà xây ngay nơi đám ruộng của ôn mệ ở ven xóm, nhìn ra cánh đồng làng thẳng cánh cò bay. Mạ không ngờ, cái thế đất mấp mé cánh đồng sình lầy và bẩn thỉu kia lại chính là nơi ở yêu thích của các loại chuột, nhất vào mùa lụt bão, ngoài đồng ngập nước. Nỗi khổ vì… chuột bắt đầu từ đó.

Không đủ tiền làm nổi cái nền xi măng nên trong nhà tôi bấy chừ đầy rẫy hang chuột. Hang chuột đào, mạ vừa cất công rập thì lại trồi lên cái khác, ngó không được con mắt. Nhà có cái két đựng mấy thùng lúa cũng bị bọn thử khới nát. Tháng mười, nhà nuôi dăm ba con vịt chuẩn bị tết cũng bị lũ chuột mà mạ hay gọi là con cui lúi tấn công. Nhớ có đêm, đang ngủ thì có tiếng kêu “cáp… cáp” thất thanh. Mạ con vội chạy ra thì ôi thôi, thấy cái chuồng vịt thành bãi chiến trường. Bầy vịt, con mất tích, con nhảy đành đạch, con sứt mỏ, què chân… thảm não vô cùng.

“Ôm mối hận” lũ chuột phá hoại, mạ tìm nhiều cách để triệt hạ. Nghe ông xóm trên có cái bẫy, mạ cất công mượn về. Chỉ được vài đêm và cũng tóm được vài con chưa kịp mừng thì ông hàng xóm, thôi cho xin lại. Mua thuốc bả chuột, rất hiệu nghiệm. Có hôm cả nhà nồng nặc mùi hôi, mạ đi tìm xem thì ra trong cái két lúa đầy xác chuột chết. Thế nhưng, nghe hàng xóm bảo, lạm dụng thuốc bả nhiều nguy hiểm nên mạ cũng không dám liều. Chuột phá đủ thứ trong nhà, nhưng bực bội nhất là nửa đêm nghe chuột khới tủ, khới bàn rột roạt, không tài nào ngủ được nên mạ phải thường xuyên sử dụng cái bài… đánh chuột, mà chủ yếu chỉ là đánh dọa thôi.

Cũng tốn nhiều công sức nhưng hình như mạ con tôi không hợp căn, hợp mạng với mèo hay sao mà nuôi con nào không bị mất cắp thì cũng chết yểu. Nhớ có tậu được gã mướp, dáng nhanh nhẹn, mỗi lần nghe tiếng chít chít của chuột, mèo ta lùng sục ngay. Thế nhưng, tai họa cũng vội ập tới. Một đêm, cả nhà giật mình bởi tiếng súng nổ điếc óc. Thì ra, mấy chú dân vệ đi tuần, ngứa tay nên bóp cò. Mạ con vừa sợ lại vừa tiếc. Sau cái chết của chú mướp, nhà tôi chẳng nuôi được mèo. Lũ chuột càng hung hăng. Tôi không nhớ khi mô thì hết khổ vì chuột theo kiểu nớ. Hình như, cũng gần đây thôi khi xóm ven làng của tôi, người ta đua nhau lấp ruộng làm nhà… chuột đồng mới không chốn dung thân.

Con chuột xem ra chẳng có tích sự chi, lại là chuyên gia phá hoại, vậy sao nó lại được chọn vào top 12 con vật ưu tú nhất là điều tôi thắc mắc. Chẳng những thế, còn được xếp ở ngôi vị số một. Một tối trời mưa lạnh, ngoại tôi kể ngày xưa có một cuộc chạy đua dành cho muôn thú. Không hiểu sao chuột cứ liên tục chiến thắng và cuối cùng vào chung kết với voi. Kết quả, chuột thắng luôn voi. Ngoại nói, chuột đã nhảy phóc vào đứng trong tai voi chờ khi sắp đến đích, chuột lại phóng ra trước. Vậy thì chuột đã biết tận dụng sở đoản của mình là nhỏ con để làm nên chuyện lớn. Ngoại còn bảo, người ta thường nói “ngu như heo”, “ngu như bò “, chứ chẳng ai nói “ngu như chuột “ mô nờ!

Có lẽ cùng với chó, chuột là con vật xuất hiện nhiều nhất trong thành ngữ, tục ngữ nước ta với chủ yếu mang ý nghĩa xấu. Do xảy ra biến cố mà mới phơi bày, lộ tẩy chân tướng của người liên quan thì có câu “Cháy nhà lòi mặt chuột”. May mắn, gặp được nơi sung sướng, đầy đủ một cách tình cờ là “Chuột sa hũ nếp”. Làm việc mờ ám, không rõ ràng không chính đáng đích thị là “Làm dơi, làm chuột”. Người có bề ngoài xấu xí, tâm địa đểu cáng được ví với hình ảnh “Mặt như mặt chuột”. Bày trò kiểu bánh vẽ là “hội đồng chuột”, hèn nhát là “Bỏ chạy như chuột”. Còn nữa, thân phận hèn kém, đáng khinh thì “Đập chuột, vỡ bình”.

Thiên hạ, rồi mạ con tôi cũng vậy, nhiều thành kiến và gặp lắm chuyện phiền hà, nhưng vẫn có hoài niệm và ấn tượng đẹp với chú tí. Nhớ hồi mới lên 5, mạ con tôi ở với ngoại. Buổi tối cuối năm, cả nhà đang dùng bữa bỗng nghe tiếng chuột reo vang. Mạ cười to, có tin vui rồi, ba sắp ra rồi đó. Chưa bao giờ, tôi thấy mạ háo hức đến thế. Dạo đó, ba tôi đang ở miền Tây Nam bộ. Y chang, trưa hôm sau, mấy mạ con đang cơm nước vui vẻ thì bất chợt ba xuất hiện, ui chao, mừng chi lạ. Người ta bảo, tự nhiên có tiếng chuột reo trong nhà là có tin vui, ứng trúng phóc trong trường hợp của mạ con tôi dạo ấy.

Người đời cũng rất tọ vẹ khi bảo rằng, phải là “chuột túc”, tức tiếng kêu rúc lên một hồi như gà trống “túc mái”, chứ không phải là kêu “chút chít”, mới là điềm may mắn, ắt hẳn sẽ khấm khá, làm ăn tiền của vào như nước: “Thứ nhất chuột túc trong nhà, thứ nhì đom đóm, thứ ba hoa đèn”. Nam bộ cũng có câu ca nghe thật dễ thương: “Chuột kêu rúc rích trong rương?/ Anh đi cho khéo, đụng giường mẹ hay”. Rồi nữa là thân phận kẻ dưới: “Con mèo mà trèo cây cau/ Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà…”. Trong bức tranh Đông Hồ “Đám cưới chuột”, ta thấy cô dâu chú rể ngồi kiệu, con chuột đi đầu xách con cá chép to dâng lên cho chú mèo. Kẻ dưới muốn hạnh phúc, yên ổn chớ có quên người trên!

Cũng chỉ sau cái buổi tối nọ hơn một năm thì ba tôi hồi hương, rồi ông mất sớm vào năm sau. Cho đến bây giờ, thỉnh thoảng, tôi vẫn thường bất chợt nghe tiếng chuột reo trong nhà. Bao tháng năm rồi đã đi qua kể từ ngày ba mất nhưng cứ mỗi lần như thế, tôi lại tưởng tượng có khi mô khôn hè, ba tôi đi xa ôm túi xách lù lù bước vô khiến mạ con tôi ngỡ ngàng, vì rằng cả nhà mới vừa nghe tiếng chuột…reo!

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Triển lãm tranh dân gian và trải nghiệm thư pháp

Sáng 23/2, tại Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện Quảng Điền, Bảo tàng Mỹ thuật tỉnh phối hợp với UBND huyện Quảng Điền tổ chức triển lãm chuyên đề Sắc Xuân.

Triển lãm tranh dân gian và trải nghiệm thư pháp
Triển lãm tranh mừng xuân

Triển lãm tranh con giáp thường niên do Art Gallery Sông Như tổ chức mừng Xuân Quý Mão vừa khai mạc chiều 12/1 tại không gian trưng bày của Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao TP. Huế (25 Lê Lợi).

Triển lãm tranh mừng xuân
Lịch treo tường từ tranh làng Sình

Thời điểm này, nghệ nhân Kỳ Hữu Phước đang tất bật với việc làm lịch treo tường cho khách. Những tấm lịch in thủ công từ tranh làng Sình (Phú Mậu, TP. Huế) là món quà giá trị được nhiều người chọn lựa, đặt hàng.

Lịch treo tường từ tranh làng Sình
Return to top