ClockThứ Năm, 20/04/2017 13:55

Chợ tiền tỷ sẽ hết “mắc cạn” ?

TTH - Bỏ ra hơn chục tỷ đồng để xây chợ khang trang, hiện đại, phục vụ khu công nghiệp (KCN) và dân cư nội thị huyện Phong Điền, nhưng DNTN Minh Tâm đang “đắng lòng” vì nhiều hộ kinh doanh họp chợ tự phát chưa chịu vào chợ.

Được xây dựng khang trang, hiện đại, nhưng chợ tư nhân Minh Tâm vẫn trong cảnh đìu hiu    

Tinh thần “mời gọi” của DN

Từ lời gợi mở kêu gọi đầu tư của chính quyền địa phương, năm 2014, bà Phan Thị Châu, chủ DNTN Minh Tâm từ Đà Nẵng về Phong Điền đầu tư dự án: Chợ - Trường mầm non - Khu nhà ở xã hội để phục vụ KCN và dân cư nội thị Phong Điền. Năm 2015, DN đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng chợ Minh Tâm với quy mô 117 lô, trên diện tích hơn 2.000m2, dọc tuyến Tỉnh lộ 9 về phía KCN Phong Điền, cách QL1A chừng 1km.

Tháng 10/2016, chợ Minh Tâm được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, sau hơn 6 tháng, ngôi chợ được cho là hiện đại kiểu mẫu của tỉnh vẫn chỉ thu hút được khoảng 10 lô đăng ký kinh doanh, trong đó chủ yếu kinh doanh hàng ăn, uống. Qua tìm hiểu, nguyên nhân khiến tiểu thương không vào chợ Minh Tâm là do cách chợ khoảng 300m có một khu chợ tạm với hơn 20 hộ kinh doanh họp chợ vào mỗi buổi chiều hằng ngày.

“Chúng tôi sẵn sàng không thu tiền thuê lô trong 3 tháng đầu vào chợ để thu hút và tạo điều kiện cho tiểu thương ổn định buôn bán. Đã có nhiều tiểu thương từ chợ An Lỗ, Tứ Hạ ra, từ Phong Mỹ, Phong Sơn về, rồi từ Điền Lộc, Phong Chương lên khảo sát, đặt cọc tiền, nhưng rồi họ cũng “thối lui” với lý do khó buôn bán nếu chợ tạm vẫn hoạt động”, bà Phan Thị Châu, chủ DNTN Minh Tâm nói.

Chỉ mới khoảng 10 lô hoạt động kinh doanh tại chợ

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Phong Điền cho biết, lý do chợ cóc hình thành là điều mà huyện không lường trước được. Nhất là từ khi Công ty Scavi mở cổng sau, khu chợ này lại thuận đường phục vụ chủ yếu cho công nhân sau giờ tan tầm. Nhiều người viện lý do, nếu chạy về chợ Minh Tâm sẽ ngược đường, nên tiện đâu mua đó. “Nếu chính quyền giữa thị trấn Phong Điền và xã Phong Hiền cùng quyết tâm, đồng lòng phối hợp dẹp triệt để chợ cóc thì chắc chắn số tiểu thương này sẽ vào họp tại chợ Minh Tâm và người mua, người bán ở các nơi theo đó cũng sẽ tìm đến”, ông Thanh khẳng định.

Bí thư Huyện ủy Phong Điền - Nguyễn Đại Vui cho rằng, quan điểm của huyện luôn tạo điều kiện cho nhà đầu tư và lập lại trật tự, nên huyện đã chỉ đạo thị trấn Phong Điền mời chủ đất cho các hộ thuê kinh doanh họp chợ lên làm việc và cam kết phải dừng cho thuê. Làm rõ vấn đề này, ông Thái Ngọc Thảo, Chủ tịch UBND thị trấn Phong Điền cho biết, địa phương đang ra quân tháo dỡ các hàng quán kinh doanh tạm bợ và cương quyết dẹp bỏ hoàn toàn chợ tự phát trong giữa tháng 4 này; đồng thời tuyên truyền, vận động các tiểu thương vào chợ quy hoạch để kinh doanh ổn định, đúng luật, đảm bảo an ninh trật tự, môi trường, xây dựng văn minh thương mại.

Ông Lê Văn Minh, Trưởng BQL chợ Minh Tâm cho hay, qua khảo sát mặt bằng chung nhiều nơi, giá lô mà DN đưa ra khá hợp lý. Hạ tầng, điện nước, dịch vụ của chợ rất đảm bảo. Nhất là hệ thống phòng cháy chữa cháy, điện chiếu sáng đều được thiết kế lắp đặt hoàn toàn tự động. Chỉ cần có khói là hệ thống báo sẽ phát tín hiệu hú còi. Nếu nhiệt độ đến mức khoảng 600C là hệ thống giàn phun tự động bung nước xịt chữa cháy kịp thời. Ngoài khuôn viên chợ còn có trạm bơm nước tự dộng với dung tích 120m3, đảm bảo cung cấp nước chữa cháy.

Chính quyền đang đồng hành cùng nhà đầu tư

Chợ Minh Tâm được xây dựng gồm 3 khu. Khu B, C có 61 lô kinh doanh các mặt hàng: rau, củ, quả, thịt, cá, uốn tóc, may vá. Giá mỗi lô từ 10 - 15 nghìn đồng/ngày. Khu A gồm 56 lô, kinh doanh các mặt hàng: gia dụng, áo quần, vải, bánh kẹo…. Giá mỗi lô từ 20 - 25 - 30 nghìn đồng/ngày.

Phải mất 4 năm tìm hiểu, thực hiện các thủ tục..., DNTN Minh Tâm mới hoàn thành ngôi chợ được đánh giá hiện đại kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh. Trước khi chọn vị trí xây chợ Minh Tâm, chủ DN và chính quyền địa phương đã nghiên cứu, khảo sát rất kỹ tiềm năng phát triển. Ngôi chợ này hình thành không chỉ làm thay đổi diện mạo, phục vụ nhu cầu mua bán cho người dân ở khu dân cư nội thị và các vùng lân cận như Phong Hiền, Phong An, Phong Mỹ, Phong Xuân… mà còn phục vụ cho KCN Phong Điền với số lượng hàng nghìn công nhân của các nhà máy.

Điều mà DN lo ngại nhất là vốn liếng bỏ ra lớn, nhưng lại chưa khai thác được là quá lãng phí. “Chợ có thể “chết” do 2 nguyên nhân: quy hoạch sai hoặc có chợ cóc, chợ tạm tồn tại. Chúng tôi lo sợ nếu chính quyền địa phương không quyết liệt dẹp triệt để chợ tạm thì nguy cơ “chết”  của DN là điều dễ xảy ra”, ông Lê Văn Đức, đại diện DNTN Minh Tâm trăn trở. Với suy nghĩ, tiểu thương sống được thì DN mới tồn tại. Vì thế, DN hết sức tạo điều kiện cho tiểu thương vào chợ như giãn thời gian thu tiền thuê lô, giá thuê ký hợp đồng trong 5 năm và thu các loại phí hợp lý.

Ông Phạm Văn Trai, chuyên viên Phòng Quản lý thương mại - Sở Công thương nêu quan điểm: DN sẵn sàng bỏ vốn, tạo điều kiện tối đa, ưu tiên cho các tiểu thương vào họp chợ là điều đáng được khuyến khích. Đây còn là điểm sáng trong chủ trương chuyển đổi mô hình quản lý chợ, xã hội hóa đầu tư xây chợ thương mại của tỉnh. Việc hình thành chợ tư nhân kiểu mẫu này còn giúp giảm, ngăn chặn chợ cóc, chợ tạm nằm vạ vật dọc đường gây mất trật tự giao thông, văn minh đô thị.

Bài, ảnh: Hoài Thương

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Được & Mất

Nghe giới thiệu tưởng ngon lành, chuyên nghiệp lắm. Một lần này thôi nhé, lần sau dù có nhét vàng cũng cạch! …

Được  Mất
Đưa một ý “thiện” vào văn hóa kinh doanh tại Huế

Đưa một chữ thiện vào triết lý kinh doanh, Tập đoàn TH đã phát triển TH True Milk trở thành thương hiệu sữa có giá trị dinh dưỡng cao, đáng tin cậy, được người Việt yêu mến. Huế có nền văn hóa Phật giáo tồn tại lâu đời, khi văn hóa đó thấm sâu vào sản phẩm đặc trưng của Huế thì hòa trong đó không chỉ đẹp, ngon, tinh tế mà còn mang có sự lợi lạc về cuộc sống cho khách hàng, khách du lịch.

Đưa một ý “thiện” vào văn hóa kinh doanh tại Huế
Số hóa trong nông nghiệp

Chuyển đổi số (CĐS) hướng đến phát triển kinh tế số đang được ngành nông nghiệp tỉnh bước đầu triển khai mang lại hiệu quả nhất định, thiết thực.

Số hóa trong nông nghiệp
Return to top