ClockChủ Nhật, 14/02/2021 06:34

Cho trái tim bình an

TTH - Ai ra đi, dù trong hoàn cảnh nào cũng để lại vô vàn nỗi thương tiếc cho gia đình và người thân. Nhưng nếu được chuẩn bị, sự ra đi ấy hoàn toàn có thể trao cơ hội ở lại cho nhiều cuộc đời khác – là khi thân thể người chết được hiến mô/tạng.

Trái tim của chúng taHành trình vận chuyển trái tim từ Hà Nội đến thành phố Hồ Chí MinhThực hiện thành công 21 ca ghép tạng xuyên Việt trong thời gian ngắnBệnh nhân hồi phục sức khỏe sau ca ghép tim thần tốc

Ê kíp bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế ghép tim cho bệnh nhân

Những chuyến đi không đơn độc

Ghép tạng được xem là một trong mười thành tựu nổi bật nhất của thế kỷ XX. Tại Bệnh viện Trung ương Huế, ghép tim trên người là một thành tựu đỉnh cao của lĩnh vực phẫu thuật tim và ghép tạng tại Việt Nam. Từ ca ghép tim đầu tiên được thực hiện vào năm 2011, đến nay Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện thành công 6 ca ghép tim xuyên Việt và 1 ca tại viện. Ghép tim xuyên Việt là hành trình chạy đua với thời gian của các ê-kíp để cứu sống người bệnh. Câu chuyện GS.TS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế xin nghỉ một buổi họp Quốc hội, để đưa tim về Huế kịp khung giờ vàng ghép cho bệnh nhân đã không còn xa lạ trong làng ghép tạng trong nước. Đã hơn hai năm, cảm xúc trong người thầy thuốc Nhân dân ấy vẫn vẹn nguyên, ấm áp.

Giữa năm 2018, Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia đã điều phối một quả tim từ Bệnh viện Việt Đức đến Bệnh viện Trung ương Huế để cứu sống cháu bé 15 tuổi bị suy tim giai đoạn cuối. Bấy giờ, trong tình huống quá khẩn cấp, ê-kíp của Bệnh viện Trung ương Huế không thể ra để lấy tạng kịp nên phải nhờ đến các đồng nghiệp của Bệnh viện Việt Đức lấy giúp. Cùng thời điểm đó, GS.TS. Phạm Như Hiệp đang tham dự kỳ họp Quốc hội ở Thủ đô nên đã xin nghỉ một buổi họp, tham gia lấy tạng cùng các đồng nghiệp và đích thân đưa tạng về Bệnh viện Trung ương Huế. Khuya, Hà Nội không còn chuyến bay về Huế. Quả tim và GS. Hiệp phải đáp xuống sân bay Đà Nẵng rồi mới trở ra Huế, thần tốc di chuyển bằng xe cứu thương đặc biệt vượt 100km đường bộ về ghép cho bệnh nhân ngay trong đêm.

BS. Trần Hoài Ân và BS Trần Thanh Thái Nhân ghép tim cho bệnh nhân

“Thời khắc đó, chúng tôi rất lo rằng dù đã được các đồng nghiệp hỗ trợ tích cực để có thể đến sân bay nhanh nhất, máy bay vẫn không thể chờ. Nhưng khi chúng tôi đến nơi, không chỉ Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để lên máy bay ngay, mà hình như các hành khách cũng cảm nhận được việc quan trọng khẩn cấp nên không ai phàn nàn, khó chịu”, GS. TS. Phạm Như Hiệp nhớ lại.

Rồi chuyến đi lấy tạng ở Bà Rịa - Vũng Tàu cũng để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong GS. Hiệp và các đồng nghiệp. Vì điều kiện giao thông và khoảng cách địa lý xa xôi, ban đầu Bệnh viện Chợ Rẫy và Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã tính di chuyển người hiến bằng xe cứu thương lên Bệnh viện Chợ Rẫy để lấy tạng. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc các phương án, lại có sự hỗ trợ của lực lượng cảnh sát giao thông các địa phương, việc lấy tạng được thống nhất thực hiện ngay tại Bệnh viện Bà Rịa - Vũng Tàu, sau đó mới di chuyển lên TP. Hồ Chí Minh, ra Hà Nội và Huế. Chính nhờ sự hỗ trợ của cảnh sát giao thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh và Việt Nam Airlines mà trong ca ghép tim vào đầu tháng 12/2020, Bệnh viện Trung ương Huế đã xác lập 3 kỷ lục mới trong ghép tạng xuyên Việt: Lần đầu tiên lấy tạng tại một bệnh viện tuyến tỉnh của Việt Nam; thời gian từ nơi lấy tạng đến nơi ghép dài nhất; thời gian từ khi quả tim được lấy ra khỏi cơ thể người hiến và được đập lại trong lồng ngực người được nhận nhanh nhất (chỉ mất 5 giờ 20 phút).

“Ở nước ngoài, công tác ghép tạng chỉ được thực hiện bởi các đơn vị chuyên dụng. Trong khi đó, nước ta do chưa đủ điều kiện nên là quốc gia duy nhất trên thế giới sử dụng máy bay dân dụng để vận chuyển tạng và có nhiều thành phần trong xã hội tham gia hỗ trợ công tác ghép tạng, tận dụng từng khoảnh khắc quý giá để cứu người. Ý nghĩa nhân văn đó vô cùng sâu sắc, thể hiện sự chia sẻ của toàn xã hội đối với công tác ghép tạng phục vụ cho người bệnh. Đó cũng có thể xem là kỷ lục của giới ghép tạng Việt Nam đối với thế giới”, GS. TS. Phạm Như Hiệp tâm đắc.

Nhân lên vạn niềm vui

Quả tim được GS.TS Phạm Như Hiệp trực tiếp vận chuyển về Huế năm 2018, được kíp mổ do ThS.BS. Trần Hoài Ân, Giám đốc Trung tâm Tim mạch ghép ngay trong đêm cho bệnh nhi Phạm Văn C. Đây cũng là trường hợp để lại nhiều cảm xúc sâu sắc nhất cho vị bác sĩ đáng kính này. C. là một trong hai trường hợp đủ điều kiện ghép tim của người hiến, nhưng cuối cùng cháu đã được Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia ưu tiên. Năm ấy, C. chỉ mới 15 tuổi. Em không chỉ còn cả tương lai dài phía trước, mà hoàn cảnh gia đình cũng rất đặc biệt khi có ba và anh trai đã mất trước đó vì bệnh tim. C. và người chị gái là cả niềm tin sống của mẹ. Nếu C. không được cứu sống, những năm tháng còn lại của người mẹ bất hạnh ấy chỉ còn là sự kiệt quệ trong đau khổ. Phép màu đã đến với C. BS. Hoài Ân xúc động: “Việc cứu sống cháu C. đem lại cho đội ngũ bác sĩ chúng tôi niềm vui vô cùng to lớn. Nhìn thấy cháu khỏe mạnh, học hành bình thường và còn có thể chơi bóng cùng bè bạn, chúng ta càng cảm nhận niềm hạnh phúc khi hiến tạng - món quà nối dài sự sống, đẹp đẽ và quý giá đến nhường nào”.

BS. Trần Hoài Ân lại trầm giọng khi cho biết, trên 50% ca ghép tim được thực hiện tại Mỹ. Phần còn lại được thực hiện tại châu Âu và các châu khác. Cơ hội được nhận tim ở châu Á và nhất là khu vực miền Trung Việt Nam là rất khó khăn. Tại Bệnh viện Trung ương Huế, từ khi triển khai kỹ thuật ghép tim vào năm 2011 đến nay, mới có duy nhất một quả tim được hiến tại bệnh viện. Những trường hợp còn lại, đều nhận tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Bên cạnh việc quản lý gần 2.000 thành viên đăng ký hiến mô/tạng sau khi đột ngột qua đời ở độ tuổi có thể lấy được mô/tạng, Trung tâm Ghép tạng của Bệnh viện Trung ương Huế cũng đang lồng ghép tổ chức nhiều hoạt động để vận động, thay đổi quan niệm của người dân về nghĩa cử này.

Năm 1997, ThS.BS. Trần Hoài Ân bắt đầu sang Cộng hòa Pháp để học về ghép tạng theo chương trình đào tạo bác sĩ nội trú. Nơi ông theo học, mỗi năm người ta ghép tim cho khoảng 15 trường hợp. Nhờ đó, những bác sĩ trẻ như ông có nhiều cơ hội được học tập kỹ thuật này. Đến nay, khi đã trực tiếp tham gia gần 200 trường hợp ghép tạng mỗi năm, BS. Ân vẫn nhớ rất rõ cảm giác trong những lần đầu tham gia ê-kip ghép tạng. “Đó là một cảm giác sợ hãi vô cùng khó chịu. Khi lấy quả tim ra khỏi cơ thể bệnh nhân, nhìn vào khoảng trống rỗng ấy tôi cứ tự hỏi: nếu quả tim mới mình ghép vào không đập thì sẽ ra sao? Đến giờ, tôi vẫn thường nghĩ về điều đó, đối diện với nó và luôn nhắc bản thân vượt qua nỗi sợ hãi để tất cả mọi trái tim đều có thể được nối nhịp. Hy vọng nghĩa cử hiến tạng ngày càng lan tỏa trong cuộc sống”, ông cười nhẹ nhõm.

Xin mượn chia sẻ của một cư sĩ để thay lời kết. Vị cư sĩ ấy, sau khi đăng ký hiến tạng thành công đã bày tỏ: “Với tôi, nghĩ cho cùng, sau khi mình chết, thân thể sẽ mau chóng hoại diệt. Nếu còn có thể tiếp thêm nguồn sống cho ai đó, tại sao ta không làm?”. Và ông nhắn nhủ: “Tôi không nghĩ mình đang tặng cho họ mà chính họ có công mang và nuôi dưỡng mầm sống của mình. Nhờ đó, tôi được nối dài sự sống trong một cơ thể khác. Tôi biết ơn họ. Phép mầu của hiến tặng chính là làm cho trái tim mình thực sự bình an”.

Bài: Thu Thủy - Ảnh: Thượng Hiển

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ca ghép tim từ tạng hiến Quảng Ninh xuất viện

Ngày 24/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế tổ chức lễ ra viện cho bệnh nhân (BN) Phạm Q.T.. Đây là trường hợp ghép tim thứ 11 và là ca ghép tim xuyên Việt thứ 10 tại đơn vị.

Ca ghép tim từ tạng hiến Quảng Ninh xuất viện
Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 8: Trái tim của huyện đảo Trường Sa

Rất nhiều người Việt Nam yêu và thuộc bài hát “Gần lắm Trường Sa” của nhạc sĩ Huỳnh Phước Long. Bài hát có những câu khi hát lên thật bồi hồi, xúc động “Không xa đâu Trường Sa ơi, không xa đâu Trường Sa ơi! Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh. Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em…”. Là người Việt Nam, ai cũng có ao ước được một lần đặt chân lên đảo Trường Sa, chúng tôi thật may mắn cùng Đoàn công tác số 5 đặt chân lên đảo.

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 8 Trái tim của huyện đảo Trường Sa
Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 1: Những chuyến tàu nặng tình yêu Tổ quốc

Đầu tháng 4/2024, Báo Thừa Thiên Huế có dịp cùng đoàn công tác đến với Quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Giữa trùng khơi sóng vỗ, giữa tất bật cuộc lữ hành và cùng đoàn công tác thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân nơi đảo xa, những dòng ghi chép nóng hổi của Báo đã kịp gửi về đất liền.

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 1 Những chuyến tàu nặng tình yêu Tổ quốc
Return to top