ClockThứ Hai, 01/08/2016 05:41
DI DỜI CÁC LÒ GIẾT MỔ GIA SÚC TẬP TRUNG Ở TP. HUẾ:

Chờ vị trí phù hợp

TTH - Trong tâm thế chờ “ra đi”, nên dường như việc xử lý ô nhiễm môi trường tại các cơ sở giết mổ gia súc tập trung của TP. Huế vẫn còn để ngỏ. Kế hoạch xóa các “điểm đen” này vẫn chưa có câu trả lời.

Nhà đầu tư bỏ cuộc

Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh đi đầu trong cả nước về quy hoạch các điểm giết mổ tập trung (GMTT). Nhờ đó đã quy gom được các điểm giết mổ nhỏ lẻ, giải quyết tình trạng mổ chui, mổ lậu và kiểm soát được dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đến nay, toàn tỉnh có 32 cơ sở GMTT, với số lượng giết mổ bình quân mỗi ngày khoảng 2.500 con lợn và 50 con trâu, bò. Trong đó, trên 50% lượng gia súc GMTT tại địa bàn TP. Huế, chủ yếu ở các lò GMTT Hương Sơ và Bãi Dâu.

Lò giết mổ Hương Sơ trở thành “điểm đen” nhiều năm nay, cần sớm di dời

Hiện nay, các cơ sở GMTT ở TP. Huế gồm: Hương Sơ, Bãi Dâu, Xuân Phú, Thủy Biều đều nằm trong diện phải di dời. Trong đó, bức bách nhất là cơ sở GMTT Hương Sơ. Vì xây dựng đã quá lâu, diện tích hẹp, hệ thống xử lý chất thải rắn, lỏng xuống cấp, công suất giết mổ vượt gấp đôi thiết kế ban đầu, nên lò mổ Hương Sơ trở thành “điểm đen” từ nhiều năm nay. Cũng chính vì trong tâm thế chờ di dời, chủ cơ sở chỉ đầu tư, nâng cấp nhỏ những hạng mục phục vụ giết mổ, việc đầu tư cho xử lý chất thải hầu như không có, nên tình trạng ô nhiễm không được cải thiện, gây bức xúc đối với người dân quanh khu vực.

Ông Hồ Xuân Cường, Giám đốc Công ty cổ phần Nông ngư súc sản Huế, chủ 2 cơ sở GMTT Hương Sơ và Xuân Phú thừa nhận, đơn vị rất áp lực về vấn đề dân cư, môi trường. Từ năm 2009, công ty đã có văn bản trình UBND tỉnh cho phép di dời đến địa điểm khác. Theo như Quyết định 1590 quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung của tỉnh giai đoạn 2012- 2020 do UBND tỉnh ký vào năm 2013, khu vực phường Hương Sơ hoặc An Hòa được chọn để xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm phía Bắc với diện tích khoảng 2ha. Nhận thấy vị trí phù hợp, công ty đã mạnh dạn đề xuất phương án đầu tư. Tuy nhiên, đến năm 2015, UBND tỉnh ký Quyết định 1677 điều chỉnh bổ sung quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, giai đoạn 2015- 2020 trên địa bàn TP. Huế, thị xã Hương Trà và thị xã Hương Thủy. Theo đó, không quy hoạch điểm xây dựng cơ sở GMTT trên địa bàn TP. Huế và di dời các cơ sở đến điểm quy hoạch mới tại làng Chía, phường Hương An, thị xã Hương Trà.

Một điều mà những doanh nghiệp đang có ý định đầu tư chưa “mặn mà” là địa điểm quy hoạch nằm giao với đường tránh Huế và đường cao tốc Cam Lộ - Túy Loan. Từ đây, nếu muốn đưa gia súc, gia cầm và sản phẩm sau giết mổ lên về thành phố phải mất hơn 13km và vượt qua đường cao tốc, chưa kể đường đi khó khăn, nguy hiểm, trong khi thịt là mặt hàng cần độ tươi sống, đảm bảo an toàn vệ sinh, kịp đến tay người tiêu dùng… Vì lý do đó, có 3 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ gia súc trên địa bàn từng đăng ký tham gia đầu tư đành phải bỏ cuộc.

Nên cân nhắc vị trí phù hợp

Kinh nghiệm gần 20 năm trong nghề, ông Hồ Xuân Cường thẳng thắn cho rằng, nếu tỉnh vẫn quyết chọn làng Chía, phường Hương An để xây dựng cơ sở GMTT thì tin chắc rằng sẽ không có nhà đầu tư nào dám mạo hiểm “ném” tiền vào đây. Sự lựa chọn không nằm ở chủ cơ sở mà chính các chủ mổ, tiểu thương, bạn hàng mới là những người quyết định hiệu quả hoạt động giết mổ nếu họ thấy ở đâu thuận lợi trong mua bán, giao thương đi lại. Ông Hồ Xuân Cường phân tích, muốn đầu tư một cơ sở mới phải trên 30 tỷ đồng. Bỏ ra một số tiền lớn như vậy thì nhà đầu tư phải tính toán kỹ hiệu quả kinh tế cũng như duy trì lâu dài. Đơn vị cũng đã lên phương án sẽ đầu tư một cơ sở giết mổ khép kín từ quy trình giết mổ cho đến quy trình xử lý, hiện đại theo hướng bán công nghiệp. Điều kiện cần nữa là phải có vùng đệm. Nếu có vùng đệm, nhà đầu tư sẽ trồng các vành đai cây xanh để lọc không khí, khử mùi và xây các hồ sinh học. Qua nhiều chuyến đi tham quan học hỏi cũng như kinh nghiệm lâu năm trong nghề, ông Cường cho rằng, việc xử lý chất thải đối với hoạt động giết mổ gia súc bằng hồ sinh học là hiệu quả hơn hết.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phan Thiên Định thông tin, quan điểm của tỉnh, trước hết, ưu tiên cho các cơ sở thuộc đối tượng di chuyển lập dự án đầu tư. Trường hợp các doanh nghiệp này không thực hiện thì sẽ kêu gọi, lựa chọn nhà đầu tư khác có năng lực tham gia. Hiện tại, một công ty ngoại tỉnh đang có nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ với diện tích tương đối lớn để vừa phục vụ giết mổ gia súc trên địa bàn và giết mổ bò xuất khẩu. Qua khảo sát, tìm kiếm vị trí, công ty đề nghị xây dựng tại huyện Phú Lộc, tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu thịt bò qua cảng Chân Mây. Tuy nhiên, do vướng quy hoạch, nên Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT đang lựa chọn, giới thiệu vị trí khác thích hợp, thuận tiện cho nhà đầu tư.

Hoài Thương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thăm và tặng quà cho các gia đình chiến sĩ Điện Biên

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), ngày 24/4, UVTV Tỉnh uỷ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Huế Phan Thiên Định cùng lãnh đạo thành phố đã đến thăm và tặng quà cho các gia đình chiến sĩ, thanh niên xung phong trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thăm và tặng quà cho các gia đình chiến sĩ Điện Biên
Return to top