ClockThứ Năm, 08/03/2012 14:47

Chờ vốn để triển khai

TTH - Đưa vào sử dụng từ năm 2003, khai thác được một thời gian ngắn thì tuyến đường bị hư hỏng. Hơn 8 năm trôi qua, đường tránh Huế là nỗi ám ảnh của lái xe và hành khách trên hành trình Bắc-Nam. Hiện nay, đường tránh Huế đã có quyết định đầu tư sửa chữa lớn nhưng chưa được triển khai.

Đã có quyết định đầu tư sửa chữa lớn

Đường tránh Huế được triển khai xây dựng, với mục đích giảm lưu lượng phương tiện, hạn chế ách tắc giao thông cho TP Huế; hướng mở để phát triển kinh tế, xã hội cho cả vùng phía Tây Thừa Thiên Huế. Tuyến đường dài 36 km được thiết kế theo tiêu chuẩn cấp III đồng bằng, nền rộng 12 mét, mặt hai lớp bê tông, với tổng mức đầu tư 385 tỷ đồng. Do tuyến đường chóng xuống cấp nên từ khi đưa vào sử dụng đến nay, đơn vị quản lý tốn rất nhiều tiền của duy tu, sửa chữa. Ông Phan Châu Thành, Trưởng phòng Quản lý Giao thông Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ Thừa Thiên Huế cho biết: “Bình quân mỗi năm có một đợt sửa chữa vừa và rất nhiều đợt sửa chữa nhỏ, đảm bảo giao thông. Riêng trước Tết Nhâm Thìn, công ty đã huy động 300 công nhân dặm vá ổ gà ,tiêu tốn 2,5 tỷ đồng, nhưng đảm bảo giao thông chỉ được một thời gian ngắn thì đâu lại vào đó. Hiện đường tránh Huế vẫn đang triển khai dự án sửa chữa cục bộ, với 3 đơn vị thi công. Kinh phí cho đợt sửa chữa này cũng hơn 10 tỷ đồng, từ nguồn vốn khắc phục bão lụt, song kết quả vẫn chưa được như mong đợi.

Vừa khai thác vừa đảm bảo giao thông trên đường tránh Huế

Ngày 15 tháng 4 năm 2011, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có Quyết định về việc Phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế: Tiếp tục đầu tư một số hạng mục xử lý và tăng cường nền mặt đường. Theo đó, phương án được triển khai xây dựng là giữ nguyên bình đồ tuyến đường hiện tại; thiết kế đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, các điểm khống chế, đảm bảo bề dày kết cấu mặt đường tăng cường. Các vị trí bị hư hỏng cục bộ như mặt đường bị rạn nứt lớn, bong bật, sình lún, ổ gà… thì khoanh vùng đào bỏ phần nền mặt đường cũ, thay bằng kết cấu nền, mặt đường mới, thảm 2 lớp bê tông nhựa trên các lớp móng cấp phối đá dăm. Ngoài ra, dự án còn sửa chữa hệ thống thoát nước, cầu, nút giao và một số công trình ATGT trên tuyến; đảm bảo tốc độ thiết kế 80km/g. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 437 tỷ đồng, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Thời gian thực hiện dự án năm 2011 đến năm 2012…

Còn phải chờ vốn

Thời gian thực hiện dự án tuy đã được ghi rõ trong quyết định nhưng đến nay đã gần hết quý I năm 2012 vẫn chưa động tĩnh. Theo ông Dương Quang Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ Thừa Thiên Huế (đơn vị quản lý tuyến đường) thì việc triển khai, điều hành dự án do Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Khu Quản lý đường bộ IV thực hiện nhưng đến nay, đơn vị quản lý vẫn chưa nhận được một thông tin nào từ cấp trên nên khả năng triển khai sửa chữa lớn đường tránh Huế trong năm 2012 này là rất thấp... Thực trạng xuống cấp đường tránh Huế không chỉ gây thiệt hại về công tác quản lý, bởi phải liên tục đầu tư kinh phí đảm bảo giao thông mà còn gây thiệt hại lớn đến việc vận chuyển hành khách, hàng hóa trên tuyến. Anh Phạm Văn Hậu, quê Thanh Hóa, lái xe tải 17K 3409 nói: - Tuyến này chỉ dài 36km mà tôi phải chạy mất 4 giờ; trong lúc nếu đường tốt bình thường, thì chỉ mất 45 phút. Nhiên liệu phải bù thêm khoảng 500 ngàn đồng nữa; chưa kể đường xóc gây hư hỏng phương tiện. Nhiều đồng nghiệp của tôi chạy liều qua thành phố, dù có bị phạt cũng lợi hơn chạy qua tuyến đường này...

Đi trên đường tránh Huế mới thấy hết sự vất vả, khổ cực của hành khách và phương tiện. Mặt đường lồi lõm, chằng chịt những “ổ voi, ổ gà”. Nhiều đoạn được bù lên, vá chồng lên vá. Mặt bê tông nhựa bị bong tróc. Hàng chục đoạn dài được ngăn lại một bên để bù đá, vá lại mặt đường. Các phương tiện lưu thông thì cứ hì hục, lấn qua trái, lách qua phải để tìm đường đi.     

Thực trạng xuống cấp của đường tránh Huế hiện nay quá nghiêm trọng, sửa chữa quy mô lớn là việc làm cần thiết. Ông Phan Châu Thành, Trưởng phòng Quản lý giao thông Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ Thừa Thiên Huế cho rằng: - Có thể do nguồn vốn chưa được bố trí nên việc triển khai thực hiện dự án sửa chữa lớn đường tránh Huế bị chậm lại, song không thể không làm. Theo ông Thành, nếu triển khai sửa chữa lớn đường tránh Huế thì chỉ nên phân ra 2 gói thầu để dễ giám sát chất lượng; cũng như nâng cao trách nhiệm của nhà thầu trong quá trình thi công. Thi công từng bên một để đảm bảo lưu thông... Trong lúc chờ triển khai dự án sửa chữa lớn, chúng tôi vẫn bố trí nhân lực và phương tiện để đảm bảo giao thông.

Đặng Thành
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát nhằm phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án (DA) mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương

Mặt bằng thi công Dự án (DA) đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương chưa giải phóng hoàn toàn, mới chỉ đủ để triển khai phần cầu. Chủ đầu tư yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) nhằm đáp ứng tiến độ thi công DA.

Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương
Return to top