ClockThứ Tư, 20/12/2017 05:21

Chơi để học nhìn từ một hội thi

TTH - Hội thi nghiệp vụ sư phạm Trường ĐH Sư phạm – ĐH Huế là “lời gợi ý” cho các cơ sở giáo dục trong quá trình đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo.

Khoa Giáo dục Mầm non giành giải Nhất toàn đoàn Hội thi Nghiệp vụ sư phạmXây dựng đội ngũ kiểm sát viên giỏi nghiệp vụKhai giảng lớp đào tạo chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm

Lồng ghép chơi và học

Hội thi nghiệp vụ sư phạm Trường ĐH Sư phạm năm nay đúng vào những ngày mưa đầu tháng 12, song từ sáng sớm, hội trường khoảng 1.200 chỗ ngồi đã được lấp đầy.

Phần thi thiết kế giáo án và tổ chức dạy học được tổ chức tại Trường mầm non Phú Hội

Lấy ý tưởng từ các kỹ năng nghề nghiệp, xử lý tình huống sư phạm, các phần thi chứa đựng kiến thức chuyên môn, kỹ năng do nhà trường đào tạo và chuyển hóa thành những nội dung thi hấp dẫn. Đơn cử như phần thi chào hỏi – xử lý tình huống sư phạm, các đội dựa trên kiến thức, kỹ năng học được và dàn dựng một tiểu phẩm thú vị, hài hước qua đó giới thiệu thông tin nổi bật của khoa mình.

Cái hay của hội thi là tạo ra những trải nghiệm khác nhau. Nếu phần thi tài năng, chào hỏi – xử lý tình huống sư phạm được tổ chức trong không gian sân khấu hội trường với đầy đủ âm thanh, ánh sáng thì các phần thi thiết kế giáo án và tổ chức dạy học; thiết kế và tổ chức hoạt động giáo dục được tổ chức ngay tại một số điểm trường mầm non, tiểu học, trung học phổ thông trong phạm vi TP. Huế, để sinh viên trải nghiệm nghề trước học sinh, giáo viên. Điều này mang lại môi trường thực hành, thực tập nghề cho sinh viên, đồng thời cũng là cơ hội để giảng viên kiểm nghiệm, đánh giá phương pháp giảng dạy của mình.

Võ Thị Thảo, sinh viên Trường ĐH Sư phạm chia sẻ, từ hội thi nghiệp vụ sư phạm, em học được các kỹ năng như giao tiếp, nói trước đám đông, xử lý tình huống… Đây không chỉ là những kỹ năng phục vụ cho nghề nghiệp tương lai mà có thể áp dụng vào thực tiễn cuộc sống.

PGS. TS. Nguyễn Đình Luyện, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm chia sẻ, đến nay hội thi trải qua mùa thứ 10 (định kỳ tổ chức hai năm một lần) và luôn có sức hút với đông đảo sinh viên. Để có được hiệu quả, ban tổ chức nghiên cứu những ý tưởng lồng ghép hình thức chơi mà học để không chỉ người thi mà các sinh viên cổ vũ cũng vừa xem vừa học, qua đó rèn luyện các kỹ năng. Trước khi tổ chức hội thi cấp trường là hội thi cấp khoa để sinh viên làm quen và có bước chuẩn bị kỹ, tạo ra tính hấp dẫn. “Qua các lần tổ chức, hội thi đã có những thay đổi về hình thức, nội dung, phù hợp với tình hình thực tế. Như năm nay, nhà trường thêm mới hai phần thi là thuyết trình, thiết kế và tổ chức hoạt động giáo dục. Đây cũng là các kỹ năng cần thiết cho sinh viên sư phạm trong giai đoạn hiện nay”, ông Luyện nói thêm.

Cần thêm những sân chơi

Hội thi nghiệp vụ sư phạm được xem là một ví dụ điển hình trong việc tạo ra những hoạt động mới, hiệu quả bên cạnh phương thức đào tạo truyền thống. Lâu nay, vấn đề đào tạo kỹ năng gắn với đào tạo nghề trong nhà trường và hiệu quả thực sự trong phương pháp đào tạo là vấn đề khiến nhiều người băn khoăn. Khảo sát của người viết với sinh viên nhiều trường, vẫn có không ít ý kiến cho rằng, chương trình còn nặng tính hàn lâm; phương pháp đào tạo chưa thực sự tạo hứng thú với người học. Điểm chung của sinh viên là thích những sân chơi lồng ghép với việc học liên quan đến ngành nghề của mình – mô hình tương đồng với hội thi nghiệp vụ sư phạm.

Hiện, ở giảng đường ĐH, cao đẳng vẫn có khá nhiều hoạt động, hội thi nhằm rèn luyện kỹ năng, phục vụ cho việc học, song hiệu quả còn chừng mực và sức hút chưa cao. Lý do là ngoài quy mô, tính chất còn nhỏ thì hình thức và cách tổ chức các hoạt động thường nặng tính giải trí hoặc chỉ thiên về học tập, khó dung hòa tốt cả hai yếu tố để tạo ra sự hứng khởi cho sinh viên.

Qua trao đổi, ông Johnson Ong Chee Bin, chuyên gia AUN – QA (Tổ chức đảm bảo chất lượng mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á) về xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra khẳng định, cần thay đổi phương pháp dạy học, đánh giá sinh viên; không chỉ bằng hình thức giảng dạy, kiểm tra mà có thể chuyển hóa bằng các hình thức khác, có thể là các hoạt động kỹ năng, hội thi… nhưng vẫn đáp ứng được kiến thức và kỹ năng phục vụ cho ngành học. Nói điều này để thấy, trong quá trình đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy, việc tổ chức các hội thi, phần thi lồng ghép các kiến thức học tập cũng có thể là một lựa chọn.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, các ngành học hay thậm chí các môn học cũng có thể tạo ra các sân chơi như các cuộc thi. Việc đưa sinh viên ra khỏi lý thuyết nặng nề bằng hình thức mới mẻ sẽ giúp người học tiếp thu kiến thức và rèn luyện kỹ năng tốt hơn.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học

Với mục tiêu đào tạo các thế hệ học sinh phát triển toàn diện, cùng với đầu tư cơ sở vật chất, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) TP. Huế triển khai nhiều giải pháp trong đổi mới giáo dục tiểu học (TH), giúp học sinh tiếp cận phương pháp giảng dạy hiên đại, phát triển các khả năng hội nhập, như kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, giao tiếp…

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học
Đa dạng hình thức giáo dục văn hóa Huế cho giới trẻ

Làm gì để giữ gìn văn hóa Huế trong dòng chảy cuộc sống hôm nay? Đó là nỗi trăn trở của những người yêu Huế. Muốn giữ gìn, phát huy, lan tỏa thì phải chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục đối với mọi tầng lớp nhân dân, trong đó phải kể đến đối tượng học sinh – sinh viên đang học tập, sinh hoạt trong mỗi trường học.

Đa dạng hình thức giáo dục văn hóa Huế cho giới trẻ
Return to top