ClockThứ Ba, 16/04/2019 19:37
Quy hoạch vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai:

Chọn hướng đi thích ứng với biến đổi khí hậu

TTH - Quy hoạch vùng cảnh quan sinh thái đầm phá Tam Giang - Cầu Hai phải hài hòa mục tiêu phát triển kinh tế, cảnh quan môi trường và dân sinh là yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ tại cuộc họp bàn đề xuất ý tưởng quy hoạch xây dựng vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai sáng 16/4.

Hỗ trợ sinh kế cho cư dân đầm phá Tam Giang - Cầu Hai

Định hướng phát triển kinh tế đầm phá sẽ là một nội dung quy hoạch

Quy hoạch 68.000 ha

Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trải dài 68 km thuộc địa phận 5 năm huyện, thị xã: Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc; là hệ sinh thái cảnh quan độc đáo với 3 vùng đặc trưng: khu vực cồn cát mới và cồn cát cổ đại; vùng trung tâm là khu vực đô thị dọc sông Hương, sông Bồ; khu vực mặt nước rộng lớn.

Ông Hoàng Hải Minh, Giám đốc Sở Xây dựng thông tin, có tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tuy nhiên, vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai vẫn chưa có quy hoạch xây dựng làm điểm tựa, định hướng tầm nhìn phát triển.

Tháng 7/2018, UBND tỉnh thống nhất giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với đơn vị tài trợ và các đơn vị tư vấn tiến hành xác định phạm vi quy mô và hình thức lập quy hoạch về hệ đầm phá lớn nhất Đông Nam Á. Phạm vi nghiên cứu quy hoạch khoảng 68.000 ha bao gồm: khu vực miền núi, đồng bằng, đầm phá.

Theo đơn vị tư vấn quy hoạch, TP. Huế và khu vực định cư dọc phá Tam Giang - Cầu Hai thường xuyên bị tác động bởi ngập lụt, nước biển dâng. Trong thời điểm biến đổi khí hậu (BĐKH) đang có nhiều diễn biến phức tạp, dải cồn cát ven biển đóng vai trò như đê bao tự nhiên chống tác hại của biển. Quốc lộ 1A đóng vai trò như đê nhân tạo, bảo vệ một số khu vực phía tây nam tuyến đường. Theo đó, khu vực địa hình cao, chân đồi núi phía tây nam mới phù hợp phát triển đô thị trong tương lai.

Trong định hướng phát triển đô thị dân cư, đơn vị tư vấn xác định 3 mô hình chính (riêng khu vực Phong Điền, Quảng Điền chưa có đề xuất cụ thể) phù hợp với cảnh quan và ý tưởng phát triển vùng đầm phá. Trong đó, khu dân cư mới ven đồi tập trung ở khu vực ven chân đồi phía tây và tây nam có độ cao từ 5-25 m so với mực nước biển, liên kết chặt chẽ với hệ thống công viên sinh thái, cảnh quan đồi núi hiện có.

Khu vực Phú Diên, Phú Đa, Vinh Hưng sẽ duy trì phát triển các khu dân cư phía sau cồn cát nhằm hạn chế ảnh hưởng BĐKH, liên kết với hệ thống rừng phòng hộ, vùng sản xuất và công viên nghĩa trang. Đối với khu vực thấp trũng phía bắc TP. Huế (Phú Mậu, Phú Dương, Hương Phong, Quảng An…), tăng mật độ dân cư để tăng khả năng thích ứng BĐKH theo hướng hình thành các cụm đảo trong thời gian ngập nước, hình thành đặc trưng riêng, có thể khai thác du lịch.

Đánh bắt thân thiện môi trường khu vực đầm phá

Tăng khả năng thích ứng

Theo ông Đặng Minh Nam, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội, là khu vực chịu ảnh hưởng lớn ngập lụt và nước biển dâng nên quá trình thực hiện quy hoạch vùng phải đánh giá thực tế tình hình BĐKH, từ đó có những giải pháp phù hợp cho khu vực hiện hữu và định hướng phát triển sau này đảm bảo cho những vùng định cư. Ngoài trọng tâm phát triển là du lịch dịch vụ, Thừa Thiên Huế còn có thế mạnh kinh tế biển, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản đầm phá vì thế quy hoạch phải hài hòa và có sự kết hợp giữa các loại hình kinh tế trên; gắn quy hoạch vùng với quy hoạch phát triển kinh tế trên vùng đầm phá.

Ông Trương Văn Giang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, quan trọng nhất hiện nay là đánh giá lại những tác động của BĐKH trong vòng 50 hay 100 năm tới. Vấn đề xây dựng hệ thống hàng rào bảo vệ dọc ngoài khơi để bảo vệ các khu định cư ven biển cần đánh giá lại về tính hiệu quả, kinh phí lẫn tác động ngược trở lại với môi trường, cảnh quan. Cùng với đó, cần xây dựng hệ thống rừng phòng hộ dọc biển, đánh giá tác động của hệ thống cồn cát ven biển nhằm giảm bớt tác động của nước biển dâng.

Kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đánh giá cao những đề xuất của đơn vị tư vấn trong việc nghiên cứu, đưa ra ý tưởng quy hoạch xây dựng vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Tuy nhiên, quy hoạch trên vẫn còn thiếu các yếu tố như khai thác hiệu quả mặt nước trong phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng hệ thống giao thông kết nối giữa các vùng và kiến trúc chung cho khu vực đầm phá và định hướng phát triển khu vực đầm phá 2 huyện Quảng Điền, Phong Điền.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan bám sát nhiệm vụ quy hoạch, đảm bảo thông tin đầu vào cho các đơn vị tư vấn. Hiện đã có một số dự án cấp phép đầu tư dọc phá, ven biển nhưng theo đánh giá của đơn vị tư vấn, những vùng này có nguy cơ chịu tác động bởi BĐKH, các đơn vị sở ngành, địa phương cần sớm tham mưu, đưa ra các giải pháp khắc phục phù hợp, tránh ảnh hưởng đến việc thực hiện quy hoạch những năm về sau.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phục hồi, cân bằng sinh thái trên sông, đầm phá

Thả con giống để tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản trên sông, đầm phá là hoạt động thiết thực được duy trì hàng năm nhằm góp phần phục hồi, bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh.

Phục hồi, cân bằng sinh thái trên sông, đầm phá
Sứ mệnh của Huế

Kết thúc bài phát biểu tại hội nghị công bố quy hoạch vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng Thừa Thiên Huế sẽ phát huy bản sắc, đặc trưng để hướng đến các giá trị mới, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước.

Sứ mệnh của Huế
Quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ chủ chốt huyện Quảng Điền

Chiều 8/4, Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Điền tổ chức hội nghị để nghe Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025 và thông tin về “Định hướng xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ chủ chốt huyện Quảng Điền
Return to top