ClockThứ Bảy, 06/02/2021 15:07

Chọn kênh đầu tư sinh lời

TTH - Năm 2021, nhiều nhà đầu tư phân vân chọn kênh đầu tư sinh lợi trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Tạo cơ hội cho các dự án khởi nghiệpCơ hội không đến nhiều lầnTìm kênh đầu tư sinh lợi

Gửi tiết kiệm là kênh được ưu tiên lựa chọn

Gửi tiết kiệm hay mua vàng?

Nếu như các năm trước, bảng xếp hạng các kênh đầu tư được đưa ra khá dễ dàng thì năm nay rất khó để sắp xếp theo thứ tự cho các kênh đầu tư: bất động sản, USD, vàng, gửi tiết kiệm, hay chứng khoán… “Bỏ trứng vào một giỏ hay chia nhỏ rủi ro” là câu hỏi “đau đầu” với nhiều nhà đầu tư trong bối cảnh dại dịch COVID-19 khó lường.

Trong buổi toạ đàm “Bình thường mới - Tìm kênh đầu tư hiệu quả” mới đây, các chuyên gia kinh tế dù có những đánh giá khác nhau về tình hình kinh tế năm 2021 nhưng có chung nhận định về thách thức lớn năm 2021 trước biến động bất định của kinh tế, chính trị quốc tế, khi những vấn đề cũ trong chính nội tại vẫn còn.

Theo ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Thừa Thiên Huế, trong các kênh đầu tư truyền thống, gửi tiết kiệm được đánh giá là kênh đầu tư an toàn. Hiện tại, tỷ suất lợi nhuận của kênh đầu tư này khoảng 5 - 7%/năm, nhưng ưu điểm là an toàn tuyệt đối. Hệ thống ngân hàng được “bảo hộ” bởi Nhà nước, nên ngay cả khi ngân hàng bị phá sản hoặc gặp sự cố, người gửi tiền cũng không bao giờ bị mất tiền. Đây cũng là kênh đầu tư dành cho những cá nhân không có nhiều hiểu biết về những kênh đầu tư khác.

Tuy nhiên, năm 2021, lãi suất tiết kiệm vẫn được dự báo sẽ tiếp tục nằm ở vùng thấp như năm 2020, dù nhu cầu vốn tín dụng có tăng lên và sản xuất kinh doanh phục hồi. Nhận định này cũng phù hợp với chính sách kinh doanh của phần lớn các ngân hàng thương mại trong năm 2021 là tiếp tục cải thiện chất lượng tín dụng chứ không ưu tiên tăng trưởng mạnh về quy mô. Dù trong năm qua, lãi suất huy động giảm nhưng nếu so với USD, giữ VND vẫn lợi hơn. Năm 2021 khó có kỳ vọng lãi suất VND tăng vì dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt và các ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp.

Với kênh đầu tư vàng, dù biến động không ngừng nhưng có mức tăng trưởng khá cao trong thời gian qua. Đơn cử, giá vàng tăng từ mức khoảng 42 triệu đồng/lượng đầu năm 2020 lên tới hơn 55 triệu đồng/lượng vào gần cuối năm 2020 (tỷ suất sinh lãi hơn 30%); thậm chí có thời điểm vàng lập đỉnh lịch sử hơn 62 triệu đồng/lượng. Nếu chốt đúng đỉnh, người mua vàng đạt tỷ suất lợi nhuận hơn 45%. Song, nói như chủ tiệm vàng Thuận Thành-Duy Mong: 2020 cũng là năm “thót tim” đối với nhiều người kinh doanh kim loại quý này bởi diễn biến phức tạp, thất thường từ giá vàng.

Nhìn tổng thể, vàng luôn có xu hướng tăng giá. Dữ kiện từ lịch sử cho thấy, thời điểm cuối năm âm lịch (dịp cận tết nguyên đán) hằng năm, nhu cầu vàng sẽ tăng. Tuy nhiên, do đã tăng quá mạnh từ đầu năm, cùng với việc thế giới đã có vắc xin COVID-19 thì vàng nếu có tăng tiếp cũng sẽ khó đạt mức lợi nhuận lớn.

“Bỏ trứng vào một giỏ hay chia nhỏ rủi ro”

Bất động sản vẫn được xem là kênh đầu tư khá nhiều người lựa chọn trong bối cảnh hiện nay. Ở thời điểm đầu năm 2020, khi dịch bùng phát, bất động sản bị tác động mạnh khiến thị trường trầm lắng, nhiều dự án phải hoãn tiến độ, nhiều sàn giao dịch ở Huế phải ngừng hoạt động. Tuy nhiên, sau khi dịch COVID-19 ở Thừa Thiên Huế cơ bản được kiểm soát, thị trường bất động sản có dấu hiệu khôi phục.

Theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản đang dần phục hồi. Thời gian tới, bất động sản công nghiệp có thể coi là điểm sáng của thị trường này bởi Hiệp định EVFTA có hiệu lực; kế hoạch rời Trung Quốc của nhiều tập đoàn đa quốc gia và điểm đến là Việt Nam; việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, giúp thu hút nguồn vốn ngoại. 

“Tác động tích cực từ việc cả nước kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và Nhà nước đã có một số cơ chế chính sách mới. Việc mở rộng TP. Huế để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, cùng tiến trình đô thị hóa sẽ tiếp thêm nguồn lực cho sự phát triển kinh tế, thị trường bất động sản sẽ phục hồi và tăng trưởng cả trong trung hạn và dài hạn” - anh Lê Châu Quốc Việt, Giám đốc sàn giao dịch bất động sản Vimiland123 (đường Trường Chinh-TP. Huế) lạc quan.

Một thời gian dài, nếu vàng được nhiều người lựa chọn là kênh “trú ẩn an toàn” thì chứng khoán lại gây nhiều ý kiến, cả trong giới chuyên gia và các nhà đầu tư trực tiếp. Theo dõi bảng điện tử tại Công ty CP Chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (APEC)-chi nhánh Huế, mới biết các nhà đầu tư như ngồi trên đống lửa. “Đỏ” liên tục và mất thanh khoản kéo dài, trong mắt nhiều người, chứng khoán bị “lãng quên” trong “giỏ” đầu tư.

Tuy nhiên, 2020 cũng là năm thắng lớn với nhiều nhà đầu tư chứng khoán. Sau khi rơi xuống đáy vào tháng 3/2020, thị trường chứng khoán đã tăng điểm mạnh mẽ. Tính đến hết năm 2020, chỉ số VN-Index đã tăng khoảng 14%. Lực lượng nhà đầu tư mới là nhân tố tích cực thúc đẩy thị trường.

“Với sự phục hồi của kinh tế vĩ mô, trong kịch bản, chúng tôi kỳ vọng chỉ số VN-Index năm 2021 có thể đạt 1.120 - 1.160 điểm”, ông Hồ Xuân Vinh, Trưởng chi nhánh APEC Huế nhận định.

Dưới góc nhìn của các chuyên gia kinh tế, việc dự báo đầu tư vào đâu để có lợi trong năm 2021 là vô cùng khó. Trước tiên, người đầu tư phải xác định nguồn tiền nhàn rỗi trong thời gian ngắn, trung hay dài hạn, quy mô nguồn tiền như thế nào, kiến thức về tài chính ra sao; từ đó lựa chọn kênh đầu tư phù hợp. “Bỏ trứng vào một giỏ hay chia nhỏ rủi ro” còn tùy vào thời điểm và sự thông thái của nhà đầu tư. Thông thường, tỷ suất lợi nhuận càng cao thì tỷ lệ rủi ro càng lớn.

Thực hiện một cuộc “khảo sát bỏ túi” ngẫu nhiên với một số nhà đầu tư trên địa bàn với cách đặt vấn đề: “Có tiền nhàn rỗi sẽ đầu tư vào đâu để sinh lời?”, kết quả thu được: Khoảng 40% chọn gửi tiết kiệm, 30% “chung thủy” với vàng , 20% “mê” bất động sản, và 10% chơi chứng khoán...

Bài, ảnh: Bạch Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát động ủng hộ Quỹ bảo tồn Di sản Huế

Chiều 29/3, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức Lễ phát động ủng hộ Quỹ bảo tồn Di sản Huế với toàn thể viên chức, người lao động của Trung tâm nhằm huy động nguồn lực để đầu tư trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế.

Phát động ủng hộ Quỹ bảo tồn Di sản Huế
Đoàn Đại biểu Quốc hội Hàn Quốc cùng các nhà đầu tư đến thăm, làm việc tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2

Ngày 25/3, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hàn Quốc do Thượng nghị sĩ Quốc hội, thành viên Ủy ban Y tế phúc lợi, Ủy ban Phụ nữ và gia đình Quốc hội Hàn Quốc Choi Younsuk làm trưởng đoàn cùng đại diện Bộ Y tế Phúc lợi Hàn Quốc, Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng, nhà đầu tư, giám đốc điều hành các doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế Hàn Quốc đến thăm, tìm hiểu cơ chế đầu tư giai đoạn 2 tại Bệnh viện Trung ương Huế Cơ sở 2.

Đoàn Đại biểu Quốc hội Hàn Quốc cùng các nhà đầu tư đến thăm, làm việc tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2
Đầu tư nguồn lực và nhân lực phát triển khoa học công nghệ

Không phải đợi đến lúc thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị mà từ trước đó, Thừa Thiên Huế đã đặt mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ (KH&CN). Cơ sở để hiện thực hóa kỳ vọng này là vì Thừa Thiên Huế có đội ngũ trí thức hùng hậu, có cơ sở hạ tầng, thiết chế về khoa học công nghệ, cơ sở thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Đầu tư nguồn lực và nhân lực phát triển khoa học công nghệ

TIN MỚI

Return to top