ClockChủ Nhật, 17/10/2021 06:05

Chọn mạnh mẽ, chọn yêu thương

TTH - Sau những đau thương, mất mát, các chị - những người vợ của các chiến sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3 đã chọn cách mạnh mẽ để hướng về phía trước, viết tiếp những ước mơ hãy còn dang dở...

Tròn một năm 13 liệt sĩ hy sinh tại Tiểu khu 67Thăm tặng quà gia đình liệt sĩ, người có công

Chị Hạnh Phúc (bên trái) và chị Mỹ Ny (bên phải) được tuyển dụng vào quân đội

Bận rộn để vơi đi nỗi nhớ

Vừa lo chu đáo, tươm tất cho ngày giỗ đầu của chồng, với Thượng úy Hoàng Thị Hạnh Phúc, vợ liệt sĩ Trần Minh Hải, cái ngày định mệnh đó như vừa mới xảy ra hôm qua, khi nỗi đau ly biệt vẫn vẹn nguyên trong tim người vợ.

Là vợ lính, nên chị cũng khá quen với cảnh chồng luôn vắng mặt ở nhà và phải một mình lo lắng cho hai con. Nhưng sự vắng mặt đó là một niềm hạnh phúc, an ủi khi chồng chị đang thực hiện sứ mệnh cao cả của một người lính. Nhưng rồi, khi tai ương giáng xuống, người phụ nữ mới ngoài 30 tuổi phải trở thành vợ liệt sĩ trong thời bình. Có lẽ, chẳng còn nỗi đau nào lớn hơn thế.

Khi anh mất đi, chị như thêm vài tuổi, bởi những đêm thức trắng, những buồn đau và những lo toan về tương lai khi các con không còn cha. Vẫn người phụ nữ nhỏ bé đó, nhưng giờ chị vừa là mẹ, vừa là cha của hai con đang tuổi ăn, tuổi lớn.

Trong ngôi nhà đã mãi mãi vắng bóng dáng, tiếng cười, đôi tay vững chãi của người chồng, người cha, niềm vui có lẽ chẳng thể tròn đầy. Nỗi đau tưởng chẳng gì có thể bù đắp ấy sẽ làm chị ngã quỵ. Nhưng vì các con, chị đã chọn cách mạnh mẽ để bước tiếp.

Cuối tháng 11/2020, chị Phúc được tuyển dụng vào làm việc trong môi trường quân đội. Môi trường mới với nhiều bỡ ngỡ nhưng cũng rất thân thuộc, bởi chị là vợ của người lính. Cảm nhận ấy, cùng sự giúp đỡ từ đồng đội như giúp chị tìm thấy hơi ấm của chồng. 

“Mỗi ngày, được gặp đồng đội, những người lính đội mũ mang sao, tôi như thấy chồng mình ở đâu đó rất gần, như bên cạnh mình vậy. Đó cũng chính là động lực để tôi cố gắng hơn mỗi ngày. Tôi sẽ thay anh tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của một người lính, bước tiếp con đường mà anh đã để lại”, chị Phúc trải lòng.

Vừa đi làm, lại phải một mình nuôi con thì sẽ vất vả hơn rất nhiều. Nhưng để không ảnh hưởng tới việc cơ quan, lại có thể lo cho các con, chị chọn cách cố gắng gấp đôi. Mỗi ngày dậy thật sớm để chuẩn bị mọi thứ cho các con. Rồi đưa các con đến trường, đi làm, đón con tan học… Cứ thế, công việc xoay vần, chẳng phút thảnh thơi. Khi các con đã chìm vào giấc ngủ, chị lại tìm tòi, học hỏi để làm tốt hơn công việc chuyên môn của một cán bộ chính sách. Có lẽ, bận rộn là cách để chị vơi bớt nỗi nhớ, vơi bớt trống vắng…

Khi nói về hai cậu con trai, nước mắt chị cứ thế tuôn rơi. Bởi lẽ, nỗi đau mất mát trong tim người vợ chắc rồi cũng sẽ được nguôi ngoai theo tháng năm, nhưng sự thiếu vắng bóng dáng cha trong hành trình khôn lớn của các con là một thiệt thòi không gì có thể bù đắp.

“Ba mất, các con phải chịu cú sốc quá lớn, nên rất dễ tủi thân. Vì thế, tôi luôn phải luôn nhẹ nhàng và dành tối đa thời gian có thể cho các con. Là con trai, lại đang tuổi lớn nên việc nuôi dạy các con không phải là điều dễ dàng. Chính vì thế, tôi tự nhủ mình phải thật mạnh mẽ, để vừa làm mẹ nhưng cũng làm cha để nuôi các con khôn lớn”, chị Phúc tâm sự.

Bận rộn là thế nhưng cứ cuối tuần, chị Phúc lại chở các con lên thăm ông bà nội. Bởi chị biết, sự có mặt của ba mẹ con chị là niềm động viên, an ủi của ông bà ở tuổi xế chiều.

Dạy con tự lập

Chúng tôi gặp Thượng úy Trương Thị Mỹ Ny, nhân viên chính sách, Ban CHQS thị xã Hương Trà khi chị đang bộn bề công việc. Chị và gia đình đang xây lại căn nhà mới, để nơi thờ cúng của liệt sĩ Nguyễn Văn Bình được khang trang, ấm cúng hơn.

Là thân gái lấy chồng xa, những tưởng luôn có chồng làm chỗ dựa, thì nay chị lại là chỗ dựa cho các con, là niềm an ủi cho mẹ già. Nỗi đau mất chồng còn đó, có những lúc nhớ chồng, nước mắt cứ chảy dài nhưng chị lại vội gạt đi, cố nén nỗi đau để các con vui.

Thượng úy Hạnh Phúc (ngoài cùng, bên phải) vẫn luôn là chỗ dựa cho các con

“Mình có suy sụp thì cũng không làm thời gian quay lại được. Rồi mình ốm ra đó, con ai nuôi, mẹ già ai chăm. Cứ nghĩ đến đó, tôi lại tự nhủ mình phải mạnh mẽ hơn, cố gắng để vượt lên hoàn cảnh. Đối với các con, nhiều lúc thương đứt ruột, bởi “một tiếng cha bằng ba tiếng mẹ”. Thiếu cha, các con sẽ thiệt thòi trăm bề. Nhưng tôi vẫn luôn nói với các con, xã hội còn nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn, nên các con phải cố gắng và mạnh mẽ để ba ở nơi chín suối có thể an lòng”, chị Ny bộc bạch.

Nếu trước đây, tất cả mọi việc từ những bộ đồ, cuốn sách, cây viết của các con đều được chị chuẩn bị sẵn sàng, thì giờ đây chị dạy cho các con cách tự lập, cách làm những công việc phù hợp với lứa tuổi của mình. Đó cũng là cách chị giúp con mạnh mẽ hơn, trưởng thành hơn trước nỗi đau.

Không phụ lòng mẹ, các con của chị Ny đều là học sinh giỏi. Con gái nhỏ, nay đang học lớp 9 cũng biết thủ thỉ, chia sẻ với mẹ mọi buồn vui.

Mặc dù được cơ quan tạo điều kiện về mặt thời gian, bởi chị một mình vừa phải nuôi con, chăm mẹ chồng thường xuyên ốm đau, nhưng để không ảnh hưởng tới công việc cơ quan, chị vẫn luôn thu xếp thời gian khoa học. Chị chọn cách cố gắng, nỗ lực hơn chứ không muốn mình trở nên “đáng thương”.

Cũng như bao người vợ liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh, những người vợ liệt sĩ thời bình như chị Ny, mỗi ngày lại âm thầm gói nỗi đau vào tim để mạnh mẽ hơn. Bởi giờ đây, họ chính là chỗ dựa cho các con, thay chồng phụng dưỡng mẹ cha già. Vợ mất chồng, con mất cha, nỗi đau đó sẽ không gì bù đắp. Nhưng đó là một nỗi đau của sự tự hào, bởi các anh đã hy sinh vì dân, vì nước. Niềm tự hào đó sẽ là động lực để những người vợ mạnh mẽ hơn, những đứa con không ngừng cố gắng để trở thành những người có ích.

Thượng tá Ngô Nam Cường, UVTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết, trong số 13 liệt sĩ hy sinh khi đang làm nhiệm vụ cứu dân trong bão lũ ở Thủy điện Rào Trăng 3, ở Thừa Thiên Huế có hai vợ liệt sĩ có nhu cầu được tuyển dụng vào các đơn vị quân đội.

Sau khi bố trí công tác phù hợp với chuyên môn, cơ quan đơn vị cũng luôn tạo điều kiện về thời gian, để các chị vừa hoàn thành tốt chuyên môn vừa có thể quán xuyến việc gia đình. Khi bước vào môi trường quân đội, những người đồng chí, đồng đội đã luôn sát cánh bên các chị, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ các chị về vật chất lẫn tinh thần. Để động viên gia đình, nhất là các cháu là con của các liệt sĩ, Bộ CHQS tỉnh cũng thường xuyên đến nhà, thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, tết... “Dù vợ các liệt sĩ có trở thành quân nhân, đứng trong hàng ngũ của chúng tôi hay không, thì chúng tôi, những người lính, người đồng đội của các liệt sĩ đã hy sinh quyên mình vì dân sẽ luôn sát cánh cùng các gia đình liệt sĩ trong chặng đường tiếp theo”, Thượng tá Ngô Nam Cường khẳng định. 

Thời gian qua, nhiều cá nhân, tập thể, chính quyền các cấp đã luôn động viên, an ủi và sẻ chia cùng gia đình các liệt sĩ về vật chất cũng như tinh thần. Dẫu biết rằng những sẻ chia đó chẳng thể nào bù đắp được những mất mát nhưng là động lực để các chị, các mẹ, các con của các anh được sẻ chia, được ấm lòng, để vững bước trên hành trình tiến về phía trước...

Bài, ảnh: THANH THẢO

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tri ân, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Gạc Ma

Ngày 14/3, tròn 36 năm sự kiện Gạc Ma (14/3/1988), tại Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa), Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tổ chức dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tri ân, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Gạc Ma
Mùa hoa bình yên

Sáng nay trời trở lạnh. Cái lạnh mang hơi hướm của một tiết xuân đang đầy. Mưa lún phún rơi nhẹ trên những luống cải ngồng đang vàng hoa. Mùa hoa cải của ngày tháng đầu năm ở Huế mới đẹp làm sao. Cả một bãi dài là màu xanh êm dịu và màu vàng thắm đượm dưới mắt tơ. Hoa cải mang mùi ngai ngái, vất vưởng khó tan. Hương cải theo gió bay xa.

Mùa hoa bình yên
UNCTAD kêu gọi hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho các nước thu nhập trung bình

Phát biểu tại hội nghị cấp cao vừa được tổ chức ở Maroc, Phó Tổng thư ký Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) Pedro Manuel Moreno cho biết, các nước thu nhập trung bình đang phải vật lộn với những thách thức nghiêm trọng và thiếu sự hỗ trợ cần thiết, đặc biệt là trong việc tiếp cận tài chính.

UNCTAD kêu gọi hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho các nước thu nhập trung bình
Return to top