ClockThứ Ba, 16/05/2017 14:37

Chọn nghề

TTH - Năm ngoái, con trai thi vào đại học. Có lần hỏi chuyện thi cử, con tỉnh bơ. Nó bảo, thằng Minh thi Bách khoa Đà Nẵng, kỹ sư môi trường. Ba hắn đang làm ở công ty dệt, nói đang cần nghề này và đã xin sẵn một suất rồi. Thằng Nhân cũng thi Bách khoa Đà Nẵng, ngành cầu đường. Hắn có ông bác ruột làm giám đốc một công ty giao thông, hứa nhận vào làm. Chỉ có thằng Bình hơi do dự, hắn thích học kinh tế nhưng ba mạ lại buộc phải học nghề cảnh sát giao thông. Nhóm bạn của con tôi cuối cùng cũng toại nguyện. Thế nhưng, mỗi lần nhớ đến tôi lại thấy buồn buồn về cái cách phó mặc tương lai của các em. Không phải học sinh bây giờ kém và không có chính kiến. Mấu chốt là việc làm sau này, quá khó.

Theo dõi chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do Báo Tuổi Trẻ tổ chức vào cuối tháng 2 vừa qua tại Huế, dễ nhận thấy là hầu hết các câu hỏi do các bạn học sinh đặt ra đều chú trọng đến cơ hội việc làm sau khi ra trường. Xoay quanh ngành học kinh tế nông nghiệp, các chuyên gia giáo dục đã nêu lên một viễn cảnh rất sáng sủa. Chẳng hạn, sẽ được làm việc trong nhiều cơ quan Nhà nước, các công ty chế biến, kinh doanh nông sản, hay các dự án nông nghiệp có mức lương khá cao… Thế nhưng, xem ra đó cũng chỉ là những “khung cửa hẹp”.

Người Huế mình vào đời thường chọn nghề y và nghề giáo gắn với công việc nhẹ nhàng, thanh tao. Nó phù hợp với vùng đất từng là kinh đô và cũng từng gắn với nhiều cuộc chiến tàn khốc, con người ta luôn có khát vọng yên bình. Xưa, cha ông ta thường chọn những nghề gắn liền với tri thức sách vở, được xã hội kính trọng. Còn phổ biến hiện nay là câu “nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa”. Đó là các nghề được xã hội kiếm được nhiều tiền và có tính nhân văn cao (nghề y), tiêu biểu cho thời đại hội nhập và phát triển (bách khoa).

Chọn nghề gắn với nhu cầu xã hội là rất cần thiết. Nó giúp ta có được “lối đi thẳng”. Chọn nghề gắn với những giá trị mang tính truyền thống, nổi tiếng, được xã hội trọng thị cũng không phải điều đáng chê. Không có nghề gì xấu cả mà chỉ có nghề không phù hợp. Đó là nghề chọn theo sự  áp đặt của gia đình; sự rủ rê của bạn bè; phó mặc may rủi; theo “mác”, theo phong trào; nổi tiếng, dễ kiếm tiền mà không biết có phù hợp không; không nghĩ đến những điều kiện có liên quan.  

Tôi có anh bạn thân làm nghề bác sĩ. Cách nay 5 năm, anh có con thi vào đại học. Vợ chồng tính toán thiệt hơn, quyết định buộc con thi vào Trường đại học Kinh tế Huế. Cháu rất giỏi, có điểm trúng tuyển rất cao. Niềm vui nhập trường chưa được bao lâu đã nghe tin cháu bỏ học để thi lại vào ngành dược vì không thích học kinh tế. Kết quả đạt được không như ý muốn. Gia đình quyết định đăng ký nhập học ở một trường dân lập tại Đà Nẵng. Tương lai chẳng biết ra sao nhưng cái kiểu  “hai lần đò kia” cũng chẳng hay ho gì.

Cách nay 7 năm, anh họ tôi ở quê có đứa con trai học hành chăm ngoan nên quyết đầu tư để có thể sau này “mở mày mở mặt” với bà con. Cháu may mắn đỗ vào Trường đại học Bách khoa Sài Gòn. Nói “may mắn” là bởi sức học của cháu chỉ khá và thi vào Bách khoa Sài Gòn là ý nguyện không lay chuyển của ba mẹ. Tuy nhiên, sự may mắn không mãi đồng hành, với sức học hạn chế, cháu không thể theo được chương trình rất nặng và khó của một ngành học kỹ thuật của một trường đại học top đầu. Chỉ sau hơn một năm, cháu bị đuổi ra khỏi trường vì điểm thi quá kém. Trở về Huế, cháu rơi vào hội chứng… “sợ học”.   

Ông cha ta xưa làm lễ thôi nôi có tập tục bày ra một số đồ chơi để bé lựa chọn. Chẳng hạn, nếu bé chọn cây viết (bố mẹ Việt rất mừng), vật dụng gắn liền với những nghề nghiệp liên quan đến viết lách thì tương lai, có thể sẽ là một nhà văn, nhà thơ, nhà báo… Đây chỉ là cách dự đoán nhưng cũng cho thấy ông cha ta ngày trước đặc biệt xem trọng nghề nghiệp tương lai của con cái. Biết (rất mơ hồ) cũng là cách để đầu tư. Nhớ có người đã nói rất thấm thía, chọn một nghề nghĩa là chọn cho mình một tương lai. Chọn nghề sai lầm là đặt cho mình một tương lai không thật sự vững chắc.

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cùng con chọn trường

Hàng ngàn phụ huynh đã đồng hành cùng con trong suốt Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2022 và tiếp tục sát cánh bên con trong việc chọn ngành, chọn nghề. Họ luôn truyền cảm hứng và động viên con ở những thời khắc quan trọng của cuộc đời.

Cùng con chọn trường
Chọn nghề phù hợp với năng lực học sinh

Thực sự lãng phí khi gần một năm học lớp 10 ở các trường công lập, nhiều em nhận ra sức học hạn chế và chỉ muốn chuyển hướng học nghề. Câu chuyện này cũng đáng để suy ngẫm, khi công tác phân luồng vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Chọn nghề phù hợp với năng lực học sinh
Return to top