ClockThứ Hai, 28/11/2022 14:53

Chống bạo lực "kép"

TTH - Có nhiều chương trình, dự án được triển khai, cùng với sự chung tay của toàn xã hội để hỗ trợ người khuyết tật (NKT) nói chung và phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật nói riêng. Nhờ đó từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo điều kiện để NKT tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội, xây dựng môi trường không rào cản, không bạo lực, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp... của NKT.

Nghiệm thu các hạng mục hỗ trợ người khuyết tật trên xe buýtGiải pháp cấp thẻ Bảo hiểm Y tế cho người cao tuổi, người khuyết tậtCác dịch vụ, hoạt động cho người khuyết tật tăng về chất và lượng

Phụ nữ khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ trợ giúp để tự tin, hòa nhập và tránh bị bạo lực

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 28.906 NKT, chiếm khoảng 2,56% dân số toàn tỉnh. Trong đó, có 12.660 NKT là nữ, chiếm 43,8% tổng số NKT. Số NKT ở cộng đồng là 28.392 người và ở các cơ sở bảo trợ xã hội là 514 người. Tỷ lệ NKT có việc làm chiếm 21,63%. Số còn lại không đi làm chủ yếu do tình trạng khuyết tật ảnh hưởng đến sức khỏe, tự lập của NKT. Chính vì sống phụ thuộc, bị động, thiếu tự lập nên nguy cơ bị bạo lực càng dễ xảy ra, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật.

Ông Hồ Dần, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho rằng, với những phụ nữ, trẻ em yếu thế, nguy cơ bị bạo lực "kép" khi vừa bị bạo lực giới và bạo lực NKT càng cao hơn so với người bình thường. Nên để giảm thiểu, ngăn chặn tình trạng này cần những hoạt động thiết thực về khảo sát, tập huấn về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới cho NKT, người chăm sóc, các cơ quan, đơn vị liên quan. Từ đó góp phần hạn chế, ngăn chặn bạo lực NKT và kỹ năng phòng, chống, cách xử lý khi gặp bạo lực, tránh tình trạng bạo lực "kép" đối với phụ nữ, trẻ em gái.

Tiếp nối dự án giai đoạn 2018-2021, dự án "Tăng cường cơ hội, nâng cao vị thế cho NKT giai đoạn 2021- 2024" do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ thông qua Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) đã triển khai nhiều hợp phần, trong đó có các hoạt động về khảo sát, chia sẻ, tập huấn về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới cho NKT, người chăm sóc và các cơ quan, đơn vị liên quan; lắp đặt mô hình xe buýt và nhà chờ xe buýt tiếp cận cho NKT...

Giai đoạn 1, dự án đã tổ chức các khóa tập huấn cho hơn 360 NKT và gia đình NKT tại các huyện Phong Điền, Phú Lộc, Quảng Điền, Nam Đông, A Lưới, Phú Vang, TX. Hương Trà và TP. Huế. Nhiều phụ nữ khuyết tật chia sẻ, qua các khóa tập huấn, họ được hiểu rõ về khái niệm, quy định, hành vi, biểu hiện của bạo lực trên cơ sở giới mà thực ra lâu nay họ từng gặp phải, nhưng vẫn không biết được chính họ đang bị bạo lực. Đồng thời, họ còn nhận thức được nguyên nhân, hậu quả khi bị bạo lực cũng như cách nhận diện, phòng ngừa và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới.

Thực hiện giai đoạn 2 dự án đến năm 2024, từ đầu năm đến nay, ACDC cùng với Ban điều phối dự án đã tổ chức khảo sát về tình hình bạo lực trên cơ sở giới đối với hơn 150 phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật tại Phong Điền, Phú Vang, TP. Huế. Kết quả cho thấy, công tác phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới được các ngành, các cấp, cộng đồng xã hội quan tâm và nhận thức được nâng lên. Mặc dù vậy, ở một số nơi còn diễn ra tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật.

Dự án cũng đã tập huấn về sống độc lập và hòa nhập khuyết tật, kỹ năng làm việc với NKT; tổ chức khám sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật; tư vấn tiếp cận vật lý, tiếp cận các công trình công cộng và nhà ở cho NKT để thuận tiện trong sinh hoạt, phù hợp từng hoàn cảnh gia đình và dễ hòa nhập cộng đồng.

Bài, ảnh: Minh Ngọc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày hội văn hóa thể thao dành cho người khuyết tật

Ngày 20/4, tại xã Vinh Thanh (Phú Vang), Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Hòa nhập (RCI) tổ chức ngày hội văn hóa thể thao dành cho người khuyết tật. Tham dự tại có Đại diện văn phòng RCI cùng hơn 50 người khuyết tật và người chăm sóc trên địa bàn các xã Vinh Thanh, Vinh An, Vinh Xuân, Vinh Hà và Phú Gia.

Ngày hội văn hóa thể thao dành cho người khuyết tật
Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống

Các nước trên toàn thế giới đã dành 2 năm qua để soạn thảo một hiệp ước quốc tế về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Nhưng hiện vẫn còn khá xa để đạt được đồng thuận về các vấn đề quan trọng như công bằng vaccine và giám sát mầm bệnh.

Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống
“Ngôi nhà 5.000 đồng”

Bằng việc huy động đóng góp của mỗi sinh viên chỉ 5.000 đồng và từ đó, “Ngôi nhà 5.000 đồng” đầu tiên đã được hình thành, giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vững niềm tin với giấc mơ đại học của mình.

“Ngôi nhà 5 000 đồng”
Return to top