ClockThứ Năm, 07/08/2014 14:18

Chống bão theo kiểu nhà rường

TTH - Trong bài viết “Hiểu thêm về tính bền vững nhà rường” đăng trên tạp chí Huế xưa & nay số 109, nhà nghiên cứu Hoàng Xuân Định đã bày tỏ một sự băn khoăn thú vị. Theo ông, đáng suy nghĩ là tại sao cơn bão lịch sử 1985 đã hất cả một chiếc tàu trọng tải 300 tấn trên bãi Cồn Sơn gần cửa Thuận An, vặn xoắn đổ gục tháp thủy văn ở Tân Mỹ, làm đổ cây cổ thụ hơn 100 tuổi ở bến Thương Bạc, thế nhưng lầu Ngũ Phụng chênh vênh trên cửa Ngọ Môn thì đứng vững, không hề hấn chi. Lầu Ngũ Phụng là một nhà rường kiểu Huế.

Lâu nay, nhà rường được xem là biểu tượng đáng tự hào của văn hóa Huế. Bàn về nhà rường, người ta nói nhiều đến sự tiện nghi và vẻ đẹp hài hòa của nó. Hài hòa được hiểu theo nghĩa hài hòa về cấu trúc và hài hòa với phong cảnh của vườn tược bao quanh. Còn một tiêu chuẩn nữa ít người nói tới, đó là tính bền vững. Nhà rường là đặc sản của đất Thần kinh, cũng đồng thời là của xứ mưa, quê hương của những trận lụt dữ dằn và những cơn bão hung tợn. Ngôi nhà là nơi trú ngụ, chốn dung thân của con người, không thể xem thường sự cứng cáp và bền vững. Câu trả lời đầu tiên nằm ở kết cấu của ngôi nhà rường và xuất phát là ở chỗ nhà rường không chôn cột xuống đất mà kê trên những tấm đá tảng để chống ẩm mốc làm hư hại cột gỗ.

Có thể người xưa chưa hiểu tới, nhưng theo cách nhìn hiện đại, sự liên kết lỏng lẻo không chôn cột xuống đất kia đã làm tăng thêm độ bền vững cho nhà rường. Khi có gió bão mạnh, ngôi nhà chỉ nhấc lên một tý rồi trở lại vị trí cũ. Người ta nói tới sự liên kết lỏng lẻo đã triệt tiêu đáng kể xung lực của gió bão và nghe đâu, người Nhật cũng đang nghiên cứu để xây dựng nhà cao tầng chống bão kiểu đó. Còn tại sao không chôn cột mà vẫn đứng vững là nhờ nhà rường có bộ “giàn trò”, được liên kết chặt bởi các thanh rường, xuyên, trếnh thành một cái khung, tương tự phần trên các chân bàn được kết nối bởi khung mặt bàn nên dù bàn có xê dịch thì chân vẫn đứng vững. Còn nữa là các yếu tố, như người ta thường lắp ván gỗ bao quanh giàn trò để làm “rầm thượng” dùng cất trữ lúa gọi mà dân gian quen gọi là “cái tra” hay việc treo ở mặt trước “rầm thượng” bức hoành phi, bên cạnh giá trị thẩm mỹ còn góp phần tạo nên sự liên kết bền vững.

Bằng sự thông minh và từ kinh nghiệm thực tiễn, người xưa đã sáng tạo nên những cách lắp ráp kèo cột đặc biệt để tạo nên sự vững chắc cho ngôi nhà rường theo kiểu “mộng kép” và kiểu “ngàm ngạnh cá”, hay cách dùng cấu kiện hình cong và hình búp măng cạnh thuôn không đều mà người ta gọi là “thượng thu hạ thích” (trên thu nhỏ, dưới phình to)... Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là khả năng lắp ráp của người thợ. Cột kèo được tính toán để có sự liên kết nhưng sẽ không bao giờ có được ngôi nhà rường vững chắc nếu không được lắp đặt chính xác, sít sao. Và, không chỉ sít sao ở một vài chỗ mà sít sao ở hàng trăm mối liên kết, sít sao toàn bộ công trình. Nhiều người thợ nhà rường Huế đã nói với niềm tự hào về sự sít sao đến một sợi tóc cũng không len vào được. Đó là tiêu chuẩn để đánh giá tay nghề thấp cao và giá trị của ngôi nhà rường, chứ không phải dừng lại ở sự chạm trổ công phu.

Chuyện về ngôi nhà rường thêm một lần nữa cho thấy, con người Huế luôn biết làm đẹp, biết chơi đẹp, nhưng tự trong sâu thẳm là sự hiện hữu của một lối tư duy “ăn chắc mặc bền”. Nó bắt nguồn từ sự khắc nghiệt của vùng đất thường xuyên bị bão lụt hoành hành và làm nhà rường cũng là cách thích nghi, là kiểu phòng chống bão của người dân xứ Huế một thuở có của ăn của để...

Đình Nam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top