ClockThứ Năm, 06/12/2012 05:55

Chòng chành đò ngang

TTH - Trong số 26 bến đò ngang phục vụ người dân qua lại tại các sông, đầm trên địa bàn Thừa Thiên Huế, chỉ có 5 bến đò đủ điều kiện được cấp giấy phép hoạt động. Phần lớn các phương tiện đang bị xuống cấp, hư hỏng, bố trí dụng cụ cứu sinh, áo phao chưa hợp lý, thiếu an toàn… đang là hiểm họa rình rập người qua đò, nhất là trong mùa mưa bão.

Học sinh qua đò ở bến đò Nhà máy đường, xã Thủy Bằng

Phần lớn những bến đò ngang tồn tại lâu nay thuộc các vùng quê nghèo thuộc thượng nguồn và hạ du sông Hương, vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai… Với người dân những vùng này, mơ ước về một cây cầu dường như là quá lớn, họ chỉ mong có một chuyến đò ngang vững chắc, đảm bảo an toàn với các phương tiện cứu hộ đầy đủ để ngày ngày các em đến trường, người dân qua lại bớt đi sự chông chênh.

“Qua sông - lụy đò”

Nhiều năm nay, các thế hệ học sinh của 5 thôn (Kim Ngọc, La Khê Trẹm, Đình Môn, Thạch Hàn, Sơn Thọ) thuộc xã Hương Thọ (thị xã Hương Trà) phải qua thượng nguồn sông Hương để đến trường bằng những chuyến đò ngang mong manh, có rất ít phao cứu sinh và phương tiện cứu hộ. 5 Thôn này có gần 3.000 khẩu, sống biệt lập với bên ngoài trên ốc đảo chia dòng sông Hương ra thành 2 nhánh Tả Trạch và Hữu Trạch. Mặc dầu chỉ cách một con sông trên dưới 300m nhưng giao thông ở đây rất khó khăn, chủ yếu dựa vào những chuyến đò ngang. Bởi, nếu đi bằng đường bộ ngược lên phía Bình Thành thì phải mất gần 20km mới về được trung tâm xã.

Theo chỉ đạo của Ban An toàn giao thông tỉnh, bước vào mùa mưa bão, các ngành chức năng và địa phương có các bến đò ngang tổ chức kiểm tra và có phương án chỉ đạo thay thế, nâng cấp phương tiện, bổ sung các trang thiết bị còn thiếu, bố trí đủ chỗ ngồi, dụng cụ cứu sinh, áo phao cho khách hàng ở trên thuyền; thực hiện việc bắt buộc người đi đò mặc áo phao, đeo dụng cụ cứu sinh và từ chối việc chuyên chở người không chấp hành sử dụng áo phao hoặc dụng cụ cứu sinh…

Một ngày cuối tháng 11/2012, chúng tôi có mặt tại bến đò Nhà máy đường, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy bến đò hoạt động tấp nập nhất với hàng trăm lượt đò qua lại mỗi ngày để đưa đón học sinh và người dân 5 thôn bên kia sông của xã Hương Thọ. Ông Võ Bày, một chủ đò gắn bó với bến sông này trên chục năm cho biết, mỗi ngày ông đưa khoảng gần 100 chuyến đò qua về sông Tả Trạch. Phần lớn là học sinh, người buôn bán, thăm thân. Mỗi học sinh cộng với xe đạp qua về đò chỉ trả 2.000 đồng, đối với người lớn và xe máy thì 5.000 đồng. Ông Bày cũng không nhớ được đã đưa đón bao nhiêu người qua sông, nhưng ông nhớ rõ những gương mặt quen thuộc hàng ngày vẫn chào ông ở bến đò. Ông Bày tâm sự, làm nghề này thật ra rất vất vả, thu nhập lại bấp bênh. Nhưng do nhu cầu rất lớn của người dân, đặc biệt là các em học sinh nên ngày ngày, ông và anh trai và Võ Văn Hải thay nhau chở khách sang sông. Ông kể, nhớ hồi cơn lũ lịch sử năm 1999, gia đình ông đang chèo đò đưa khách sang sông thì nước lũ lên cuốn trôi chiếc đò- cần câu cơm của cả gia đình đang neo đậu trong bờ. Vì nhu cầu của người dân rất lớn, nhất là việc học hành của con em trong thôn nên ông vay mượn để sắm một con đò mới chở khách qua sông sau cơn đại hồng thủy cho đến nay.

Thời điểm chúng tôi có mặt, hàng chục khách đi đò, có cả học sinh và người dân đều không có ai quan tâm đến việc mặc phao cứu sinh để đảm bảo an toàn, với lại hơn 20 khách trên đò trong khi đò chỉ có 5 áo phao treo một bên mạn đò, cách xa chỗ ngồi thì thử hỏi khi có tại nạn, ai sẽ với lấy được áo phao và có áo phao để lấy không? Mệ Trần Thị Lý, tuổi gần 70, làm nghề bán chuối mấy chục năm nay hàng ngày qua về 2-4 lượt đò khi được hỏi tại sao không mang áo phao, vẫn chủ quan cho biết, khi trời mưa bão mới sợ chứ bình thường thì không can chi. Thậm chí, có những em học sinh đùa giỡn với xe đạp ngay trên đò khi được hỏi thì thì tỉnh bơ cho rằng, mình biết bơi nên không sợ gì. Nói vậy chứ theo ông Võ Bày, thì chỉ những ngày mưa gió mới bắt buộc người qua đò mang áo phao, còn trời yên sóng lặng thì tùy mọi người.

Theo nhiều người dân, vào mùa khô, dòng sông Hương qua đoạn này rất hiền hòa, khoảng cách đôi bờ chỉ khoảng 200m. Nhưng vào mùa mưa, nước lên, con sông chảy hung dữ hơn và khoảng cách cũng xa gấp đôi. Đây là một thách thức lớn cho những người qua đò khi phương tiện cứu sinh vẫn còn hạn chế. Quan sát những chiếc đò đưa khách sang sông, chúng tôi thật sự hãi hùng khi trông nó rất nhỏ, cũ kỹ, vỏ thuyền tơi tả, phao áp mạn thuyền nham nhở mà vẫn chòng chành giữa sông nước với hàng chục mạng người, mà không một ai lo ngại về sự nguy hiểm của mình. Chủ đò nói mình không đủ tiền để mua đò lớn hơn và ngụy biện rằng, “Bao năm qua, chưa xảy ra tai nạn sông nước nên đò vẫn chạy tốt?!.”

Mơ ước một chiếc cầu

Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Thọ cho biết, xã Hương Thọ có 5 thôn nằm ở vùng bán đảo với gần 3.000 khẩu, phải chịu cảnh “qua sông-lụy đò”. Mặc dầu UBND xã đã tổ chức nhiều tuyên truyền kết hợp với kiểm tra các chủ thuyền, người lái phương tiện để quán triệt, ký cam kết không vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa, nhưng hiệu quả mang lại vẫn chưa cao; xã không thể cấm hoạt động được, bởi nhu cầu qua sông để làm ăn, học hành của một bộ phận cán bộ, người dân, học sinh là chính đáng. “Nếu bến đò không đảm bảo quy định bị cấm hoạt động thì người dân sẽ qua sông bằng nhiều hình thức khác, nguy cơ tai nạn lại càng cao. Nên chăng, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật ở các bến đò ngang thì cần rà soát, cấp giấy phép hoạt động tạm thời ở một số bến có thể nhưng phải đảm bảo an toàn, để giải quyết đi lại. Lâu dài, giải pháp tối ưu nhất là tỉnh đầu tư xây dựng cho nhân dân một cây cầu kiên cố qua đoạn sông này”-ông Nguyễn Văn Quý thành khẩn.

Theo ông Võ Văn Tươi, Phó Ban An toàn giao thông tỉnh, toàn tỉnh có 26 bến đò ngang, trong đó chỉ có 5 bến có giấy phép hoạt động, còn lại vẫn chưa được cấp phép. Nhiều đò thiếu đăng ký, đăng kiểm và chứng chỉ chuyên môn của chủ đò; thiếu biển báo và nội quy bến đò. Hầu hết các phương tiện đang bị xuống cấp, hư hỏng phần vỏ thuyền, chưa bố trí chổ ngồi cho hành khách đầy đủ, phao áp mạn chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, máy nổ chưa có giảm âm, thiếu các dụng cụ như sào, chèo; việc bố trí dụng cụ cứu sinh, áo pháo, phao cứu sinh chưa hợp lý. Ông Võ Văn Tươi cho biết thêm, do hệ thống sông ngòi và đầm phá nên trên địa bàn tỉnh tồn tại nhiều bến đò ngang hoạt động thiếu an toàn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đường thủy. Bước vào mùa mưa bão năm nay, Ban ATGT tỉnh tập trung chỉ đạo tăng cường tuần kiểm soát, xử lý vi phạm, kiểm tra nhắc nhở, đôn đốc các địa phương, người quản lý, khai thác bến đò ngang thực hiện nhiêm túc các quy định về an toàn giao thông đường thủy nội địa.

Thừa Thiên Huế đang vào mùa mưa bão, hoạt động thiếu an toàn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT đường thủy tại các bến đò. Cần có các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn đối với hoạt động của các bến đò này, nhằm đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa bão, tránh để xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Mặc dầu chưa có một sự cố nào nghiêm trọng xảy ra trên những bến đò ngang, song mỗi khi có việc phải qua đò, tôi vẫn hồi hộp, âu lo, thót cả tim mỗi lúc có cơn gió chợt thốc lên xô con sóng vỗ mạnh vào mạn. Càng kinh hãi hơn khi phải nhớ lại những thảm cảnh đắm đò cướp đi bao sinh mạng vừa mới diễn ra trên các vùng miền. Ở đâu đó trên những chuyến đò ngang đang có những phận người mong manh trôi cùng những dòng sông trong mưa bão vô thường.

Thái Sơn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Sáng 24/4, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã tham dự buổi họp trực tuyến với Chính phủ về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) quý I, nhiệm vụ quý II năm 2024. UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát nhằm phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án (DA) mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Return to top