Thế giới

Chông gai công cuộc tái thiết Dải Gaza

ClockThứ Ba, 09/09/2014 14:29
TTH.VN - Với khoản tiền tái thiết 7,8 tỷ USD trong bối cảnh kinh tế Dải Gaza đang kiệt quệ và Israel vẫn đang cấm vận thì tương lai của Gaza còn rất mờ mịt.

Chính quyền Palestine cho biết, công cuộc tái thiết Dải Gaza sẽ tiêu tốn 7,8 tỷ USD. Đây là con số chính quyền Palestine đưa ra sau cuộc khảo sát toàn diện nhất về thiệt hại trong chiến dịch quân sự 7 tuần do Israel tiến hành ở Dải Gaza khiến hạ tầng cơ sở hầu như bị tàn phá. 

Theo chính quyền Palestine, chi phí xây dựng lại 17.000 căn nhà ở Gaza bị san phẳng do bom đạn của Israel là 2,5 tỷ USD. Chi phí khôi phục lĩnh vực năng lượng sẽ tiêu tốn 250 triệu USD vì nhà máy điện duy nhất ở Gaza đã bị tàn phá do 2 quả tên lửa của Israel. 

 
Trẻ em ở Dải Gaza đang đối diện với tương lai mờ mịt (Ảnh Getty Images)

Ông Mohammed Shtayyeh, một nhà kinh tế Palestine và là thành viên cấp cao  của đảng Fatah chiếm ưu thế Bờ Tây cho biết: “Cuộc tấn công vào Dải Gaza lần này là chưa từng có tiền lệ. Gaza đã lâm vào một thảm họa và cần được viện trợ ngay lập tức, vì nhiều thứ không thể chờ đợi lâu".

Cũng theo đánh giá của chính quyền Palestine, lĩnh vực giáo dục của Dải Gaza cần được hỗ trợ 143 triệu USD vì 500.000 trẻ em ở đây chưa thể trở lại trường học. Trường học bị phá hủy hoặc vẫn được sử dụng làm nơi ở tạm cho người tị nạn.

Theo Ủy ban Kinh tế Palestine về Nghiên cứu và Phát triển, công cuộc tái thiết Dải Gaza sẽ phụ thuộc chủ yếu vào nguồn viên trợ nước ngoài và Israel cần phải mở các cửa khẩu biên giới. Theo nhận định của cơ quan trên, tiến trình tái thiết cũng phải mất đến 5 năm để hoàn tất nếu như Israel dỡ bỏ hoàn toàn lệnh phong tỏa Dải Gaza.

Ông Shtayyeh cho biết: “Theo kinh nghiệm trong 20 năm phát triển và xây dựng các vùng lãnh thổ Palestine, thì việc rót vốn của các quỹ tài trợ thường rất chậm và là quá trình lâu dài. Nhưng chúng tôi hy vọng, lần này các thủ tục sẽ nhanh chóng hơn”.

Thế nhưng, cho tới nay, Israel về cơ bản chưa nới lỏng lệnh hạn chế đi lại, lưu thông đối với người và hàng hóa tại biên giới Gaza.

Trong bối cảnh như vậy, việc Israel tiến hành chiến dịch không kích mang tên "Bảo vệ biên giới" (Protective Edge) hôm 8/7 nhằm vào Dải Gaza, đã thực sự đẩy nền kinh tế ở đây tới bờ vực sụp đổ hoàn toàn với số người thất nghiệp tăng vọt, nạn đói diễn ra mọi nơi do sản xuất đình đốn trong khi nguồn cung lương thực, thực phẩm không ổn định.

Trong số các nạn nhân của tình trạng này, phụ nữ và trẻ em chiếm số đông. Hiện tỷ lệ phụ nữ thất nghiệp ở Gaza đang đứng đầu thế giới.

Anh Majdi Ismail, một cư dân Dải Gaza cho biết, anh đã cố gắng thu xếp để cuộc sống trở lại bình thường nhưng với quy mô của sự tàn phá sau chiến dịch không kích của Israel vào Dải Gaza thì điều này gần như là không thể.

Anh cho biết: "Cơ sở hạ tầng đã bị phá hủy, các đường phố, nhà cửa, cây cối, đường giao thông, tất cả mọi thứ. Mục tiêu của cuộc chiến này là hủy diệt, không hơn không kém”.

Theo tính toán của các nhà kinh tế thuộc tổ chức mang tên Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), việc Israel tiếp tục phong tỏa vùng lãnh thổ này của Palestine đã khiến cho Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở đây mỗi năm bị mất đi không dưới 30%.

Nếu như tỷ lệ tăng trưởng GDP của Gaza đạt tới 11% trong các năm 2010 và 2011, thì đến năm 2013, tỷ lệ tăng trưởng GDP chỉ còn 1,5%, mức thấp nhất kể từ năm 2006, khiến thu nhập quốc dân tính theo đầu người trong năm đó giảm 20% so với năm 1994.

Trước thực trạng trên, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) vừa  kêu gọi Israel bãi bỏ mọi biện pháp cấm vận, phong tỏa Gaza và ngồi vào bàn đàm phán với Palestine để ký kết và thực thi lệnh ngừng bắn lâu dài.

Ngoài ra, tổ chức này cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ người dân Palestine khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế hướng tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc và bình yên trên chính quê hương mình.

Anh Tuấn (Theo VOV)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất

Đầu tư cho sản xuất tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang bùng nổ. ASEAN đã trở thành điểm đến mục tiêu của các công ty đa quốc gia và có vai trò cực kỳ quan trọng trong kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực toàn cầu. Khối 10 quốc gia với hơn 660 triệu dân này được hưởng lợi từ các chiến lược “Trung Quốc + 1” vốn đã tăng tốc kể từ sau đại dịch COVID-19, khi các doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ sang một hoặc nhiều quốc gia ASEAN để tránh việc quá tập trung vào thị trường Trung Quốc.

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất
Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên

Theo ước tính vừa được Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày 24/4, trận động đất nghiêm trọng ở miền Trung Nhật Bản vào ngày đầu năm mới 2024 đã có tác động tiêu cực đến kinh tế nước này, với thiệt hại có thể lên tới 115 tỷ yên (743 triệu USD) trong quý I/2024, tức gần 0,1% GDP danh nghĩa của cả nước.

Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên
Return to top