ClockThứ Năm, 08/12/2011 05:14

Chống gian lận thương mại

TTH - Đúng là cái kim trong túi lâu ngày cũng... thòi ra. Tuần qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 thuộc Chi cục QLTT tỉnh phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh tổ chức kiểm tra đột suất và phát hiện cơ sở sang chiết gas trái phép của doanh nghiệp tư nhân Phương Huy.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ 260 bình gas loại 12 đến 13kg, 2 bình loại 45kg cùng nhiều màn co của nhãn hiệu Sài Gòn Petro, gas Đà Nẵng, Petrolimex, Petronas và tem chống hàng giả của Petronas. Bằng những dụng cụ đơn giản, thời gian qua, cơ sở sang chiết gas này đã lấy gas loại thương hiệu thấp chiết sang các bình gas chất lượng cao hơn, đổi nhãn hiệu và mua các bình ga lớn chiết ra các bình ga nhỏ... để trục lợi. Việc sang chiết gas trái phép này không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng, làm ảnh hưởng uy tín cho các thương hiệu ga có tên tuổi trên thị trường; mà còn tiếm ẩn nguy cơ gây cháy nổ trong sản xuất và tiêu dùng. Chắc rằng đây không phải là cơ sở sang chiết gas trái phép duy nhất hoạt động trên địa bàn tỉnh. 

Cũng trong tuần qua, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL), Sở Khoa học Công nghệ (Sở KHCN) TP Hồ Chí Minh công bố kết quả kiểm tra xăng dầu. Kết quả, có 16/32 mẫu không đạt yêu cầu về chất lượng (chỉ số octan thấp hơn quy định). Theo ông Trịnh Minh Tâm, Chi cục trưởng Chi cục TCĐLCL TP Hồ Chí Minh, so với năm 2010, những sai phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu đã tăng gần gấp đôi, cách thức cũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Trước đó, Chi cục QLTT tỉnh Tiền Giang phát hiện 2 doanh nghiệp (DN) Minh Thuận và Hồng Đức bán ra thị trường hàng ngàn lít xăng kém chất lượng. Có hay không tình trạng bán xăng kém chất lượng như trên ở địa bàn Thừa Thiên Huế và một số tỉnh, thành khác? Câu trả lời chỉ có được khi cơ quan chức năng tại các địa phương này vào cuộc kiểm tra.
 
Mới đây, lực lượng liên ngành của TP Hồ Chí Minh đã phát hiện việc làm ăn phi pháp của một DN 100% vốn đầu tư nước ngoài. DN này lập một nhà máy sản xuất qui mô lớn tại Việt Nam để sản xuất hoá chất xuất khẩu. Kiểm tra mới hay, thực chất hoạt động của DN này là nhập hoá chất từ nước ngoài vào, thay nhãn mác xuất xứ hàng hoá rồi xuất khẩu để hưởng các ưu đãi đầu tư và thuế suất. Hàng triệu tấn sản phẩm đã được DN này “phù phép” như thế sau 5 năm hoạt động và nó chỉ được phát hiện từ một nghịch lý: chi phí tiền điện DN này trả theo hoá đơn cả năm chỉ trên... một triệu đồng(!?). Đây cũng chỉ là một trong 1.001 thủ thuật gian lận thương mại để trục lợi bị phát hiện trong thời gian qua.
 
Cùng với sự phát triển của sản xuất kinh doanh, các thủ thuật và công nghệ gian lận thương mại của các đối tượng làm ăn phi pháp cũng ngày càng phong phú, đa dạng và tinh vi hơn. Thực trạng trên đặt ra những yêu cầu mới cả về đầu tư trang bị các phương tiện máy móc; các qui định, chế tài xử phạt của pháp luật và năng lực đội ngũ của các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, phát hiện, xử lý đối với các hành vi gian lận thương mại. Cần thấy rằng, các hành vi gian lận thương mại không chỉ làm tổn hại nền kinh tế xã hội của đất nước mà còn ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng và cộng đồng nói chung. Do vậy, vai trò phát hiện, tố giác các hoạt động gian lận thương mại của người dân là một nguồn thông tin ban đầu vô cùng quan trọng cho các cơ quan chức năng trong cuộc chiến này.   
 

Hoàng Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top