ClockThứ Sáu, 25/12/2020 16:16

Chống rét cho nuôi trồng thủy sản

TTH - Trước nguy cơ thủy sản chết, còi cọt do rét, các ban ngành, hộ nuôi đang triển khai các biện pháp “sưởi ấm”.

Lo giống thủy sản cho vụ nuôi mớiNuôi trồng thủy sản phải gắn với bảo vệ môi trườngMục tiêu lớn từ biển, đầm phá

Người dân Quảng Điền chăm sóc thủy sản nuôi ao

Tại các xã Phong Hải, Điền Hương (Phong Điền), thời điểm này, phần lớn diện tích ao hồ đã được người dân thả nuôi tôm chân trắng trên cát vụ mới với diện tích hàng trăm ha.

“Trong các vụ nuôi, vụ tôm trên cát này thường thả vào những tháng cuối năm, thu hoạch đầu năm sau. Thời điểm này khí hậu thích hợp cho tôm nuôi trên cát nên thường lãi lớn. Tuy nhiên, mưa lạnh, nhất là rét đậm và rét hại là yếu tố nguy hại đối với tôm chân trắng mà các hộ nuôi buộc phải khắc phục, vượt qua”, anh Võ Khiên ở thôn Hải Thế, xã Phong Hải (Phong Điền) nói.

Mưa rét kéo dài, nhiệt độ xuống thấp khiến tôm hạn chế khả năng bắt mồi, hấp thụ thức ăn nên anh Khiên thường điều chỉnh, giảm lượng thức ăn phù hợp nhằm tránh dư thừa có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, tạo khí độc trong ao nuôi. “Thông thường nhiệt độ trong ao giảm xuống ở mức từ 18-220C thì giảm lượng thức ăn khoảng 20-30% so với bình thường”, anh Khiên nói.

Theo anh Khiên, nuôi tôm trên cát cũng như tôm nước lợ cần kiểm tra sức khỏe, hoạt động của tôm nuôi và môi trường nước trước, trong và sau mưa rét để có biện pháp xử lý kịp thời. Các hộ nuôi tôm luôn có kế hoạch điều tiết nước hợp lý, chuẩn bị sẵn nguồn nước mặn để hòa vào ao hồ khi có mưa lớn, kéo dài làm giảm độ mặn, độ pH…

Sục khí thường xuyên cho tôm trên cát

Đối với các vùng, ao nuôi có hiện tượng chua phèn phải rắc vôi quanh bờ phòng nước phèn trôi xuống ao làm biến động độ pH. Máy phát điện, sục khí phải chuẩn bị sẵn sàng, nhất là máy phát điện đề phòng khi điện lưới bị mất. Với tôm nuôi chân trắng trên cát, mật độ thả rất cao nên đòi hỏi hàm lượng ô xi đầy đủ, máy sục khí phải hoạt động liên tục.

Không chỉ lo tôm trên cát ven biển, hơn 10 ngày nay, người dân vùng đầm phá, kể cả nuôi ao hồ cũng lo lắng giá rét gây nguy hại cho các loại thủy sản.

Ông Trần Hà Nam ở xã Quảng Thái (Quảng Điền) túc trực cả ngày để canh chừng cá, bằng mọi biện pháp bảo vệ an toàn phục vụ tiêu thụ dịp tết. Hồ cá nuôi của ông Nam đến nay 7 tháng, dự kiến kịp thu hoạch trong dịp tết sắp đến. Tuy nhiên chỉ cần sơ suất cá có thể chết, dịch bệnh gây thiệt hại lớn do mưa rét kéo dài.

Không cách nào khác ngoài việc triển khai các biện pháp giữ ấm môi trường ao theo hướng dẫn, quy định của cơ quan chức năng. Đó là đưa nước vào ao đảm bảo độ sâu, duy trì mực nước tối thiểu lớn hơn hoặc bằng 1,5m trong suốt mùa đông và tạo hang cho cá trú rét.

Theo ông Nam, tạo hang cho cá trú đông cũng là một trong những phương pháp khả quan đối với các loài thủy sản sống tầng đáy như cá chép, cá chạch... Có thể tạo hang bằng cách xếp các bó tre nứa, xếp gạch, đặt ống nhựa ở các góc đáy ao cho cá trú. Các ống này dài 0,5 - 0,6m, đường kính 15 - 16cm, bó thành từng bó (5-6 ống/bó).

Kinh nghiệm của ông Nam cho thấy, việc quản lý môi trường nuôi để duy trì các yếu tố thủy lý, thủy hóa, thủy sinh ổn định, thích hợp với sự sinh trưởng và phát triển của thủy sản; đồng thời, dọn sạch cỏ, rác quanh ao, dọn thức ăn thừa tránh ô nhiễm môi trường nước cũng là biện pháp bảo vệ thủy sản trong mùa giá rét.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, ông Châu Ngọc Phi cho rằng, trong điều kiện giá rét bất lợi như hiện nay, nếu các hộ quan tâm chăm sóc, có biện pháp ứng phó bài bản, đúng quy định sẽ bảo vệ an toàn, hiệu quả cho thủy sản nuôi mùa đông. Với nuôi tôm chân trắng trên cát, người dân thường xuyên theo dõi môi trường nước để có sự điều chỉnh phù hợp, cho ăn đúng thời điểm, liều lượng và triển khai các biện pháp phòng trừ dịch bệnh.

Ngoài các biện pháp đang được người dân thực hiện cần thả thêm bèo tây 1/3 - 2/3 diện tích mặt ao, hoặc che chắn bằng lưới bạt, giàn cây trên mặt ao để giảm tác động của giá rét. Các hộ nuôi dùng máy sục khí, tạo dòng chảy để lưu thông nước, làm tăng lượng oxy trong ao; có thể thả thêm một số đối tượng sống tầng đáy, có khả năng chịu rét như cá chép để khuấy động đáy ao, tránh hiện tượng cá chết ở tầng đáy.

Theo ông Châu Ngọc Phi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trong điều kiện mưa rét, thời tiết khắt nghiệt như hiện nay, các hộ nuôi cần có chế độ chăm sóc “đặc biệt” cho thủy sản. Người dân phải theo dõi, bổ sung thức ăn đủ chất dinh dưỡng, hoặc thức ăn công nghiệp chất lượng cao có chứa vitamin và khoáng chất để thủy sản có đủ sức đề kháng dịch bệnh cũng như khả năng chịu rét. Đối với những đối tượng nuôi thương phẩm đạt kích cỡ, khi nhiệt độ xuống quá thấp cần thu hoạch ngay, tránh gây thiệt hại. Hộ nuôi tuyệt đối không đánh bắt thủy sản khi nhiệt độ dưới 180C nhằm tránh khuấy động môi trường nước trong ao và thủy sản bị xây xát dễ nhiễm bệnh, các loại nấm.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trang bị kỹ năng và nâng cao ý thức phòng, chống đuối nước

Thời tiết bắt đầu bước vào những ngày nắng nóng. Đây là thời điểm mà các điểm bơi lội mở cửa trở lại, nhu cầu tắm sông, suối của người dân, nhất là các em nhỏ tăng cao. Vì vậy, cẩn trọng đuối nước luôn phải được đặt lên hàng đầu.

Trang bị kỹ năng và nâng cao ý thức phòng, chống đuối nước
An ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ ở chợ Đông Ba: Mô hình cần được nhân rộng

Nhờ thường xuyên chú trọng và luôn đổi mới cách làm, nên tình hình an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ (ANTT, PCCN) ở chợ Đông Ba luôn được đảm bảo. Nhiều vụ việc liên quan đến ANTT, trộm cắp tại chợ đã được ngăn chặn kịp thời. ANTT, PCCN ở chợ Đông Ba là mô hình hay cần nhân rộng ra các chợ truyền thống khác trên địa bàn toàn tỉnh.

An ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ ở chợ Đông Ba Mô hình cần được nhân rộng
Đa dạng thủy sản nuôi thích ứng biến đổi khí hậu

Trong điều kiện biến đổi khí hậu, môi trường diễn biến phức tạp thì việc thay đổi tư duy sản xuất, đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là điều gần như tất yếu.

Đa dạng thủy sản nuôi thích ứng biến đổi khí hậu
Return to top