ClockThứ Bảy, 13/03/2021 06:15

Chủ động đánh giá năng lực người học

TTH - Không đơn thuần là những điểm số, đánh giá học sinh bằng nhận xét được áp dụng từ năm học 2020 -2021 theo Thông tư 26 (với bậc trung học) và 27 (bậc tiểu học), đòi hỏi giáo viên phải hiểu hoàn cảnh gia đình, tính cách đến năng lực, sở trường của học sinh để hỗ trợ tích cực các em trong học tập.

Nhập, xóa điểm trường để nâng cao chất lượng giáo dục

Đánh giá học sinh qua nhiều hình thức học tập

Nắm rõ tâm tính các em

Một giờ học của cô giáo Nguyễn Thị Hồng Phượng và học sinh lớp 1/1 Trường tiểu học Vĩnh Ninh được bắt đầu bằng hoạt động khởi động tại chỗ, giúp các em hứng khởi khi bắt đầu tiết học. Cô giáo Phượng chia sẻ: 40 học sinh trong lớp đã hoàn thành được yêu cầu chung của chương trình. Tuy nhiên, vẫn còn một số học sinh còn đọc chậm, giáo viên phải dành khoảng 15 phút để tăng cường luyện đọc và phối hợp với phụ huynh để giúp con nhanh tiến bộ. Với chương trình GDPT mới, cô Phượng cho biết học sinh được tự khám phá nhiều hơn, giờ học không còn đơn điệu nữa, thay vào đó không khí lớp lúc nào cũng sôi nổi.

Theo nhiều giáo viên lớp 1, muốn hỗ trợ học sinh học tập tốt, giáo viên phải quan tâm, sâu sát và nắm bắt tâm tính học sinh để ghi nhận sự tiến bộ, cũng như chỉ rõ nhược điểm giúp các em điều chỉnh. Những học sinh có hoàn cảnh khó khăn cần được giáo viên động viên, gần gũi nhiều hơn. Với những em rụt rè, giáo viên phải chủ động gọi các em phát biểu, đọc bài trước lớp để học sinh mạnh dạn, tự tin hơn. Tuy nhiên, giáo viên phải tăng cường đánh giá bằng nhận xét tất cả các môn với mỗi học sinh. Tùy theo từng tính cách và mức độ tiếp nhận của học sinh, giáo viên có những nhận xét, khen thưởng phù hợp tạo sự háo hức trong học tập và rèn luyện. Những nhận xét trực tiếp của giáo viên trong giờ học giúp học sinh và giáo viên có sự tương tác.

Mỗi học sinh đều có nhận xét khác nhau dựa trên quá trình học tập. Dù ngắn gọn nhưng đây là những lưu ý của giáo viên để có những điều chỉnh trong quá trình lên lớp, như dành thời gian hướng dẫn học sinh trong cách trình bày bài với mức độ kiến thức đơn giản, tạo sự hứng thú học tập.

Theo chị Nguyễn Ngọc Thư, có con đang học lớp 2 Trường tiểu học Quang Trung, những đánh giá nhận xét cuối học kỳ của giáo viên rất quan trọng, giúp phụ huynh biết còn mình cần hỗ trợ, bổ sung kiến thức trong học tập. Chẳng hạn, dẫu con tôi cuối kỳ đều đạt loại tốt nhưng nhờ lời nhận xét của cô giáo “Chưa cẩn thận trong việc tính toán, cần khắc phục”, tôi biết những hạn chế của con để rèn luyện thêm.

Giảm nhẹ áp lực học tập

Trước đây, điểm số các bài kiểm tra được coi là cách đánh giá duy nhất tư duy và sự nỗ lực của học sinh. Tuy nhiên, cách đánh giá này không đáp ứng được yêu cầu khách quan, toàn diện quá trình học tập của mỗi cá nhân. Với Thông tư 26, thay vì viết vào sổ ghi chép cá nhân, giáo viên sẽ nhận xét ngắn gọn những tiến bộ của học sinh hoặc những đặc điểm cần lưu ý cả về kiến thức, thái độ và kỹ năng trên phần mềm. Từ đó, giáo viên sẽ có những giải pháp giúp đỡ học sinh có kế hoạch học tập phù hợp với bộ môn.

Tùy theo điều kiện thực tế, các trường học đã triển khai nhiều phương pháp dạy học tiệm cận với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Giáo viên được linh hoạt hơn thông qua hình thức cho điểm, công nhận kết quả theo tiến trình học tập. Có thể bằng các bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết, kiểm tra bài cũ... Nhưng cũng có thể chấm điểm bằng sản phẩm thực hành, ý kiến phát biểu học sinh trong lớp... Giáo viên cũng có thể kiểm tra nhiều lần nhưng chỉ lấy 1 điểm cao nhất hoặc điểm số cuối cùng để ghi nhận sự tiến bộ của các em.

Việc đánh giá bằng điểm số là cách để phân loại học sinh giỏi, khá hay trung bình, còn đánh giá bằng nhận xét là để ghi nhận quá trình học tập của học sinh đã tiến bộ hay chưa, có những điểm gì cần thay đổi rút kinh nghiệm để học tốt hơn.

Cô giáo Lê Thị Hồng Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An chia sẻ, việc giảm đầu điểm trong kiểm tra, đánh giá định kỳ trong thông tư mới giúp giảm nhẹ áp lực học tập, thi cử cho học sinh. Sự đa dạng hóa hơn các hình thức kiểm tra, đánh giá thường xuyên bằng nhận xét tạo cơ hội để giáo viên ghi nhận khách quan, đầy đủ nhất quá trình phấn đấu của học sinh trong học tập, rèn luyện.

Tuy nhiên, giáo viên phải tăng cường đánh giá bằng nhận xét tất cả các môn với mỗi học sinh. Trong khi đó, đối với một giáo viên bộ môn phụ trách nhiều lớp học, mỗi lớp lại có từ 40 học sinh thì việc nắm bắt từng cá nhân không phải là điều dễ thực hiện trong đánh giá thường xuyên lẫn định kỳ.

Đa dạng hóa hình thức kiểm tra, đánh giá là chủ trương thể hiện xu hướng khách quan và tất yếu trong đổi mới giáo dục. Giáo viên không còn cách nào khác là phải chủ động, đánh giá học sinh bằng năng lực. Giáo viên cần sáng tạo để nghĩ ra các hình thức kiểm tra mới, nhưng vẫn bảo đảm tính công bằng, khách quan, tạo hứng thú và thói quen chủ động cho học sinh trong quá trình học tập mỗi môn học.

Bài, ảnh: HUẾ THU - KIM CHUNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động ứng phó thời tiết cực đoan

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh cảnh báo, trong những ngày nắng nóng như hiện nay, buổi chiều và chiều tối thường xảy ra mưa giông kèm theo các hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc, sét, mưa đá, ảnh hưởng đến sản xuất và gây thiệt hại về người và tài sản.

Chủ động ứng phó thời tiết cực đoan
Chủ động phòng ngừa cháy, nổ mùa nắng

Trước diễn biến bất thường của thời tiết, ngành chức năng đã phát đi thông tin cảnh báo đến người dân trên địa bàn tỉnh, cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không chủ quan, lơ là trong việc phòng ngừa cháy, nổ do nắng nóng.

Chủ động phòng ngừa cháy, nổ mùa nắng
Cần đánh giá rõ tác động tài chính khi mở rộng quyền lợi bảo hiểm y tế

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi) đang được Bộ Y tế xây dựng, lấy ý kiến hoàn thiện và trình Quốc hội thông qua (dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2025). Theo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) của Bộ Y tế trình Chính phủ, một số quyền lợi và phạm vi chi trả cho người tham gia bảo hiểm y tế được mở rộng và bổ sung…

Cần đánh giá rõ tác động tài chính khi mở rộng quyền lợi bảo hiểm y tế

TIN MỚI

Return to top