ClockThứ Bảy, 12/12/2020 13:43
DU LỊCH BIỂN SAU BÃO, LŨ:

Chủ động khôi phục, sẵn sàng đón khách dịp tết

TTH - Các chủ nhà hàng, dịch vụ tại các bãi biển đang khôi phục thiệt hại, vệ sinh môi trường sau bão, lũ nhằm phục vụ nhu cầu du khách những tháng cuối năm, nhất là trong dịp tết sắp đến.

Vietnam Airlines lưu ý hành khách đến sân bay sớm và làm thủ tục trực tuyến trong dịp Tết Nguyên đán

Biển Hải Dương trở lại bình thường sau bão lớn vừa qua

Các trận bão vừa qua khiến hàng quán tại bãi biển bị tốc mái, dịch vụ giải trí, nhà vệ sinh bị hư hỏng. Bão kết hợp triều cường gây xói lở bờ biển, hệ thống giao thông bị sạt lở; sóng tràn vào kéo theo một lượng rác khá lớn dạt vào bãi biển gây mất vệ sinh môi trường. Cây xanh dọc tuyến đường tại bãi tắm bị đổ ngã, mất mỹ quan. Các thiết bị âm thanh, ánh sáng đều bị hư hỏng...

“Những ngày sau bão, lũ đến nay, mặc dù mưa lạnh, thời tiết không mấy thuận lợi nhưng du khách bắt đầu trở lại tham quan bãi biển và thưởng thức các món hải sản. Lượng khách đến hằng ngày tuy còn thưa thớt do các dịch vụ tại bãi biển chưa trở lại bình thường nhưng đây là tín hiệu tích cực sau bão, lũ”, ông Nguyễn Xuân Long, chủ nhà hàng Sao Biển tại bãi tắm Thuận An nói.

Thời điểm này, nhà hàng Sao Biển vừa khắc phục thiệt hại, vừa đón khách tham quan, ăn uống. Ngoài sửa chữa, lợp lại quán xá, nhà hàng cùng với Ban quản lý (BQL) bãi tắm Thuận An hỗ trợ, gia cố lại các tuyến đường, trồng lại cây xanh tạo mỹ quan cho bãi biển. Lực lượng thanh niên địa phương, vũ trang, nhân viên nhà hàng ra quân dọn vệ sinh môi trường tại bãi biển...

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An, ông Nguyễn Văn Giàu thông tin, trong các trận bão, triều cường vừa qua, nhiều nhà hàng, dịch vụ tại bãi tắm Thuận An bị hư hỏng. Hầu hết mái hiên nhà hàng, công trình vệ sinh, nhà giữ xe… bị tốc mái. Mức độ hư hỏng, thiệt hại của các dịch vụ, nhà hàng tuy không lớn nhưng ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động vui chơi, giải trí và kinh doanh tại bãi tắm những ngày sau bão, lũ.

Thường mọi năm không có bão, hoặc bão nhỏ, vào thời điểm này, các bãi biển thu hút một lượng lớn du khách đến tham quan, ăn uống. Các nhà hàng ở đây có nguồn thu khá lớn, đời sống đội ngũ nhân viên phục vụ ổn định. Từ những ngày sau bão đến nay, lượng khách lai rai, chủ yếu khách xa đến ngắm cảnh, chụp ảnh mùa biển động, ăn hải sản.

Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, ông Đặng Tiến Tùy cho biết, BQL bãi tắm Phú Thuận, các chủ nhà hàng đang tích cực khắc phục bão. Đến thời điểm này, rác trên bãi biển đã thu dọn sạch sẽ. Đơn vị thi công đang sửa chữa các tuyến đường bị hư hỏng, trồng lại cây xanh. Hầu hết các nhà hàng, dịch vụ bị hư hỏng đều được sửa chữa, khắc phục cơ bản hoàn thành. Các thiết bị ánh sáng, trang trí đang được lắp đặt lại.

Cùng với khắc phục bão, chủ nhà hàng, dịch vụ tại các bãi biển tranh thủ kết hợp nâng cấp một số hạng mục như nhà vệ sinh, nhà xe, hàng quán, đèn chiếu tráng, thiết bị trang trí, bàn ghế... đảm bảo phục vụ nhu cầu du khách, nhất là dịp tết cổ truyền sắp đến. Trong đó, dịch vụ vệ sinh môi trường, mỹ quan hàng quán, hải sản tươi ngon... được các nhà hàng quan tâm đầu tư.

Được biết, hầu hết các bãi tắm chuyên nghiệp như Lăng Cô, hạ tầng kiên cố vững chắc nên không ảnh hưởng bão, lũ. Riêng các bãi biển nhỏ, như Hải Dương (TX. Hương Trà), Vinh Thanh (Phú Vang), Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền)… đều bị ảnh hưởng lớn trong các trận bão vừa qua. Chị Trần Thị Hồng, chủ hàng quán tại bãi biển Hải Dương cho biết, hầu hết các hàng quán, thiết bị trang trí… đều bị hư hỏng do bão và sóng đánh. Bờ biển bị sạt lở lấn sâu vào các quán ăn uống…

Sau bão, các chủ hàng quán sửa chữa, khắc phục đến nay cơ bản hoàn thành. Một số hàng quán nằm sát bờ biển, tạm thời được di dời trong lúc chờ dự án xây kè kiên cố chống sạt lở; hoặc chờ đến khi biển lặng, thời tiết thuận lợi mới được dựng quán ven bờ. Theo chị Hồng, du khách bắt đầu đến tham quan, ăn uống trở lại sau bão, lũ, tuy lượng khách vẫn còn ít so với thường ngày nhưng có dấu hiệu tăng dần.

Theo khuyến cáo của Sở Du lịch và BQL các bãi tắm, ngoài nghiêm cấm tắm biển, du khách, người dân khi đến các bãi biển trong thời điểm này cần chọn các hàng quán xa bờ với khoảng cách an toàn; không nên tụ tập, ngồi ở ven bờ, các trại ăn uống dựng trên biển nhằm tránh nguy cơ rủi ro, mất an toàn. Các chủ nhà hàng, dịch vụ tại bãi tắm cần bình ổn giá, tránh tăng giá bất thường nhằm đảm bảo uy tín, tạo niềm tin cho du khách, người dân sau thiên tai, bão, lũ.

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sẵn sàng cho mùa du lịch biển

Khởi động mùa du lịch biển và chương trình “Thuận An Biển gọi năm 2024”, tại bãi tắm Thuận An, UBND TP. Huế và phường Thuận An đã và đang hoàn thiện hạ tầng, chỉnh trang khuôn viên bãi tắm cũng như kiện toàn các tổ bảo vệ, cứu hộ… nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và du khách.

Sẵn sàng cho mùa du lịch biển
Chủ động ứng phó thời tiết cực đoan

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh cảnh báo, trong những ngày nắng nóng như hiện nay, buổi chiều và chiều tối thường xảy ra mưa giông kèm theo các hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc, sét, mưa đá, ảnh hưởng đến sản xuất và gây thiệt hại về người và tài sản.

Chủ động ứng phó thời tiết cực đoan
Chủ động phòng ngừa cháy, nổ mùa nắng

Trước diễn biến bất thường của thời tiết, ngành chức năng đã phát đi thông tin cảnh báo đến người dân trên địa bàn tỉnh, cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không chủ quan, lơ là trong việc phòng ngừa cháy, nổ do nắng nóng.

Chủ động phòng ngừa cháy, nổ mùa nắng
Chủ động ứng phó nguy cơ cháy rừng

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Lê Ngọc Tuấn trao đổi, mùa nắng nóng được dự báo bắt đầu từ những ngày cuối tháng 3 này. Cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo nắng nóng diễn ra gay gắt, diễn biến phức tạp khiến rủi ro, nguy cơ cháy rừng cấp độ cao. Hầu hết các cánh rừng trên địa bàn tỉnh, nhất là rừng thông cảnh quan, đặc dụng, rừng phòng hộ, keo tràm, kể cả dương liễu vùng cát đều có nguy cơ cháy.

Chủ động ứng phó nguy cơ cháy rừng

TIN MỚI

Return to top