ClockThứ Bảy, 11/12/2021 07:00

Chủ động nâng tầm sản phẩm

TTH - Hiện nay, nhiều sản phẩm hàng Việt vẫn tồn tại những điểm hạn chế do không ít doanh nghiệp (DN) lúng túng phát triển thương hiệu, ít chú trọng các yếu tố về sở hữu trí tuệ (SHTT) nên chưa bắt kịp sản xuất kinh doanh theo xu hướng hiện đại...

Xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề: Cần có cách nhìn mớiQuản lý tốt chất lượng là cách xây dựng thương hiệu hiệu quảXây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc trưngNâng tầm thương hiệu Quốc gia

Trồng rau sạch ở Hương Phú, Nam Đông đang hướng đến xây dựng thương hiệu rau sạch “Thanh Hường”

Bất cập về nhãn mác, bao bì

Gần đây, bên cạnh việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa các mặt hàng thì yếu tố về bao bì, nhãn hiệu hàng hóa cũng được nhiều DN nội địa thường xuyên cập nhật, đổi mới để nâng cao sức cạnh tranh. Thế nhưng, vẫn có những nhãn hàng hóa còn khá sơ sài về thông tin. Nhiều loại nông sản, thực phẩm, đồ gia dụng… trên thị trường hiện vẫn còn chưa chú trọng những thông tin in trên bao bì, nhãn mác…

Trước xu thế hiện nay, người tiêu dùng “thông thái” mong muốn các loại hàng hóa, sản phẩm minh bạch thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, thành phần chất lượng để có căn cứ cho khách hàng chọn lựa, thay vì chỉ mua bằng cảm quan, nhất là đối với các sản phẩm, như nông sản, thực phẩm...

Chị Nguyễn Thị Ánh (ở 69 đường Lê Thánh Tôn, TP. Huế) chia sẻ, hiện nay nhiều sản phẩm trong nước có thương hiệu đã chú trọng đổi mới mẫu mã, bao bì, trong đó có nhiều nhãn hàng đã sử dụng các loại bao bì sạch, thân thiện với môi trường, thông tin nhãn mác tuân theo các chuẩn quốc tế… Tuy vậy, vẫn có những sản phẩm thực phẩm, hàng chế biến khô… từ cơ sở sản xuất nhỏ thường chỉ ghi sơ sài vài thông tin về nơi sản xuất, một số sản phẩm còn mập mờ thông tin ngày sản xuất, hạn sử dụng gây khó khăn cho người tiêu dùng…

Chưa mặn mà với thương hiệu

Việc khai thác hiệu quả thông tin SHTT có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với DN trong quá trình nghiên cứu, xác lập quyền sở hữu công nghiệp, quản lý tài sản trí tuệ, khai thác, sử dụng hợp pháp các đối tượng sở hữu công nghiệp, đặc biệt là các công nghệ, sáng chế.

Thực tế vẫn còn nhiều DN, nhất là các DN nhỏ và vừa chưa hiểu được đầy đủ ý nghĩa về sở hữu công nghiệp nói riêng và SHTT nói chung. Một số DN vẫn còn e ngại, ít chủ động hợp tác để thu hồi, xử lý các sản phẩm xâm phạm quyền SHTT vì sợ ảnh hưởng đến các sản phẩm của mình; hoặc chỉ đi đăng ký khi bị các cơ quan hữu quan kiểm tra, nhắc nhở…

Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh-ông Dương Tuấn Anh nhận định, SHTT mang lại cho DN nhiều lợi thế, tuy nhiên nhiều DN khởi nghiệp hiện mới chỉ quan tâm đến vấn đề phát triển sản phẩm, gọi vốn đầu tư, bán hàng… mà chưa quan tâm đến việc bảo vệ ý tưởng, bảo hộ thương hiệu và nhận thức chưa đầy đủ về SHTT. Không ít DN địa phương, nhất là các DN nhỏ và vừa vẫn còn “chậm chân” trong vấn đề nhận diện, bảo vệ thương hiệu trong bối cảnh hàng lậu, hàng giả, vi phạm về SHTT, xuất xứ hàng hóa… đang diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp hơn.

Chủ động trước xu hướng tiêu dùng mới

Khi đời sống xã hội ngày càng nâng cao, khoa học - công nghệ, các kênh mua sắm trực tuyến phát triển nhanh thì các yêu cầu về quy trình sản xuất, thành phần nguyên liệu, chất lượng sản phẩm cũng như độ tin cậy thương hiệu cũng phải ngày càng cải thiện, bắt kịp các xu thế của thị trường.

Đối với các sản phẩm khi sản xuất đưa ra thị trường, chưa nói đến chất lượng sản phẩm nhưng các DN cần thông tin về nguồn gốc, xuất xứ; cũng như cải tiến mẫu mã, bao bì... Nếu những yếu tố trên không chú trọng sẽ thua ngay “trên sân” nhà, bởi sản phẩm, hàng hóa, thực phẩm của nhiều “ông lớn” nước ngoài có độ nhận diện thương hiệu cao hiện đã tràn ngập thị trường trong nước. Chính điều này khiến sản phẩm hàng Việt gặp nhiều khó khăn khi vươn ra thị trường xa, hoặc xuất khẩu ra nước ngoài, đặc biệt là vào các nước thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Liên minh châu Âu (EU)...

Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh chia sẻ, với sự phát triển nhanh chóng của hạ tầng thương mại hiện nay, nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng ngày càng thay đổi theo hướng thuận tiện, nhanh chóng. Hơn nữa, sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi hành vi trao đổi mua bán hàng hóa. Điều này đòi hỏi các DN cần phải chủ động nắm bắt cơ hội để thúc đẩy các kênh bán hàng trực tuyến phù hợp, liên tục cập nhật những thay đổi của thị trường. Do vậy, ngoài tính chuyên nghiệp trong phương thức bán hàng, tiêu thụ sản phẩm thì càng không thể bỏ qua việc xây dựng thương hiệu, nhãn mác, bao bì cũng như chất lượng bên trong sản phẩm...

Đến nay, tỉnh Thừa thiên Huế đã có hơn 380 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nổi bật như Bún bò Huế, Thanh Trà Huế, Nón lá Huế, Tinh dầu tràm Huế... hội nhập thị trường quốc tế.

Bài, ảnh: SONG MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động ứng phó nguy cơ cháy rừng

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Lê Ngọc Tuấn trao đổi, mùa nắng nóng được dự báo bắt đầu từ những ngày cuối tháng 3 này. Cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo nắng nóng diễn ra gay gắt, diễn biến phức tạp khiến rủi ro, nguy cơ cháy rừng cấp độ cao. Hầu hết các cánh rừng trên địa bàn tỉnh, nhất là rừng thông cảnh quan, đặc dụng, rừng phòng hộ, keo tràm, kể cả dương liễu vùng cát đều có nguy cơ cháy.

Chủ động ứng phó nguy cơ cháy rừng
Mở rộng phong trào, nâng tầm vị thế

Taekwondo là bộ môn thể thao thế mạnh của tỉnh nhà và được Thừa Thiên Huế chọn làm môn thể thao trọng điểm nhóm 1 tập trung đầu tư trong giai 2021 - 2025. “Mở rộng phong trào, nâng tầm vị thế” là phương châm hoạt động của bộ môn này.

Mở rộng phong trào, nâng tầm vị thế

TIN MỚI

Return to top