ClockThứ Ba, 19/04/2016 05:31

Chủ động phòng, chống bệnh do virus Zika

TTH - Chủ động đối phó vius Zika lây lan, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã bố trí nhân viên y tế ở các cửa khẩu vùng biên, phối hợp với Cảng Chân Mây, Cảng Hàng khộng Phú Bài đặt 2 máy đo thân nhiệt hồng ngoại nhằm kiểm soát, kiểm dịch để có phương án phòng ngừa kịp thời.

PGS.TS Nguyễn Đình Sơn

 

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến nay, virus Zika đã xuất hiện tại 62 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam vừa phát hiện 2 trường hợp nhiễm vius Zika tại TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Khánh Hòa. 

PGS.TS Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, bệnh do nhiễm vius Zika có thể gây ra hội chứng Guillain-Barre (viêm đa rễ thần kinh) ở bệnh nhân. Đặc biệt, tại nhiều nước đã xuất hiện tình trạng trẻ sinh ra bị tật đầu nhỏ từ các bà mẹ bị nhiễm vi rút này trong thời kỳ mang thai.

Trước sự lây lan vi rút Zika gây hội chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, PGS.TS Nguyễn Đình Sơn cảnh báo: Phụ nữ có dự định mang thai cần lưu ý không nên đi du lịch đến vùng dịch khi thực sự không cần thiết. Các đôi vợ chồng, bạn tình đang sống tại vùng dịch, hoặc trở về từ vùng dịch nếu có ý định mang thai cần đến cơ sở y tế để khám và được tư vấn trước khi quyết định mang thai. Thứ hai, đối với phụ nữ đang mang thai cần đi khám thai định kỳ theo quy định của Bộ Y tế về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS). Phụ nữ có thai sống tại vùng dịch, hoặc trở về từ vùng dịch, nếu có các triệu chứng, như sốt, phát ban và các triệu chứng như nói ở trên cần đến cơ sở y tế để khám, tư vấn. Ngoài ra, người chồng sống trong vùng dịch hoặc trở về từ vùng dịch cần dùng bao cao su khi quan hệ tình dục để tránh những biến chứng xảy ra đối với thai nhi.

Bệnh do virus Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi mang virus  Zika (chủ yếu là muỗi Aedes aegypti) đốt người bệnh truyền sang người lành, có thể gây thành dịch. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Người bị nhiễm vius Zika có các biểu hiện, như sốt nhẹ, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau mắt, đau cơ, mệt mỏi và đau đầu. Tuy nhiên, có từ 60-80% các trường hợp nhiễm virus Zika không biểu hiện triệu chứng lâm sàng.

Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, ngoài khám thai thường quy, các y, bác sĩ cần hỏi tiền sử của phụ nữ có đi từ vùng dịch về hay không, làm siêu âm để xác định chính xác tuổi thai và đánh giá hình thái học thai nhi phát hiện đầu nhỏ. Nếu phát hiện có bất thường về thai nhi cần lấy mẫu xét nghiệm để xử lý kịp thời. Hiện nay, các cơ sở y tế trên địa bàn có sàng lọc trước sinh.

Để chủ động phòng chống bệnh do vi rút Zika, người dân cần lưu ý điều gì thưa ông?

Nguy cơ dịch bệnh do vi rút Zika xâm nhập và lây lan rộng trong cộng đồng là do qua lại tham quan du lịch, thương mại, lao động giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. Bộ Y tế chỉ đạo và Sở Y tế đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở y tế chủ động xây dựng phương án phòng, chống dịch do vi rút Zika. Người dân phải thường xuyên diệt loăng quăng, muỗi; ngủ màn và sử dụng các biện pháp phòng, chống muỗi đốt...như phòng chống sốt xuất huyết. Ngành y tế đã phối hợp, đẩy mạnh công tác truyền thông mối nguy hại của dịch bệnh do vi rút Zika gây ra nhằm giúp mọi người chủ động phòng chống, loại trừ.

Đối với những người đi-đến-về từ quốc gia có dịch, cán bộ y tế, nhân viên làm việc tại khu vực cửa khẩu, cán bộ tham gia công tác phòng chống bệnh do virus Zika chủ động tự theo dõi sức khỏe và thông báo cho cơ quan y tế khi có biểu hiện bệnh. Thời điểm này nên hạn chế đi đến các vùng đang có dịch khi không cần thiết, đặc biệt đối với phụ nữ đang mang thai, những người mắc các bệnh suy giảm miễn dịch. Người về từ vùng dịch tự theo dõi tình trạng sức khỏe trong vòng 12 ngày và khi có biểu hiện nghi ngờ về bệnh phải thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn, cách ly, điều trị kịp thời.

Thưa ông, nguồn lực, cơ sở vật chất hiện nay ở tỉnh ta có đáp ứng để chủ động phát hiện, phòng chống dịch bệnh Zika?

Đây là điều ngành y tế tỉnh nhà đã quan tâm hàng đầu. Hiện nay chúng tôi đã củng cố kiện toàn 5 đội cơ động dự phòng tuyến tỉnh và 18 đội y tế dự phòng tuyến huyện, thành phố cùng trang bị dụng cụ máy móc, hóa chất nhằm phối hợp tập trung giám sát theo dõi các ca bệnh có dấu hiệu nghi ngờ khoanh vùng, cách ly, đồng thời lấy mẩu nhanh đưa vào xét nghiệm tại Viện Pateur Nha Trang (Khánh Hòa) để thuận lợi trong điều trị. Các Trung tâm CSSKSS, bệnh viện 9 huyện, thành phố chủ động việc khám thai, tư vấn cho phụ nữ mang thai yên tâm trong tình hình hiện Zika có thể xâm nhập vào địa bàn theo quy định của Bộ Y tế.

Để chủ động đối phó vius Zika lây lan, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã bố trí nhân viên y tế ở các cửa khẩu vùng biên, phối hợp với Cảng Chân Mây, Cảng Hàng khộng Phú Bài đặt 2 máy đo thân nhiệt hồng ngoại nhằm kiểm soát, kiểm dịch hành khách để có phương án phòng ngừa kịp thời.

Minh Văn (thực hiện)

 

Thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, ngày 25/2/2016, Bệnh viện Trung ương (BV TW) Huế đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch do vi rút Zika.

Thạc sĩ, B.S  chuyên khoa II Hoàng Bách Thảo, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp; Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh BV TW Huế cho biết:

Ban chỉ đạo có nhiệm vụ thường xuyên nắm bắt tình hình diễn biến dịch bệnh trong và ngoài nước, tình hình dịch bệnh tại bệnh viện và trên địa bàn khi có dịch xảy ra để báo cáo ngay cho Bộ Y tế và có biện pháp chỉ đạo tổ chức, điều phối các đơn vị liên quan cùng nguồn lực phù hợp nhằm tiếp nhận điều trị bệnh nhân có hiệu quả, tránh lây lan. Phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan chức năng khác để phát hiện dịch sớm và có biện pháp hỗ trợ chuyên môn cho các cơ sở y tế trên địa bàn khi có yêu cầu.

Bệnh viện đã phân công cụ thể cho từng khoa, phòng liên quan có kế hoạch phòng chống dịch bệnh cụ thể, như  lập kế hoạch phối hợp tổ chức tập huấn;  lên phương án phòng chống dịch;  triển khai, kiểm tra chặt chẽ công tác phát hiện, điều trị và chăm sóc người bệnh... Theo đó, các Khoa Khám bệnh, Cấp cứu, Truyền nhiễm, Phụ sản, Trung tâm Nhi đều chuẩn bị sẵn sàng giường và phòng cách ly để tiếp nhận bệnh nhân nghi nhiễm virus Zika. Bố trí đủ nhân lực, phương tiện, cơ số thuốc để  phòng chống dịch. 

Tùy theo tình hình dịch bệnh để lên phương án điều động nhân lực (điều dưỡng, hộ lý, hướng dẫn viên) tăng cường cho các khoa. Bệnh viện thực hiện vệ sinh, tẩy uế, làm sạch môi trường...

Về phương án xử lý khi phát hiện trường hợp nhiễm virus Zika, B.S Hoàng Bách Thảo cho biết,  bệnh viện sẽ kết hợp với Trung tâm Y tế Dự phòng và  trung tâm y tế các huyện, thị xã theo dõi, giám sát và thu nhận bệnh nhân. Hiện đã thành lập 2 tổ cấp cứu cơ động gồm 2 xe cấp cứu trang bị đầy đủ các phương tiện cùng 12 cán bộ sẵn sàng ứng cứu khi có lệnh điều động.

Khi có bệnh nhân nhiễm virut Zika sẽ được điều trị cách ly (tùy thuộc bệnh nhân là người lớn, trẻ em hoặc sản phụ, sẽ chuyển về địa điểm điều trị cách ly phù hợp), không để  bệnh lây lan ra cộng đồng.

Đối với phụ nữ mang thai, khi phát hiện dịch bệnh sẽ  theo dõi, giám sát, điều trị cho đến khi sinh em bé an toàn.

Đinh Hoàng Xuân Hồng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những hệ quả khi nhiễm Zika trong bào thai

Khoảng 14% trẻ em nhiễm Zika lúc còn trong bụng mẹ có thể gặp các vấn đề về sức khỏe do virus này gây ra - bao gồm một số biến chứng y khoa không rõ ràng khi sinh và chỉ được xác định khi trẻ lớn lên, cơ quan y tế hàng đầu của quốc gia Mỹ cho biết.

Những hệ quả khi nhiễm Zika trong bào thai
Return to top