ClockThứ Hai, 28/10/2019 14:15

Chủ động thoát nghèo

TTH - Khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả nguồn hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng được xem là một trong những giải pháp để thoát nghèo bền vững.

Đồng hành cùng hộ nghèo

Mô hình nuôi bò giảm nghèo ở xã A Ngo

Đăng ký thoát nghèo

Cách đây vài năm, gia đình chị Kê Thị Thanh ở thôn Bình Sơn, xã A Ngo, huyện A Lưới là một trong những hộ nghèo của xã. Chồng chị Thanh đau ốm liên miên, ba đứa con đều đang tuổi ăn học, kinh tế gia đình một mình chị phải gánh vác bằng công việc chăn nuôi, trồng trọt. Cả gia đình sống trong căn nhà nhỏ, không đủ che nắng, che mưa, thiếu thốn đủ bề.

Chị Thanh nhớ lại: “Khi bệnh tình của chồng tôi đỡ dần, anh làm thợ nề, còn tôi mở rộng chăn nuôi lợn, nấu rượu. Qua kênh Hội Nông dân, vợ chồng tôi mạnh dạn vay thêm 50 triệu đồng để phát triển sản xuất. Thu nhập dần ổn định, cuộc sống gia đình khỏi phải chạy ăn từng bữa, chúng tôi nỗ lực để sớm thoát nghèo”.

Sau khi đăng ký thoát nghèo, chị Thanh được chính quyền xã A Ngo hỗ trợ vay vốn, tập huấn kỹ thuật. Năm 2018, gia đình chị Thanh trở thành một trong những hộ thoát nghèo tiêu biểu của xã. Chắt chiu, dành dụm, vợ chồng chị vừa xây mới ngôi nhà khang trang trị giá 200 triệu đồng.

Cũng rơi vào hộ nghèo do chồng bệnh tật rồi mất, bà Kê Thị Môi ở thôn Pâr Nghi 1, xã A Ngo một mình nuôi 4 đứa con. Đến khi hai đứa con lớn đã yên bề gia thất, đứa út học lớp 12, bà Môi xin thoát nghèo. Năm 2017, từ nguồn vốn vay 20 triệu đồng, bà tập trung chăn nuôi heo, trồng trọt, sửa lại căn nhà trước đây được hỗ trợ xóa nhà tạm. Bà Môi chia sẻ: “Là hộ nghèo, tâm lý luôn mặc cảm là gánh nặng của Nhà nước, địa phương nên tôi luôn cố gắng làm lụng để thoát nghèo”.

A Ngo là một trong những địa phương làm tốt công tác giảm nghèo. Cuối năm 2015, toàn xã có 257 hộ nghèo, chiếm 30,85%. Sau 3 năm thực hiện đề án giảm nghèo từ năm 2016 đến cuối năm 2018, toàn xã giảm được 215 hộ nghèo (bình quân giảm 8,7%/năm). Năm nay, A Ngo được công nhận là xã nông thôn mới.

Bà Hồ Thị Hoa, cán bộ Lao động - Thương binh và xã hội (LĐTBXH) xã A Ngo cho hay, các hộ đăng ký thoát nghèo đều được địa phương hỗ trợ vốn, mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện của từng gia đình, hỗ trợ xóa nhà tạm, nâng cao các chỉ số về vệ sinh, nước sạch… để thoát nghèo bền vững. Nhờ công tác tuyên truyền, nhiều người nghèo chủ động vươn lên, không ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước mà tự nguyện đăng ký thoát nghèo. Năm 2019, A Ngo có 9 hộ đăng ký thoát nghèo.

Khơi dậy ý chí vươn lên của người nghèo

Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh tập trung các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội và đẩy nhanh giảm tỷ lệ hộ nghèo, tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản. Theo thống kê từ Sở LĐTBXH, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm từ 8,36% đầu năm 2016 xuống còn 5,03% vào cuối năm 2018, với 9.856 hộ thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số giảm bình quân 4,85%/năm.

Năm 2019, tổng vốn đầu tư thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh là 75,042 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo với các giải pháp quyết liệt, phù hợp để giảm nghèo bền vững. Trong đó, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong năm 2019 là 0,7% (giảm từ 5,03% xuống còn 4,33%), tương ứng giảm trên 2.000 hộ nghèo.

Bà Phan Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho hay, để giảm nghèo bền vững từ nay đến cuối năm 2020 và giai đoạn tiếp theo, tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả các dự án thành phần thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chính sách giảm nghèo chung, như: tín dụng ưu đãi, dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ về giáo dục và đào tạo, hỗ trợ về y tế, nhà ở, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ người nghèo hưởng thụ văn hóa… Trong đó, chú trọng tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các nguồn vốn, gắn với việc hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình sinh kế giảm nghèo bền vững.

Giải pháp quan trọng nữa là đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến các cấp, các ngành, các tầng lớp dân cư và người nghèo nhằm thay đổi, chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo. Khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo bền vững. Việc đẩy mạnh thực hiện chính sách đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài được xem là con đường ngắn nhất để thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng.

UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch xóa nghèo cho hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công từ nay đến 2020; trong đó, có các giải pháp quyết liệt, bằng những việc làm thiết thực để không còn các hộ có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công với cách mạng thuộc diện hộ nghèo. Phấn đấu đến cuối năm 2020, 100% hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững

Tiếp tục phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, TP. Huế triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển toàn diện và đồng bộ các hoạt động quản lý, bảo vệ, trồng rừng, khai thác, chế biến lâm sản... trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường.

Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững
Thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã giúp nhiều hội viên, nông dân (HVND) Phong Sơn (Phong Điền) có điều kiện thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống
Hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo tại Phú Lộc

Ngày 7/4, Tỉnh đoàn - Hội LHTN Việt Nam tỉnh phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Thanh thiếu nhi Việt Nam tổ chức chương trình trao mô hình sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Phú Lộc.

Hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo tại Phú Lộc
Chủ động ứng phó thời tiết cực đoan

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh cảnh báo, trong những ngày nắng nóng như hiện nay, buổi chiều và chiều tối thường xảy ra mưa giông kèm theo các hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc, sét, mưa đá, ảnh hưởng đến sản xuất và gây thiệt hại về người và tài sản.

Chủ động ứng phó thời tiết cực đoan
A Lưới xây dựng nông thôn mới bền vững

A Lưới tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kết nối vùng phục vụ dân sinh, sản xuất. Ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống của người dân.

A Lưới xây dựng nông thôn mới bền vững
Return to top