ClockThứ Năm, 09/09/2021 06:30

Chủ động ứng phó bão Conson

TTH - Bão Conson được dự báo là cơn bão mạnh khi vào đất liền, các địa phương vùng biển, đầm phá đang “lên kịch bản” di dời dân trong điều kiện cần thiết. Với tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, công tác di dời dân cần đảm bảo an toàn chống dịch.

Triển khai phương án ứng phó bão Conson

Người dân Phong Điền, Quảng Điền gấp rút gặt lúa hè thu trước khi bão vào

Chủ động di dời

Với đặc thù chiều dài 120km bờ biển qua địa bàn tỉnh, ảnh hưởng mưa bão hàng năm luôn thường trực đối với các địa phương vùng ven biển, đầm phá.

Ông Lê Nguyên Oai, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Công (Quảng Điền) thông tin, hàng năm, cứ đến mùa bão lụt, địa phương luôn chú trọng 4 thôn vùng biển và 2 thôn vùng tái định cư sống cách bờ biển trên 100m. Có khoảng 110 hộ dân ở khu vực này phải di dời cách trạm BTS (ngoài bán kính 50m) và 40 hộ dân chưa thể lên tái định cư dù địa phương đã bố trí quỹ đất nhưng còn hạn hẹp về kinh phí. Công tác di dời tàu thuyền cũng được chú trọng. Ngay trước khi bão vào, địa phương huy động lực lượng giúp dân đưa thuyền lên các khu vực an toàn sau tuyến kè biển.

Các hộ dân sau khi di dời sẽ được bố trí tạm cư tại các trường học, nhà văn hóa thôn, xã và xen ghép trong vùng dân cư có nhà cửa cao ráo, kiến cố, đảm bảo không quá tải. Trong điều kiện vừa di dời dân, vừa đảm bảo an toàn chống dịch theo quy định, xã đã bố trí một khu vực trưng dụng từ trường học trên địa bàn với khoảng 50 giường cùng các thiết bị dụng cụ, vật tư chuẩn bị sẵn trong trường hợp cần thiết di dời đảm bảo giữ khoảng cách an toàn.

Tàu thuyền neo đậu tránh trú bão tại âu thuyền Phú Hải (Phú Vang)

Ông Hoàng Văn Sửu, Chủ tịch UBND xã Phong Hải (Phong Điền) cho hay, địa phương luôn theo sát diễn biến thời tiết, căn cứ trên thông tin, dữ liệu đó để đưa ra giải pháp ứng phó. Cụ thể, trong trường hợp bão giật cấp 10-11 sẽ tiến hành di dời 2 dãy nhà sát biển và bão giật trên cấp 12 sẽ di dời 3 dãy nhà ven biển với khoảng 151 hộ luôn trong trạng thái “di dời cứng”. Địa phương này cũng vừa đầu tư 6 thiết bị đẩy thuyền từ ngân sách của xã để giúp ngư dân đưa thuyền từ bờ lên khu vực an toàn tránh bão.

“Công tác di dời dân giai đoạn hiện nay không chỉ an toàn trong thiên tai mà còn đảm bảo khoảng cách, không tập trung, có đủ thiết bị ứng phó dịch bệnh nên công tác chuẩn bị của địa phương phải chủ động ngay từ bây giờ và hoàn thiện dần trong những đợt mưa bão tiếp theo để làm sao phải đảm bảo “4 tại chỗ” nhưng cũng phòng chống được dịch bệnh”, ông Sửu khẳng định.

Mục tiêu kép

Ứng phó mưa lũ, bão lớn trong tình hình ảnh hưởng dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay được xem là “nhiệm vụ kép” mà các địa phương đang triển khai.

Ông Đặng Văn Hòa, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, nhằm ứng phó bão lụt trong thời gian tới, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu các địa phương chuẩn bị phương án sơ tán dân, đảm bảo an toàn trường hợp xảy ra bão lụt, sạt lở đất và đảm bảo phòng, chống dịch, thiên tai cho các địa điểm sơ tán, khu cách ly. Công tác di dời dân các địa phương sẽ chủ động, ngoài yếu tố “4 tại chỗ” còn phải đảm bảo an toàn chống dịch theo quy định của Bộ Y tế.

Đối với bão Conson, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đề nghị các địa phương theo dõi diễn biến của bão, thông báo cho chủ tàu và thuyền trưởng các phương tiện tàu, thuyền biết về diễn biến xấu của thời tiết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu. Các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện tổ chức trực ban theo dõi, thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành đã được phê duyệt đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du.

UBND tỉnh cũng vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các địa phương, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh chủ động ứng phó thiên tai, mưa lũ, bão lớn trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Theo đó, yêu cầu các địa phương, cơ quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức rà soát phương án ứng phó thiên tai hiện có, chủ động xây dựng phương án ứng phó đối với từng tình huống thiên tai cụ thể trong bối cảnh phải phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là khi mưa lũ, bão lớn để triển khai thực hiện khi có tình huống xảy ra, không để bị động, bất ngờ.

Chuẩn bị sẵn lực lượng, phương tiện, trang thiết bị của đơn vị, địa phương mình theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó thiên tai, tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Đồng thời, đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh.

Tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực nguy hiểm, nhất là tại các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, khu vực hạ lưu các hồ chứa thủy lợi, thủy điện có nguy cơ xảy ra sự cố để chủ động xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm trong mùa mưa bão theo quy định, sẵn sàng lực lượng, phương tiện và nhân lực để chủ động ứng phó, tránh xảy ra sự cố mất an toàn.

Theo Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh, dự báo trong 24 đến 48 giờ tới, bão Conson di chuyển theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào Biển Đông và có khả năng mạnh thêm, trở thành cơn bão số 5 trong mùa mưa bão năm nay. Do ảnh hưởng của bão, từ sáng sớm ngày 9/9, ở vùng biển phía đông khu vực bắc Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8, sau tăng lên cấp 9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 3-5m, biển động mạnh. Dự báo càng vào gần vùng biển các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ, bão càng mạnh lên với sức gió mạnh nhất khi ở trên Biển Đông khoảng cấp 12, giật cấp 13-14 và khả năng mạnh hơn nữa.

Bài, ảnh: Nguyễn khánh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng phó hạn, mặn

Diễn biến thời tiết phức tạp, nắng nóng dự báo gay gắt kéo dài khiến nguy cơ thiếu nước sản xuất nông nghiệp và xâm nhập mặn.

Ứng phó hạn, mặn
Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm

Các biện pháp phòng, chống được triển khai đồng bộ, có hiệu quả nên đến thời điểm này, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) chưa xảy ra. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, tái bùng phát dịch bệnh GSGC.

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm
Chủ động ứng phó nguy cơ cháy rừng

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Lê Ngọc Tuấn trao đổi, mùa nắng nóng được dự báo bắt đầu từ những ngày cuối tháng 3 này. Cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo nắng nóng diễn ra gay gắt, diễn biến phức tạp khiến rủi ro, nguy cơ cháy rừng cấp độ cao. Hầu hết các cánh rừng trên địa bàn tỉnh, nhất là rừng thông cảnh quan, đặc dụng, rừng phòng hộ, keo tràm, kể cả dương liễu vùng cát đều có nguy cơ cháy.

Chủ động ứng phó nguy cơ cháy rừng
Chủ động hơn với xu hướng du lịch mới

Khảo sát của Booking.com chỉ ra 7 xu hướng du lịch được du khách yêu thích trong năm 2024. Thừa Thiên Huế có điều kiện thuận lợi để đáp ứng các xu hướng mới về du lịch. Vấn đề đặt ra là sự chủ động trong việc nắm bắt và khai thác lợi thế.

Chủ động hơn với xu hướng du lịch mới
Return to top